Một nhân viên y tế Trung Quốc đang điều chỉnh túi dịch truyền cho bệnh nhân - Ảnh: REUTERS
Những thông tin được hai bác sĩ, phó giáo sư Jyoti Somani và giáo sư Paul Tambyah cùng công tác tại khoa y Trường Y Yong Loo Lin, ĐH Quốc gia Singapore, dựa trên những kinh nghiệm từ dịch SARS năm 2003, chia sẻ trên kênh Channel News Asia ngày 5-2.
Với câu hỏi về sự lây lan nhanh chóng của virus này, giới nghiên cứu đề cập đến một khả năng là do điều kiện khí hậu, gồm độ khô trong không khí, nhiệt độ và có thể là bức xạ mặt trời từ tia cực tím.
Ở các nước có khí hậu, nhiệt độ như Trung Quốc và Mỹ, mùa cúm thường bắt đầu từ tháng 12, lên đỉnh điểm vào tháng 1 và tháng 2, sau đó giảm xuống. Dịch SARS đã biến mất ở miền bắc Trung Quốc vào mùa hè năm 2003 và từ đó không tái xuất đáng kể.
Nhà chức trách khử trùng nhà ga xe lửa ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc để hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp - Ảnh: REUTERS
Yếu tố con người cũng có thể góp phần lây lan cúm trong mùa đông. Khi thời tiết lạnh, họ ở trong nhà nhiều và tiếp xúc gần hơn với người khác. Virus corona chủng mới dường như có điểm chung với các loại virus đường hô hấp khác như cúm hoặc cảm lạnh thông thường (rhinovirus) về cách lây: qua nước bọt hoặc đờm, từ người này sang người khác (trực tiếp hoặc do ho, hắt hơi) hoặc do tiếp xúc.
Bệnh xảy ra khi một người tiếp xúc bằng tay với bề mặt bị nhiễm virus rồi chạm vào mũi, miệng hoặc mắt.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những dịch tiết hô hấp này lan xa hơn khi không khí lạnh và khô. Virus corona "thông thường" (loại gây ra bệnh cúm thông thường) có thể tồn tại trên bề mặt ở nơi chỉ 6 độ C lâu hơn 30 lần so với nơi 20 độ C và độ ẩm cao.
Virus SARS trước đây cũng tồn tại trong nhiệt độ và độ ẩm thấp lâu hơn nhiều so với trong nhiệt độ và độ ẩm cao.
Từ đó, các nhà nghiên cứu tin rằng khí hậu nóng ẩm ở các nước Đông Nam Á đã không cho phép SARS bùng phát như đã xảy ra ở Hong Kong và Singapore, hai nơi có mức độ sử dụng máy lạnh rất nhiều.
Do đó, có cơ sở để tin rằng virus corona chủng mới cũng có thể sẽ giảm đi vào mùa hè.
Hơn 1.150 trường hợp nhiễm virus corona được chữa khỏi và xuất viện ở Trung Quốc - Ảnh: XINHUA
Nhưng trước khi thời tiết thay đổi theo hướng có lợi như vậy, phương pháp cơ bản trong y tế công cộng khi có bất kỳ ổ dịch nào vẫn là theo dõi những tiếp xúc có nguy cơ lây bệnh.
Nghĩa là đối với mọi bệnh nhân dương tính với bất cứ loại virus nào, người thân trong gia đình và những người mà họ tiếp xúc gần gũi trong thời gian ủ bệnh, phải được cách ly. Đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona là 14 ngày.
Trong đợt bùng phát virus Ebola năm 2014, việc giám sát tiếp xúc với nguồn nhiễm được thực hiện rất thủ công, dù có một số ứng dụng di động đã được thử nghiệm. Trong dịch bệnh do nCoV xảy ra từ cuối năm 2019 đến nay, nhiều nỗ lực đã được thực hiện trong việc sử dụng công nghệ để theo dõi lịch sử tiếp xúc.
Đối với dịch SARS, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo hạn chế di chuyển toàn cầu. Lần này, các quốc gia cũng tự đưa ra các hạn chế du lịch riêng, dựa trên tình hình và mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Nhìn chung, chiến lược chính phải là giám sát tiếp xúc với nguồn lây bệnh, kiểm tra mọi trường hợp, không để sót lọt bệnh nhân. Bằng cách đó, chuỗi lan truyền có thể bị phá vỡ và có thể ngừng sự lan truyền của virus trước khi thời tiết ấm áp mùa hè bắt đầu.
Y bác sĩ xem ảnh CT của một bệnh nhân ở Bệnh viện Zhongnan của Trường đại học Vũ Hán ngày 2-2 - Ảnh: REUTERS
Dịch qua thì cũng ngừng tìm thuốc?
Không giống như lĩnh vực quốc phòng hay an ninh nội địa, câu hỏi luôn được đặt ra khi bàn về nghiên cứu thuốc và văcxin điều trị và phòng ngừa bệnh là: có khả thi về mặt tài chính không?
Do dịch SARS đã biến mất 17 năm trước và dịch MERS chỉ xảy ra lẻ tẻ, chủ yếu ở Trung Đông, ngành dược phẩm lâu này không có động lực nào để đầu tư tiền bạc phát triển các loại thuốc và văcxin thích hợp.
Nếu nCoV biến mất vào tháng 5 tới và không xuất hiện trở lại vào tháng 10 hoặc tháng 11 tiếp theo, có thể dự đoán rằng sự phát triển của thuốc và văcxin cũng sẽ "chết" theo một cách tự nhiên.
Đây là thực tế buồn đang diễn ra, để thay đổi nó cần sự thay đổi lớn về tư duy toàn cầu. Với tần suất xảy ra các bệnh truyền nhiễm do virus mới nổi ngày càng nhiều, thế giới không thể tiếp tục đi trên con đường cũ, hai bác sĩ Jyoti Somani và Paul Tambyah nhận dịnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận