19/08/2010 06:27 GMT+7

Hiếm chuyên gia nghiên cứu di sản tư liệu

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Hội thảo quốc tế “Bảo quản và phát huy giá trị các di sản tư liệu” vừa diễn ra ngày 18-8 tại Hà Nội. Các đại diện đến từ Cuba, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam đều bày tỏ sự quan tâm đến việc bảo quản các di sản tư liệu được đưa vào danh mục Ký ức thế giới của Unesco.

Việt Nam có mộc bản triều Nguyễn và bia tiến sĩ thời Lê - Mạc tại Văn Miếu được Unesco công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Tại hội thảo, thạc sĩ Phạm Thị Huệ (giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV), đơn vị đang lưu trữ toàn bộ khối mộc bản triều Nguyễn gồm 34.628 tấm, khẳng định: một trong những thách thức lớn đối với việc bảo quản và phát huy giá trị của mộc bản là hiếm chuyên gia nghiên cứu sâu về khối tài liệu này. Hơn nữa, một phần khối mộc bản này vẫn còn bị phân tán trong một số tổ chức, gia đình, dòng họ... Việc tập hợp và biên soạn lại phần mộc bản điện tử vì thế gặp rất nhiều khó khăn.

Báo cáo của ban quản lý khu di tích Văn Miếu cũng bày tỏ sự lúng túng trong việc bảo vệ 82 bia đá tiến sĩ. Tuổi thọ của di sản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu để du khách tham quan một cách tự do như hiện nay. Tuy nhiên, nếu che kín bia đá sẽ ảnh hưởng đến việc hưởng thụ văn hóa của du khách. Đó là nghịch lý mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết.

Tiến sĩ Kwi Sun Si (chuyên gia nghiên cứu lịch sử Hàn Quốc) chia sẻ những kinh nghiệm thú vị của người Hàn Quốc để bảo vệ di sản quý giá của mình. Hàn Quốc là đất nước có đến bảy di sản được công nhận thuộc chương trình Ký ức thế giới. Những tư liệu này được tạo điều kiện để có mặt trong các bộ phim truyền hình như Dae Jang Geum, Dong-I...

Đó là một cách để giới thiệu các giá trị di sản đến với đông đảo nhân dân, bên cạnh việc bảo quản và lưu trữ trong các trung tâm của nhà nước.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên