Hi vọng cho thế hệ tương lai toàn cầu

XUÂN LÊ (TỪ PARIS) 08/12/2015 18:12 GMT+7

TTCT - Đã 43 năm kể từ Thượng đỉnh thế giới lần thứ nhất tổ chức ở Stockholm (Thụy Điển), liệu Hội nghị các bên lần thứ 21 (Conference Of the Parties - COP21) ở Paris năm nay có chuyển được hiệp định khung của LHQ về biến đổi khí hậu thành các điều luật môi trường quốc tế có tính ràng buộc pháp lý nhằm đảm bảo việc giảm lượng các khí thải gây hiệu ứng nhà kính (chủ yếu là CO2) làm tăng nhiệt độ trái đất?

Gian triển lãm “Đại dương và khí hậu” tại khu vực Các thế hệ khí hậu ở Le Bourget, gần Paris nhân Hội nghị COP21 -Reuters
Gian triển lãm “Đại dương và khí hậu” tại khu vực Các thế hệ khí hậu ở Le Bourget, gần Paris nhân Hội nghị COP21 -Reuters

Hi vọng thì rất lớn nhưng hoài nghi cũng nhiều, theo đánh giá của công luận Pháp. Quá trình đàm phán kéo dài hai tuần lễ dự kiến rất căng thẳng.

Sức ép từ nhiều phía

Trước hết do thất bại toàn diện của việc áp dụng Nghị định thư Kyoto năm 1997 với việc Mỹ từ chối phê chuẩn, Trung Quốc và Ấn Độ từ chối không cho kiểm soát và Canada rút lui năm 2012.

Kế đó, COP15 ở Copenhagen (Đan Mạch, 2009) chỉ thông qua được mức giới hạn tăng nhiệt độ trái đất ở 2°C. Trong khi trên thực tế, biến đổi khí hậu tiếp tục đi theo chiều hướng xấu.

Tại COP21, hoạt động tích cực và liên kết ở phạm vi toàn cầu của các tổ chức xã hội dân sự về môi trường, theo đánh giá của LHQ, có thể sẽ là trụ cột khi sự tham gia trực tiếp của các nhân vật quan trọng như Bill Gates cùng các sáng kiến kỹ thuật và tài chính của Net Jeff Bezos (Amazon), Mark Zuckerberg (Facebook), Richard Branson (Virgin) và George Soros sẽ gia tăng sức ép lên các nhà thương lượng.

Xung đột địa chính trị hiện nay sẽ khiến các quốc gia liên quan chú trọng đến đầu tư quốc phòng hơn là giải quyết vấn đề khí hậu. Bên cạnh đó, sự yếu kém kéo dài của kinh tế toàn cầu và chính trị nội bộ của các nước lớn cũng sẽ là cản trở chính.

Các “cường quốc mới nổi” BRICS thực chất vẫn sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch với các kỹ thuật lạc hậu.

Trung Quốc năm 2013 thải ra từ 9-10 tỉ tấn CO2, cao gần gấp đôi Mỹ và hơn 2,5 lần của châu Âu. Ấn Độ thừa nhận vẫn còn 24% dân số (304 triệu) không có điện sử dụng và 30% dân số (363 triệu) sống dưới mức nghèo.

Liệu Mỹ, quốc gia cùng với Trung Quốc thải ra 50% khí thải gây ô nhiễm toàn cầu, có vượt qua được các xung đột chính trị nội bộ ích kỷ để sẵn sàng cho một thỏa thuận pháp lý ràng buộc?

Ở thời điểm hiện tại, có lẽ chỉ các nước thuộc EU, Nhật và Hàn Quốc là đủ quyết tâm chính trị, có khả năng kỹ thuật và cơ cấu kinh tế - xã hội để biến yếu tố “môi trường” thành đòn bẩy mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Vấn đề nữa là việc thành lập Quỹ xanh để viện trợ 100 tỉ đôla hằng năm cho các nước nghèo chịu nhiều ảnh hưởng nhất, trong đó có Việt Nam, để các nước này đồng ý thông qua thỏa thuận. Ngân sách sẽ lấy ở đâu trong bối cảnh kinh tế hiện tại?

Trong bối cảnh như vậy, thành công nếu có của COP21 sẽ đến từ đâu?

Vai trò của nước chủ nhà

Hiện than đá cung ứng 41% điện năng và 29% năng lượng toàn thế giới, nhiều hơn cả bốn thập kỷ trước đó, theo The Economist. Hàm lượng CO2 (carbon dioxide) trong bầu khí quyển cao hơn 40% so với thời kỳ bắt đầu kỷ nguyên cách mạng công nghiệp.

- Môi trường biển bao phủ hơn 2/3 địa cầu, sản sinh hơn 50% lượng không khí mà chúng ta hít thở và có tác dụng điều tiết khí hậu khi hấp thu khoảng 30% CO2. Biển cần những hệ sinh thái khỏe mạnh nên cần phải ngăn chặn hiện tượng acid hóa đại dương đe dọa trực tiếp các loài và sẽ tác động đến các dây chuyền thực phẩm đại dương.

- Từ 2008-2014, các thảm họa tự nhiên như hạn hán, lụt lội, bão, động đất, xâm thực bờ biển đã ném ra đường 166 triệu người, tức trung bình mỗi năm 27,5 triệu người, theo số liệu Trung tâm Giám sát dịch chuyển nội địa (IDMC). Từ nay đến năm 2050, Bangladesh sẽ phải quản lý 13-40 triệu người dịch chuyển vì khí hậu, phải rời bỏ vùng duyên hải bị biển xâm thực đến 17% lãnh thổ.

Từ nhiều năm nay, Pháp đã nỗ lực thương lượng hành lang với mục tiêu đạt được một thỏa thuận có tính pháp lý ràng buộc, đặc biệt là với các quốc gia quan trọng cho thành công của COP21: Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ (hai quốc gia tiêu thụ năng lượng hóa thạch lớn nhất và chiếm 35% dân số toàn cầu) cũng như Nam Phi và Brazil.

Trong chuyến viếng thăm chính thức Pháp tháng 4-2015, Thủ tướng Narendra Modi đã khẳng định ba yếu tố quan trọng thay đổi lập trường của Ấn Độ: sự khẩn cấp của tình hình môi trường toàn cầu, New Dehli sẽ giữ vai trò đầu tàu thế giới về hồ sơ này, ủng hộ một giải pháp mạnh và minh bạch để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tại Bắc Kinh ngày 2-11-2015, trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức của ông François Holland với trọng tâm là COP21, Trung Quốc cam kết về nguyên tắc thỏa thuận ràng buộc pháp lý có kèm theo cơ cấu kiểm tra, được xem xét lại năm năm một lần.

Đối với Tổng thống Pháp, đây là bước tiến lớn đến thỏa thuận ở Paris. Đối với Mỹ, ngay tối khai mạc chính thức COP21 (30-11), hai tổng thống Pháp và Mỹ đã gặp riêng với trọng tâm là hồ sơ này cũng như vấn đề Syria.

Về mặt tổ chức, nước Pháp đã rất thông minh trong việc mời các lãnh đạo quốc gia đến tham dự ngay ngày khai mạc và mời từng người đọc diễn văn xác định lập trường quốc gia mình về biến đổi khí hậu.

Nội dung diễn văn sẽ định hướng và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các thương lượng cấp kỹ thuật và cấp bộ trưởng trong hai tuần lễ tiếp theo. Lý do đơn giản là sẽ rất ít lãnh tụ quốc gia muốn bị chỉ tên là nguyên nhân gây thất bại cho hội nghị.

Mặt khác, sau vụ khủng bố ngày 13-11, gần như toàn bộ các nguyên thủ của thế giới đều đáp ứng lời mời của Pháp như một cử chỉ đoàn kết mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, các đối tác đều mong muốn hội nghị sẽ đạt được thành công nhất định.

Nội dung và cách thức thảo luận

Thành công đầu tiên của COP21 là trước ngày khai mạc, 183 quốc gia trên tổng số 195 nước tham gia hiệp định khung đã gửi bản cam kết về giảm khí thải cho LHQ, trong đó có 10 nước thải khí nhiều nhất gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Canada, Iran và Saudi Arabia và EU (28 thành viên).

Điều cần nhấn mạnh là ở tầm quốc gia những bản cam kết này đã được chỉ đạo và theo dõi sát sao hay được công bố trực tiếp bởi các nguyên thủ quốc gia, cũng như sự tham gia soạn thảo của nhiều bộ ngành, địa phương liên quan, các cơ quan chuyên trách.

Trong các kỳ hội nghị COP trước đây, việc thương thảo chỉ được chuẩn bị ở mức bộ ngoại giao và môi trường. Sự đồng thuận về chính trị một cách sâu rộng, cụ thể ở mức độ quốc tế và quốc gia là giá trị chung và rất mới của COP21.

Về nội dung, bản cam kết của các nước phải tôn trọng năm nguyên tắc chung do LHQ đề xuất bao gồm: phạm vi, mục tiêu, nội dung, sự khác biệt và minh bạch. Không có điều khoản đối xử đặc biệt cho các nước đang phát triển so với các nước đã phát triển, nhưng các cam kết được đánh giá theo điều kiện đặc thù của mỗi nước.

Cách tiếp cận này giúp giảm bớt sự phân chia nhị phân (phát triển - kém phát triển) theo Công ước khí hậu năm 1992, tuy nhiên vẫn dành cho các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo một số ưu đãi do năng lực hạn chế. Để tạo thuận lợi cho quá trình thương thảo thành công, mỗi điều khoản của bản thảo hiệp ước dài 51 trang được bao gồm rất nhiều các phương án để chọn lựa.

Đây là điều cực kỳ cần thiết trước khi đi đến một thỏa thuận chung do nội dung của các cam kết chứa đựng sự khác biệt quan trọng.

Nếu như ở tầm nhìn 2030 các nước phát triển cam kết cụ thể giảm được lượng khí độc hại là: Nhật 26%, Mỹ và Úc 28%, Canada 30%, EU 40%..., thì Trung Quốc chỉ cam kết sẽ đạt chạm đỉnh mức thải vào cùng năm trước khi bắt đầu giảm dần. Ấn Độ cam kết giảm sử dụng nguyên liệu cacbon trong nền kinh tế ở mức 35%, với điều kiện tiên quyết là có trợ giúp tài chính. Brazil là một mẫu mực cho các nước đang phát triển với cam kết giảm 37% lượng khí thải độc hại.

Chủ tịch COP21 Laurent Fabius thừa nhận COP21 không thể giải quyết tất cả mọi vấn đề và sẽ cần nhiều hội nghị quốc tế khác để đi đến giải pháp chung cuộc. Tuy nhiên, với mục tiêu cuối cùng là giữ mức tăng nhiệt độ của trái đất không quá 2°C, COP21 Paris phải là “bước ngoặt” quan trọng trong việc đạt được một thỏa hiệp đầy tham vọng cho tất cả các nước.■

 

Việt Nam cần bám sát thực tế hơn

Đó là nhận xét của ông Olivier Tessier, nhà nghiên cứu dự án và là trưởng đại diện của chi nhánh Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại TP.HCM, về những kịch bản ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu mà Việt Nam cần xây dựng.

Trao đổi với TTCT ngày 30-11, ông Tessier cho biết báo cáo của Bộ Tài nguyên - môi trường ngày 20-8-2014 đưa ra ba kịch bản tác động của biến đổi khí hậu cho Việt Nam vào cuối thế kỷ 21 và chọn kịch bản trung bình, viện dẫn rằng bộ không có đủ thông tin về biến đổi khí hậu cũng như những tác động của biến đổi khí hậu theo thời gian thực. Nhưng các kịch bản này được xây dựng dựa trên kết quả một số điều tra về khí hậu vào giai đoạn 1989-1990. Theo kịch bản trung bình, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam sẽ tăng 2-3oC, trong khi lượng mưa sẽ tăng từ 5-10%, mực nước biển sẽ tăng thêm 75cm so với mức trung bình của giai đoạn 1989-1990.

Những dự báo của Việt Nam chưa cập nhật được những yếu tố phát sinh mới, như việc hiện đã có 23 thủy điện trên dòng chính sông Mekong và 120 công trình thủy điện đã được lên kế hoạch xây dựng trên khắp các nhánh của dòng sông này. Nếu so sánh với năm 1950, lượng phù sa bồi đắp tại đồng bằng sông Cửu Long đã giảm 50% vào năm 2000 và hiện tại là 60%. Nếu 120 công trình thủy điện được hoàn thành thì lượng phù sa sẽ giảm đến hơn 90%, theo như nghiên cứu riêng của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Việc suy giảm phù sa lớn như vậy sẽ làm tăng tình trạng đất nhiễm mặn, nước mặn xâm thực sâu hơn, gây ra thiếu nước cho tưới tiêu, sinh hoạt và sản xuất. Điều này lại làm gia tăng hoạt động khai thác nước ngầm khiến khu vực đồng bằng sông Cửu Long sụp lún nhanh thêm. Quốc Thoại

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận