Trải qua năm 2023 đầy biến động, bước sang 2024 thị trường chứng khoán vận động khá hứng khởi. Kết phiên ngày 27-2, VN-Index đóng cửa tại 1237.46, tăng khoảng 9% từ đầu năm...
Những yếu tố quan tâm thị trường chứng khoán 2024
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc khối nghiên cứu chứng khoán MB (MBS) - cho rằng thị trường chứng khoán 2024 sẽ có những diễn biến tích cực hơn về điểm số. Đà giảm lợi nhuận ròng của doanh nghiệp niêm yết toàn thị trường đã thu hẹp đáng kể trong quý cuối năm ngoái. Dòng tiền đi vào thị trường sẽ tốt hơn, nhờ lãi suất ở mức thấp kỷ lục.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital - cũng cho rằng VN-Index dự kiến duy trì xu hướng hồi phục, trong đó tập trung chính vào câu chuyện lợi nhuận doanh nghiệp.
Một số yếu tố tích cực khác có thể kể đến như hệ thống KRX triển khai sẽ hỗ trợ giao dịch, cải thiện thanh khoản thị trường và tín hiệu lạc quan về khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ FTSE.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực trên, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có một số rủi ro tiềm ẩn cần lưu ý, theo các chuyên gia.
Ông Nguyễn Minh Tuấn nói tình hình địa chính trị thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Chưa kể, lạm phát toàn cầu có thể tăng cao hơn dự kiến, gây áp lực lên chi phí sản xuất và tiêu dùng của các doanh nghiệp và người dân...
Còn theo bà Hiền, 2024 là năm xét xử nhiều đại án như FLC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh… "Đây là điểm tốt cho thị trường, hướng tới một sự phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, khi mọi thứ đưa ra ánh sáng, cũng tiềm ẩn những thông tin mới ngoài dự báo với nhà đầu tư", bà Hiền nói.
Để thị trường phát triển chuyên nghiệp, cần làm nhiều việc
Bà Hoàng Việt Phương - giám đốc SSI Research - cho biết việc Chính phủ nhấn mạnh kế hoạch hành động tập trung vào tăng trưởng trong bối cảnh các cân đối vĩ mô được đảm bảo sẽ là yếu tố tích cực, xuyên suốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024.
Theo bà Phương, việc cần làm để hướng tới thị trường phát triển hơn, đó là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và hạ tầng cho thị trường, đẩy nhanh vận hành hệ thống KRX.
"Việc thành lập cơ quan thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), hỗ trợ hoạt động IPO và các điều kiện tham gia giao dịch của các quỹ đầu tư, nhằm mở rộng chiều sâu của thị trường là các giải pháp giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn về điểm số và chất lượng", bà Phương góp ý.
Còn bà Trần Thị Khánh Hiền lưu ý KRX là hệ thống giao dịch rất được trông chờ, đáng lẽ phải đưa vào vận hành từ năm ngoái, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có thời điểm cụ thể "go live".
MBBank, FPT, Dragon Capital... xác nhận với Tuổi Trẻ Online sẽ tham dự hội nghị. Trong khi đó, giới đầu tư, chuyên gia và nhiều thành viên thị trường kỳ vọng qua hội nghị sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ thị trường phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn...
Trong khi việc nâng hạng thị trường vẫn còn một số yếu tố cần sớm tháo gỡ, đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài, bà Hiền chia sẻ.
Muốn đáp ứng được tiến độ nâng hạng thị trường vào năm 2025, việc tháo gỡ các yếu tố mang tính rào cản cần được rốt ráo xử lý trong năm 2024.
Khi thị trường chưa được nâng hạng, bà Hiền cho rằng phía cơ quan quản lý nhà nước có thể tập trung một số giải pháp để thúc đẩy thị trường hấp dẫn hơn, sớm đưa vào vận hành KRX, rút ngắn thời gian giao dịch về T+1, bổ sung các sản phẩm mới…
Ngoài các yếu tố từ cơ quan nhà nước, bà Hiền cũng cho rằng mọi thành viên tham gia thị trường cần có trách nhiệm cho sự phát triển.
Trong đó, công ty chứng khoán phải nâng cấp hạ tầng công nghệ, còn các doanh nghiệp niêm yết cần tích cực thay đổi trong việc công bố thông tin (đúng hạn, thêm bản bằng tiếng Anh), gặp gỡ cổ đông định kỳ hơn, chuyên nghiệp hơn...
Bà Vũ Thị Chân Phương, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Việt Nam:
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán, chúng tôi sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thị trường chứng khoán năm nay.
Trong đó, tiếp tục cùng các bộ ngành liên quan cải thiện vướng mắc, để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Tuy nhiên để làm được điều này, rất cần sự chung sức chung lòng từ các bên có liên quan, sự phối hợp chặt chẽ từ các thành viên thị trường, các công ty niêm yết.
Nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ hướng tới, được đưa vào nghị quyết 86. Mục tiêu nâng hạng thị trường sẽ vào năm 2025. Như vậy năm 2024 phải chuẩn bị sẵn sàng hết các nền tảng, yếu tố, khắc phục được các yếu tố vướng mắc.
Tuy nhiên, việc nâng hạng thị trường chứng khoán phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm khi tham gia thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, ngoài yếu tố đến từ cơ quan quản lý, việc cung cấp dịch vụ tốt của các thành viên thị trường, sự công bố thông tin minh bạch từ các tổ chức niêm yết là rất quan trọng.
Ngoài ra, hệ thống công nghệ thông tin mới do HoSE làm chủ đầu tư sẽ sớm đưa vào hoạt động. Thời gian chính xác nào thì không chỉ phụ thuộc vào mỗi cơ quan quản lý, chủ đầu tư mà cần sự phối hợp từ tất cả các thành viên thị trường, để đảm bảo thông suốt, an toàn, ổn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận