Bắt đầu là phiên họp của các bộ trưởng tài chính của 19 quốc gia thuộc khối sử dụng đồng euro để “dọn đường” cho phiên họp khẩn sau đó năm giờ của các nguyên thủ cũng tại Brussels.
Có thể thấy đã có những bước nhượng bộ từ phía Đức khi Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel hé lộ qua tạp chí Stern rằng trong bàn đàm phán có thể nêu ra vấn đề giảm nợ nếu Hi Lạp thật sự tỏ rõ ý định thực thi các cải cách.
Đây là điểm thay đổi khá quan trọng khi thời gian qua Đức khăng khăng quan điểm không đưa vấn đề giảm nợ ra bàn đàm phán theo như đề xuất của Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras.
Một điểm sáng khác là quyết tâm của phía Ủy ban châu Âu (EC) tìm cách giữ Hi Lạp lại trong khối eurozone. Trước phiên họp tại Brussels, ông Pierre Moscovici, cao ủy châu Âu về các vấn đề kinh tế, tự tin: “Tôi sẽ giới thiệu các giải pháp kỹ thuật khả thi, nhân danh EC. Nhưng Hi Lạp cũng phải giới thiệu các biện pháp thực thi đáng tin cậy, hiệu quả”.
Ông cũng trình bày mong muốn chính của EC: “Phải tránh tuyệt đối việc để Hi Lạp rời khối. Đó sẽ là sai lầm, là thất bại khủng khiếp. Chúng ta không muốn điều đó đâu. Giờ đây lý do để đạt đến thỏa thuận là mạnh mẽ và rõ ràng hơn bao giờ hết”.
Ông Pierre Gramegna, bộ trưởng tài chính Luxembourg, cũng cho biết các chính phủ trong khu vực đồng euro có thể xem xét xóa một số nợ cho Hi Lạp nhưng chỉ khi Athens cam kết một gói cải cách mới.
Tuy nhiên, theo Reuters, ông Gramegna cho biết việc cắt giảm phải nằm trong gói cứu trợ toàn cầu và nhấn mạnh rằng việc Hi Lạp “muốn làm gì thì làm” là điều không thể chấp nhận.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande cũng đã có cuộc gặp tối 6-7 tại Paris. Sau cuộc hội đàm, bà Merkel tuyên bố vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán với Hi Lạp.
“Hiện tại chính phủ của Alexis Tsipras phải đưa ra những đề xuất nghiêm túc và đáng tin cậy để có thể hình thành một chương trình cung cấp một viễn cảnh lâu dài cho Hi Lạp” - ông Hollande tuyên bố sau cuộc gặp với lãnh đạo Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận