Phóng to |
Chủ tịch Đảng Dân chủ mới Antonis Samaras tiếp xúc cử tri ủng hộ tại Athens sau khi có kết quả bầu cử - Ảnh: Reuters |
Bộ Nội vụ Hi Lạp tuyên bố Đảng Dân chủ mới giành được 29,7% tỉ lệ ủng hộ, Đảng Syriza về nhì với tỉ lệ 26,9%, Đảng Pasok đạt được 12,3%. Thứ tự tín nhiệm của cử tri dành cho các đảng so với cuộc bầu cử hồi tháng 5 không thay đổi.
Kết quả bầu cử phù hợp với dự đoán không đảng nào có thể giành được thế đa số tuyệt đối của các cuộc thăm dò hai tuần trước đó. Như vậy, Hi Lạp đã thoát khỏi sự lo sợ có thể rời khỏi khu vực đồng euro khi Đảng Syriza lên nắm quyền.
“Người Hi Lạp hôm nay đã quyết định ở lại khu vực đồng euro và đi theo lộ trình của châu Âu. Sẽ không còn sự mạo hiểm hay hoài nghi nào về vị trí của Hi Lạp ở châu Âu” - chủ tịch Đảng Dân chủ mới Antonis Samaras phát biểu tại quảng trường Syntagma ở Athens.
Theo luật định, Đảng Dân chủ mới phải xây dựng chính phủ liên minh trong vòng ba ngày, và trọng tâm bây giờ hướng về Đảng Pasok. Đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ giành được thêm 50 ghế trong quốc hội. Nếu Đảng Dân chủ mới và Pasok liên kết sẽ có được 162 ghế trong quốc hội 300 ghế.
Nhiệm vụ thành lập chính phủ liên minh
Hai quan chức Đảng Pasok cho biết đảng mình sẽ ủng hộ chính phủ do Đảng Dân chủ mới dẫn đầu. Đảng Pasok cũng muốn Đảng Syriza tham gia chính phủ liên minh, nhưng Đảng Syriza đã bác bỏ khả năng này, cho thấy một chặng đường dài về đàm phán sắp tới. Nếu việc thành lập chính phủ vẫn tiếp tục thất bại thì Hi Lạp sẽ phải tổ chức bầu cử lại lần ba.
Tổng hợp số ghế trong quốc hội mà bốn đảng khác cũng chủ trương ủng hộ các gói giải cứu được khoảng 70 ghế.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố Mỹ hi vọng kết quả bầu cử sẽ dẫn đến sự hình thành nhanh chóng một chính phủ mới để bảo đảm giải quyết các thách thức kinh tế theo “tiến độ kịp thời”.
Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà Merkel đã gọi điện chúc mừng ông Samaras về “kết quả tốt đẹp, hi vọng sẽ sớm có một chính phủ ổn định”.
Trong thông báo của bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung, các bộ trưởng khẳng định những điều khoản trong gói giải cứu vẫn là cách tốt nhất để kéo Athens ra khỏi khủng hoảng.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle tỏ dấu hiệu cho thấy Hi Lạp có thể được kéo dài thời gian để thực hiện các cải cách theo điều khoản của gói cứu trợ.
Trả lời kênh truyền hình công ARD, ông Westerwelle nói không thể có những “thay đổi đáng kể” trong gói cứu trợ, nhưng “tôi nghĩ chúng ta có thể thảo luận một lần nữa việc trì hoãn” về việc đạt được mục tiêu trong bối cảnh bế tắc chính trị ở Hi Lạp. Tuy nhiên, ông Westerwelle khẳng định “Không có con đường nào ngoài việc cải cách. Hi Lạp phải đi đúng theo lộ trình đã thỏa thuận”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận