17/06/2012 14:42 GMT+7

Hi Lạp bầu cử lại, khó dự đoán kết quả

TẤN KHOA (Theo Reuters, BBC)
TẤN KHOA (Theo Reuters, BBC)

TTO - Từ trưa 17-6, người dân Hi Lạp đã đi bầu cử quốc hội lần hai, sau khi cuộc bầu cử đầu tiên thất bại do các chính đảng bất đồng trong việc thành lập chính phủ liên minh.

* Kênh truyền hình Skai TV bị ném lựu đạn

QkIJcIhR.jpgPhóng to
Một phụ nữ bỏ phiếu tại Athens - Ảnh: Reuters

Cuộc bầu cử lần này mang tính chất đặc biệt không chỉ với riêng Hi Lạp mà còn toàn khu vực đồng tiền chung euro, vì nó quyết định sự ra đi hay ở lại eurozone của Hi Lạp.

Các cuộc thăm dò trước đó cho thấy đảng cánh tả Syriza, vốn phản đối các thỏa thuận cứu trợ, đang có tỉ lệ ủng hộ sát nút với Đảng Dân chủ mới là đảng ủng hộ cứu trợ. Tuy nhiên, lượng cử tri lưỡng lự vẫn chiếm phần lớn khiến không thể dự đoán kết quả bầu cử.

Tất cả các đảng đều tuyên bố muốn Hi Lạp ở lại trong khu vực đồng tiền chung. Chủ tịch đảng Syriza, ông Alexis Tsipras, tin rằng thỏa thuận cứu trợ có thể được đàm phán lại mà không cần Hi Lạp phải ra đi, vì ông khẳng định các lãnh đạo châu Âu sẽ không thể giải quyết được những rối loạn nảy sinh sau khi một thành viên rời khu vực đồng euro.

Theo chủ tịch đảng Dân chủ mới Antonis Samaras, việc chối bỏ các gói cứu trợ của châu Âu sẽ buộc Hi Lạp quay trở về sử dụng đồng tiền drachma. Tuy nhiên, ông cũng có quan điểm muốn được đàm phán lại một số điều khoản trong gói giải cứu.

Theo các thăm dò, 5 năm sau khủng hoảng, mặc dù người dân Hi Lạp phẫn nộ và biểu tình trước các biện pháp khắc khổ, tăng thuế, giảm chi tiêu, giảm lương… nhưng phần lớn họ vẫn muốn ở lại khu vực đồng euro. Chỉ vài ngày trước bầu cử, do lo ngại kết quả tiêu cực Hi Lạp sẽ rời khỏi khối eurozone, người dân đã đổ xô đi rút tiền và trữ thực phẩm.

“Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy chán nản sau bầu cử. Tôi phải bỏ phiếu lần nữa cho những người gây ra vấn đề, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi đã chọn ủng hộ đảng Dân chủ mới và gói giải cứu” - bà Koula Louizopoulou, giáo viên tiếng Anh 66 tuổi nói.

Đảng Dân chủ mới và đảng Syriza đều là hai đảng dẫn đầu trong cuộc bầu cử quốc hội lần đầu tiên vào tháng 5 với tỉ lệ 19% và 17%.

Cuộc bỏ phiếu sẽ kết thúc lúc 23g hôm nay (giờ Việt Nam), kết quả sẽ sớm được công bố. Kết quả bầu cử sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc họp của các nước G20 diễn ra từ ngày mai 18-6 tại Mexico.

Các bộ trưởng Tài chính EU họp ngay khi có kết quả bầu cử

Theo Telegraph, các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức cuộc họp qua video ngay khi có kết quả bầu cử Hi Lạp.

Cựu thủ tướng Hi Lạp George Papandreou tuyên bố việc Hi Lạp rời khỏi khu vực đồng euro sẽ là “thảm họa” với đất nước.

4kbexsab.jpgPhóng to
Quả lựu đạn được ném vào sân đài truyền hình Akai nhưng không phát nổ - Ảnh: Sky News
C4euOJsB.jpgPhóng to
Cảnh sát phong tỏa đài truyền hình Skai - Ảnh: Telegraph
Fe2K7e7F.jpgPhóng to
Chủ tịch đảng Syriza Alexis Tsipras bỏ phiếu. Đảng Syriza là đảng chính trị mới nổi lên từ cuộc bầu cử hồi tháng 5 - Ảnh: Reuters

Reuters ngày 17-6 dẫn lời Tổng thư ký tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria cho rằng Hi Lạp nên có cơ hội được đàm phán lại các điều khoản cứu trợ để giữ nước này ở lại khối đồng tiền chung. Trong khi thủ tướng Đức Angela Merkel cứng rắn khẳng định Hi Lạp vẫn phải thực hiện các điều kiện thắt lung buộc bụng.

Số cử tri bầu cử hợp lệ là 9,8 triệu người. Theo luật pháp Hi Lạp, trong vòng 2 tuần trước thời gian bầu cử, các đơn vị thăm dò không được phép công bố kết quả. Kết quả sơ bộ sẽ được công bố sau khi Hi Lạp đóng cửa toàn bộ trạm bỏ phiếu.

* Theo Sky News, một quả lựu đạn được ném vài trụ sở kênh truyền hình Skai TV, nhưng không phát nổ.

CNd0hU5P.jpgPhóng to
Cảnh sát Hi Lạp chuẩn bị dụng cụ chống bạo động - Ảnh: BI

Một cảnh sát nói: “Theo người bảo vệ đài truyền hình, quả lựu đạn do hai người lái xe máy ném vào nhưng không nổ. Hiện chưa rõ quả lựu đạn thật hay giả. Xung quanh đài lúc này không có ai. Đội xử lý bom đang đến hiện trường”.

Một cảnh sát cùng chó nghiệp vụ đang kiểm tra khu vực sân của Skai TV sau khi nhận được tin có khả năng một quả lựu đạn thứ hai được ném vào. Phóng viên kênh Skai TV cho biết đã nhận được cú điện thoại nặc danh rằng “các người nên tìm cho ra một quả lựu đạn khác”.

TẤN KHOA (Theo Reuters, BBC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên