Nhiều trang mạng, video trên mạng chia sẻ công khai cách chế tạo pháo nổ - Ảnh: Chụp màn hình
Cứ gần Tết, người bị tai nạn liên quan đến pháo nổ lại tăng, đặc biệt những năm gần đây là những vụ tai nạn pháo nổ tự chế. Do đâu? Dạo một vòng trên mạng ảo đã thấy rùng mình...
"Dạy" nhau cách chế tạo pháo nổ
Tham khảo thông tin về du lịch trên một trang web, tôi bất ngờ khi thấy một bài viết... chỉ cách chế tạo pháo chơi Tết ở mục "mẹo vặt" với tiêu đề "Cách làm pháo nổ bằng diêm". Bài viết hướng dẫn cho mọi người cách làm pháo nổ bằng diêm để đốt trong những ngày Tết sắp tới...
Người ta đang bày cho nhau cách làm pháo vui Tết như một chuyện bình thường bất chấp sự nguy hiểm có thể xảy ra và việc đốt pháo nổ bị cấm từ lâu.
Có những kênh YouTube làm chủ đề về pháo hay chất nổ với nội dung nói về cách mua vỏ pháo giá rẻ. Bên dưới video này kèm theo đường link dẫn tới một trang thương mại điện tử cho người cần mua sản phẩm. Và thật nguy hại khi vật liệu tự làm pháo kiểu này được giới thiệu dành cho trẻ em với tên gọi "Đồ chơi quả cầu nhựa tháo lắp dành cho bé".
Các video khác lại kể về việc mua các loại hóa chất để chế tạo pháo nổ từ sàn thương mại điện tử nổi tiếng...
Đặc biệt, một kênh tên Pháo C. với hơn 51.000 người theo dõi gần đây cho đăng liên tục các video clip dạy cách làm các loại pháo: việc trộn hóa chất, công thức để tạo hiệu ứng nổ của hóa chất, tạo tiếng hú của viên pháo...
Chủ kênh còn chứng minh cho người xem biết chất lượng sản phẩm, tay nghề làm pháo bằng việc quay các clip thử nổ pháo ngoài trời (như dùng pháo để bắt cá, phá hủy tivi...). Bên dưới các video clip đăng tải thường nhận được hàng trăm bình luận, trao đổi về cách làm pháo nổ.
Xem qua cách xưng hô không loại trừ trong số khán giả là những thanh thiếu niên tò mò về pháo...
Thật rùng mình khi nghĩ về mối nguy nếu thanh thiếu niên, học sinh "học hỏi" các cách chế tạo pháo như thế này trên mạng...
... và chế pháo để bán
Tại Bình Thuận, ngày 16-12, công an tỉnh này đã phát hiện hai vụ tàng trữ và chế tạo pháo nổ trái phép. Một vụ hai thiếu niên cùng sinh năm 2005 đã chế tạo và đốt khoảng 70 quả pháo tự chế, cả hai đã đặt mua trên mạng một số hóa chất dùng làm thuốc pháo cùng các vỏ nhựa hình cầu và làm theo hướng dẫn trên mạng...
Vụ còn lại, hai thiếu niên cùng sinh năm 2004 tàng trữ một số viên pháo bi để trong cốp xe máy và bước đầu khai là để sử dụng.
Cùng vào ngày 16-12, tại Thanh Hóa, lực lượng công an phát hiện hai học sinh THPT chế tạo pháo nổ bán. 14 quả pháo nổ tự chế với khối lượng 3,06kg đã bị thu giữ.
Được biết giữa tháng 10 các học sinh này tìm hiểu trên mạng các video tự chế thuốc nổ và sau đó đã đặt mua thuốc pháo ở trên trang thương mại S. đưa về nhà để tự chế thành pháo nổ bán kiếm tiền.
Vào đầu năm 2021, lực lượng công an tỉnh này từng phát hiện 17 học sinh tuổi từ 11 - 13 lên mạng xã hội học cách chế tạo pháo nổ để bán và đốt chơi.
Những nội dung trên mạng không được kiểm soát tốt có thể dẫn tới hành vi vi phạm ngoài đời. Khi những thanh thiếu niên có thể dễ dàng "học" cách chế tạo pháo, thuốc nổ trên mạng, sẽ khó tránh khỏi những chuyện thương tâm.
Cứ gần đến dịp Tết câu chuyện về pháo lại nóng lên và lại thêm những sự việc đau lòng vì pháo mà nạn nhân chính là những học sinh còn tuổi ăn tuổi lớn. Mùa này năm ngoái, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháo liên quan đến tuổi học trò.
Bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt của ngành chức năng với vi phạm về sử dụng pháo nổ, cũng cần "làm sạch" thông tin trên không gian mạng về pháo nổ. Đồng thời tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền về hậu quả của tai nạn pháo nổ.
Các bậc phụ huynh tại mỗi gia đình nhắc nhở, quản lý con em, ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra từ việc "học" chế pháo trên mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận