Động thái này được xem là một trong những giải pháp quan trọng để “níu chân” và thu hút giáo viên mầm non đến làm việc ở TP.HCM.
Các con số mà ngành giáo dục TP.HCM đưa ra thật đáng quan ngại: Trong 3 năm học gần đây, mỗi năm có hơn 1.000 giáo viên mầm non (GVMN) ra khỏi hệ thống trường mầm non ở TP.HCM. TP.HCM hiện đang thiếu 7.695 GVMN so với quy định của Bộ GD-ĐT.
Đành rằng trong số hơn 1.000 giáo viên ấy cũng có những người đến tuổi về hưu nhưng phần lớn lý do vẫn là giáo viên chuyển việc, nghỉ việc và cả bỏ việc.
Do đặc thù công việc nên GVMN phải đi sớm 1 tiếng để làm vệ sinh lớp học, vệ sinh đồ dùng cá nhân cho trẻ, nhà vệ sinh và chuẩn bị đón trẻ.
Trong khi hầu hết các công chức đều bắt đầu ngày làm việc của mình từ 7h30, thì ở trường mầm non các cô giáo phải có mặt lúc 6h30.
Buổi trưa, với các cô giáo không có khái niệm nghỉ ngơi. Bởi lúc trẻ ngủ là lúc các cô tranh thủ ăn trưa, làm đồ dùng dạy học, soạn giáo án...
Buổi chiều, khi nhiều công chức đã ra khỏi cơ quan để trở về tổ ấm của mình thì tại các trường mầm non trên địa bàn TP, nhiều cô giáo vẫn ngồi chờ phụ huynh đến đón con về. Và theo tính toán của Sở GD-ĐT TP.HCM, các cô giáo mầm non cần từ 10 - 12 tiếng mỗi ngày để hoàn thành nhiệm vụ.
Rồi đến môi trường làm việc: trong bối cảnh trường, lớp quá tải như ở TP.HCM hiện nay, hai cô giáo “gánh” đến 50 - 55 học sinh/lớp là phổ biến. Lớp đông, các cháu lại đang tuổi ăn tuổi lớn, chưa biết kiềm chế cảm xúc cũng như ý thức về hành động của mình.
Thế nên xung đột, xây xát không thể không xảy ra. Những lần như thế, các cô lại trân mình hứng chịu những lời nặng nhẹ, mạt sát (thậm chí cả đe dọa, kiện cáo) của phụ huynh.
Có lẽ vì tình trạng trên nên số học viên, sinh viên “rơi rụng” trong quá trình học sư phạm mầm non cứ tăng dần theo thời gian.
Thống kê của Sở GD-ĐT TP cho thấy từ năm học 2010-2011 đến nay, số học viên, sinh viên nhập học ngành giáo dục mầm non tại các hệ đào tạo (trung cấp, cao đẳng, đại học) trên địa bàn TP.HCM từ 4.469 đến hơn 5.000 học viên, sinh viên mỗi năm.
Tuy nhiên, khi tốt nghiệp chỉ còn từ 1.000 đến hơn 2.600 giáo sinh. Nguyên nhân, vì trong quá trình đi thực tập, kiến tập tại các trường mầm non, nhiều học viên, sinh viên đã bị sốc với cường độ lao động quá cao và quá vất vả của một GVMN.
Thế nên, những học viên, sinh viên này đã nghỉ học hoặc chuyển sang ngành học khác nhàn hạ hơn.
Ai cũng biết, bậc học mầm non là bậc học quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ.
Nhưng lương GVMN vẫn không đủ sống, điều kiện làm việc của GVMN vẫn thiếu thốn, khó khăn, đầy rẫy những vất vả và hiểm nguy.
Những giải pháp được TP.HCM đưa ra như: giảm khối lượng và áp lực công việc cho GVMN; điều chỉnh thu nhập và chế độ đãi ngộ cho GVMN; tạo cơ chế tuyển dụng GVMN không gắn với yêu cầu hộ khẩu thành phố; cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non... cũng là những giải pháp căn cơ để GVMN bám trụ với nghề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận