Ông Bùi Văn Dẫn (trái) và 2 cháu nội sinh đôi trao đổi với Tuổi Trẻ Online - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 25-5, Tuổi Trẻ Online đã tìm về ngôi nhà của ông Bùi Văn Dẫn (62 tuổi, ngụ ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang) để tìm hiểu chuyện "ấp sinh đôi" mà nhiều năm nay dư luận xôn xao bàn tán.
Theo ông Dẫn, cả khu vực này có 13 hộ gia đình sinh đôi. Ông Dẫn có 2 người cháu là Bùi Thị Kim Ngân và Bùi Thị Kim Hà (12 tuổi, học lớp 6). Cha là Bùi Quang Trực và mẹ Lê Thị Hiền (đều 39 tuổi). Cả hai hiện đã đi làm ở Bình Dương, để lại 2 con cho ông Dẫn chăm sóc.
"Cả khu vực này dù kéo dài chỉ khoảng 700m nhưng tất cả đều có gia đình sinh đôi. Chúng tôi không sử dụng bất kỳ biện pháp nhân tạo nào cả. Tất cả đều nghèo khó nên phải cố gắng hơn những gia đình bình thường.
Đa số sinh ra đều khỏe mạnh nhưng không ăn học đến nơi đến chốn. Đến nay chỉ có 4 gia đình ở lại, đa số đều bỏ đi nơi khác kiếm sống, số sinh đôi còn lại thì một số đã già yếu, số bỏ xứ đi nơi khác lập nghiệp", ông Dẫn nói.
Theo ông Dẫn, khu vực từ cầu Đình Phước Hưng, xã Phước Hưng đến dưới sân vận động huyện có đến 13 hộ có gia đình sinh đôi. Đến nay đã có người trên 80 tuổi và người sinh đôi ít tuổi nhất đã hơn 10 tuổi. Đặc biệt có gia đình 2 thế hệ đều sinh đôi. Đó là cha và con Phan Văn Chiến, Phan Văn Thắng và cặp con. Hiện nay tất cả đi làm ở Bình Dương.
Cận cảnh 2 gia đình có cháu và con sinh đôi tại khu vực ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang - Video: TỐNG DOANH
Còn anh Phạm Nộ Hán (39 tuổi, ngụ ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng) có 2 con song sinh là Phạm Tấn Lợi và Phạm Tấn Lộc (10 tuổi, học lớp 3). Gia đình anh có 5 người con, quanh năm vợ chồng anh chỉ làm thuê mướn.
"Trước đây khi vợ tôi có thai thì đột nhiên bị té trầy xước. Sau đó, bác sĩ khám mới biết là có thai song sinh. Tôi cũng không cảm thấy bất ngờ, vì trước đây cha tôi từng có 2 con song sinh. Sau đó, tôi nghiên cứu kỹ mới đoán chắc có lẽ do nguồn nước phía sau nhà nên các gia đình khu vực này đều song sinh", anh Hán nói.
Cũng theo anh Hán, gần 10 năm trở lại đây hiện tượng này đã không còn vì khu vực lòng hồ Phước Hưng mà ngày xưa bà con hay tắm đã bị lấp để làm hoa màu và bơm tưới tiêu.
Anh Phạm Nộ Hán và 2 con trai vui vẻ trao đổi với Tuổi Trẻ Online - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Thành Nam - phó chủ tịch UBND xã Phước Hưng - xác nhận khu vực ấp Phước Khánh có 13 hộ sinh đôi nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
"Bà con không áp dụng bất kỳ biện pháp thụ tinh nhân tạo nào. Do có nhiều cặp sinh đôi như vậy nên nhiều người vẫn nói vui đây là ấp sinh đôi", ông Nam nói.
Nói về việc này, TS.BS Trần Quang Hiền - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - cho biết việc sinh đôi ở các nước Trung Phi có tỉ lệ 36 đến 60/1.000 ca sinh. Ở Bắc Mỹ và châu Âu có tỉ lệ trung bình từ 9 đến 16/1.000 ca sinh. Còn Mỹ Latin, Nam Á và Đông Nam Á thì tỉ lệ chỉ có 6 đến 9/1.000 ca trong tự nhiên.
"Còn đối với di truyền sinh đôi đời cha rồi đến đời con cũng sinh đôi là trường hợp cực kỳ hiếm gặp trong y khoa, chiếm tỉ lệ 1/10.000 ca sinh mới gặp được. Tôi nghĩ xã Phước Hưng đó sinh đôi nhiều như vậy là do tự nhiên, không thể tác động nhân tạo mà được số lượng nhiều như vậy", ông Hiền nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận