29/09/2018 10:01 GMT+7

Hiểm họa ngay trên đầu

BẢO NGỌC - THIÊN ĐIỂU
BẢO NGỌC - THIÊN ĐIỂU

TTO - Tương lai, hoài bão của một phụ nữ trẻ bỗng tan biến khi chị bị một thanh sắt từ trên cao rơi xuống người ngày 27-9 tại Hà Nội. Số vụ tai nạn từ các vật thể trên cao tại các công trình xây dựng đã đáng báo động.

Hiểm họa ngay trên đầu - Ảnh 1.

Cần cẩu của một công trình xây dựng liên tục di chuyển ngang đầu người dân trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Quy định hiện không thiếu, cũng có đơn vị chịu trách nhiệm giám sát, nhưng các vụ tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng cần xử lý mạnh tay.

Mẹ đơn thân chết để lại con gái 6 tuổi

Ngày 28-9, UBND Q.Thanh Xuân (Hà Nội) đã có thông tin nhanh về vụ việc thanh sắt từ công trình xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê (lô đất 4.6 đường Lê Văn Lương, P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân) làm chết chị D.T.H. (sinh năm 1987) và làm một người bị thương. Một thông tin khiến dư luận rất xót xa: chị D.T.H. là mẹ đơn thân, hiện một mình nuôi con gái 6 tuổi tại Hà Nội.

Công trình trên đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng ngày 26-6-2013. Ngày 27-9, quá trình lắp kính, các công nhân sử dụng hệ thống Gondola (sàn làm việc chuyên dụng trên cao) từ tầng 16 để di chuyển phía ngoài tòa nhà. Khi lắp kính đến tầng 7, công nhân điều khiển sàn thao tác xuống tầng 6 cho mọi người xuống thì bất ngờ cần trục bên trái của Gondola tuột ra khỏi bộ phận đối trọng rơi từ tầng 16 xuống mặt đường Lê Văn Lương gây tai nạn.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 28-9, việc thanh sắt rơi xuống đường Lê Văn Lương gây tai nạn là do Công ty CP thương mại phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP (nhà thầu) không thực hiện giải pháp quây lưới bảo vệ quanh khu vực giàn giáo thi công. Nếu quây lưới bảo vệ quanh khu vực giàn giáo, thanh sắt sẽ không thể bay ra khỏi khu vực dự án.

Điều đáng nói, tình trạng các dự án nhà cao tầng không quây lưới quanh khu vực giàn giáo thi công đang xảy ra tại nhiều dự án cũng trên trục đường có công trình vừa xảy ra tai nạn chết người. Như dự án Roman Plaza nằm trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu hiện không hề thực hiện các giải pháp quây lưới quanh giàn giáo thi công.

Hiểm họa ngay trên đầu - Ảnh 2.

Không thiếu quy định và cơ quan quản lý

Theo ông Nguyễn Thiêm - phó chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng VN, trách nhiệm để xảy ra sự cố chết người tại đường Lê Văn Lương vừa qua thuộc về nhà thầu thi công.

Nhà thầu thi công gần khu vực có người lưu thông phía dưới cần có giải pháp che chắn để bảo đảm an toàn cho người đi đường. Mặt khác, cần trục, cần cẩu tại các dự án sát khu vực lưu thông phương tiện giao thông không được quay ra đường, chỉ được hoạt động trong khu vực dự án.

Ông Thiêm nhấn mạnh tại mỗi địa phương hiện nay có tới hai cơ quan là sở xây dựng và sở lao động, thương binh - xã hội cùng quản lý về an toàn lao động, an toàn thi công. Các cơ quan quản lý cần thống nhất với dự án không bảo đảm an toàn lao động dứt khoát không được làm.

Ngoài ra, các quận huyện hiện nay đều có lực lượng thanh tra xây dựng, trường hợp phát hiện nguy cơ mất an toàn lao động có thể kiến nghị đình chỉ thi công, đình chỉ nhiều lần mà vẫn vi phạm quy định an toàn lao động, ông Thiêm cho rằng có thể kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền rút, thu hồi giấy phép xây dựng dự án.

Ông Ngô Lâm, phó cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng hàng loạt sự cố, tai nạn thi công xây dựng trong thời gian qua là do nhà thầu, chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động. Trong khi đó, Luật vệ sinh an toàn lao động, các nghị định, thông tư hướng dẫn đã quy định rất cụ thể.

Theo thông tư 04 về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, các tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý an toàn lao động sẽ phải khắc phục vi phạm, công bố hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền và phải dừng sử dụng máy móc, thiết bị thi công mất an toàn...

Hiểm họa ngay trên đầu - Ảnh 3.

Hiện trường xe cẩu công trình có cán dài khoảng 30m ngã chắn đường Phạm Văn Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM ngày 19-9 - Ảnh: TỰ SANG

Mạnh tay xử lý nhà thầu vi phạm

Theo ông Trần Chủng - trưởng ban chất lượng, Tổng hội Xây dựng VN, khi lập biện pháp thi công xây dựng công trình, nhà thầu phải tập huấn về an toàn lao động cho công nhân xây dựng, phải định kỳ kiểm định thiết bị thi công. Luật xây dựng quy định rất rõ: chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng phải phê duyệt biện pháp bảo đảm an toàn lao động của nhà thầu thi công.

Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp nhà thầu có biện pháp bảo đảm an toàn lao động nhưng lại lảng tránh, không thực hiện vì sợ tốn phí.

Ông Chủng cho rằng pháp luật về an toàn lao động quy định rất chặt chẽ, nên việc để xảy ra tai nạn lao động, tai nạn cho những người di chuyển quanh khu vực dự án trước hết thuộc về nhà thầu thi công, tiếp đó là chủ đầu tư. Để xử lý nguy cơ, ông Trần Chủng cho rằng không thể chỉ xử lý hành chính, kinh tế mà cần đình chỉ thi công và làm rõ trách nhiệm.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thiêm cho rằng phải xử lý nghiêm nhà thầu để xảy ra tai nạn, đình chỉ thi công, yêu cầu nhà thầu đưa ra giải pháp bảo đảm an toàn phù hợp mới cho tiếp tục thi công. Thứ hai cần áp dụng lệnh cấm đấu thầu đối với nhà thầu để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng.

Khởi tố vụ án

Chiều 28-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Thanh Xuân, Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người", theo điều 295 Bộ luật hình sự để điều tra làm rõ vụ cần trục sàn treo của công trình tòa nhà trên đường Lê Văn Lương rơi vào người đi đường, khiến chị D.T.H. tử vong và ông Nguyễn Hùng Cường bị thương.

Ông Đỗ Khánh Trang - đại diện Công ty CP thương mại và phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP - thừa nhận đây hoàn toàn do lỗi của đơn vị đã chủ quan trong quá trình dịch chuyển thiết bị và xin nhận trách nhiệm.

* Ông NGUYỄN HUY KHANH (phó tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng - Bộ Xây dựng):

Nếu không quy trách nhiệm sẽ còn người chết oan

Trong vụ việc tai nạn lao động tại công trình trên đường Lê Văn Lương, trách nhiệm của nhà thầu khi thi công công trình phải đảm bảo an toàn cho công nhân và cho cả người dân. Còn trách nhiệm của các cấp thanh tra là phải thường xuyên tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng có rủi ro cao đối với cộng đồng.

Các công trình xây dựng cao tầng san sát bên đường đông đúc người qua lại nhưng các chỉ tiêu về an toàn lao động thì lại không được quan tâm, dẫn tới nguy hiểm cho người dân. Đây là vấn đề cần "phải ý kiến ngay", nếu không sẽ không chỉ một người "không may mắn" mà có thể còn nhiều người sẽ chết oan.

* PGS.TS NGUYỄN VĂN HIỆP (nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM):

Quản lý nhà nước còn lỏng lẻo

Hiện nay, luật quy định cụ thể, đầy đủ về quy trình, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan để đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình. Nhưng thực tế cho thấy các sự cố, tai nạn về xây dựng xảy ra rất nhiều.

Nguyên nhân đầu tiên do nhà thầu khi nhận công trình với giá thấp quá hoặc muốn tiết kiệm chi phí nên bỏ qua các quy trình về an toàn, các chi phí đầu tư thêm để đảm bảo an toàn, ví dụ như đóng lưới quanh công trình, giáo dục công nhân... Mặt khác, lao động ngành xây dựng không qua trường lớp đào tạo bài bản.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn xây dựng còn lỏng lẻo. Lực lượng thanh tra xây dựng khi phát hiện công trình không che chắn đảm bảo an toàn thi công, xây dựng nhưng không nhắc nhở, hoặc xử phạt không đủ răn đe. Nếu thanh tra làm tròn trách nhiệm sẽ hạn chế tối đa các sự cố.

* Luật sư TRẦN BÁ HỌC (Đoàn luật sư TP.HCM):

Có thể xử lý hình sự

Gần đây xảy ra nhiều vụ việc sắt thép công trình rơi xuống làm bị thương hoặc chết người đi đường. Các trường hợp này phải xét đến công trình có tuân thủ các quy định về an toàn hay không. Nếu khi thi công không đáp ứng đúng quy định dẫn đến hậu quả làm bị thương hoặc làm chết người thì đã có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.

Các cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát; đơn vị thi công, đơn vị giám sát thi công, nhà thầu phải chịu trách nhiệm về việc để tai nạn xảy ra do bất cẩn, cẩu thả. Ngoài trách nhiệm hình sự cá nhân, các đơn vị còn phải chịu trách nhiệm dân sự (bồi thường tổn thất tinh thần, chi phí mai táng...), khắc phục hậu quả cho gia đình người bị hại.

LÊ PHAN - TUYẾT MAI

sapcancau

Một trường hợp sập cần cẩu đè nát nhà dân ở Vĩnh Long - Ảnh: HẠNH NGUYỄN - L.PHAN

Tai nạn rình rập khắp nơi

Tại TP.HCM, chỉ trong tháng 9-2018 đã có nhiều vụ tai nạn từ trên trời rơi xuống. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân.

* Ngày 9-9, hai tấm ván được đóng đinh vào nhau dùng làm khuôn đổ bêtông tại công trình xây dựng trên đường Văn Cao, Q.Tân Phú bất ngờ rơi từ tầng 7 xuống một cửa hàng bán balô, túi xách bên cạnh. Vụ việc khiến mái nhà bị thủng lỗ, hai tấm ván đầy đinh đâm thủng mái nhà, rớt xuống nền nhà.

"Hoảng quá tôi ôm đầu chạy ra ngoài không biết chuyện gì xảy ra" - anh Luận, nhân viên bán hàng, kể lại vụ việc với giọng run run. May mắn vụ việc không gây thương vong về người.

* Sáng 19-9, một xe cẩu của công trình xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Gò Vấp bị lật khiến cần cẩu cao hàng chục mét đổ xuống nằm chắn ngang đường.

sapcancau-1

Một thanh sắt tại công trình xây dựng chung cư trên đường Lương Minh Nguyệt, Q.Tân Phú, TP.HCM rơi vào nhà dân ngày 23-9 - Ảnh: HẠNH NGUYỄN - L.PHAN

* Ngày 23-9, 6 người đang sinh hoạt trong một căn nhà trên đường Lương Minh Nguyệt, Q.Tân Phú tá hỏa khi thanh sắt từ công trình chung cư Carillon 7 đang xây dựng bên cạnh rơi xuống, đâm thủng mái tôn rồi văng vào cửa nhà. Anh Phát - chủ nhà - cho hay thường ngày khi công trình trên đúc bêtông rồi tháo ván cũng có nhiều lần các mảng bêtông vụn rơi xuống mái nhà rất ồn ào và nguy hiểm. Lúc thanh sắt rơi xuống, chị gái và cháu anh Phát đang ngồi ngay cửa, may mắn cả hai đã kịp bỏ chạy trước lúc thanh sắt văng vào.

* Ngày 24-9, khi 3 công nhân đang thu gom các vật liệu tại tầng 3 công trình xây dựng trung tâm thương mại (trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Thủ Đức) thì giàn đỡ bị quá tải khiến cả 3 rơi xuống đất. May mắn cả 3 người chỉ bị thương phần mềm và gãy xương, may mắn là không có ai phía dưới công trình.

Singapore: xếp hạng công ty xây dựng

Bộ Lao động Singapore vừa đưa ra giải pháp xếp hạng hơn 180 công ty xây dựng đang hoạt động ở Singapore theo bốn hạng "tốt, trung bình, kém và rất kém" dựa trên các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động xảy ra ở công ty này trong ba năm qua. Công ty nào bị liệt vào mức "rất kém" sẽ bị giám sát nhiều hơn, chặt chẽ hơn.

Bộ Lao động Singapore cho biết chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có 1.500 cuộc kiểm tra an toàn tại các công trình xây dựng. Bộ này cũng buộc các công nhân và giám sát công trình phải tham gia các khóa đào tạo bằng video và e-learning từ xa để giảm thiểu khả năng xảy ra việc để rơi các vật dụng xây dựng từ trên cao xuống.

LÊ NAM (từ Singapore)

BẢO NGỌC - THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên