04/08/2014 18:33 GMT+7

Hết thời UX dở vẫn sống tốt

TOPICA FOUNDER INSTITUTE
TOPICA FOUNDER INSTITUTE

TTO - Giao diện (UI) hấp dẫn người dùng, nhưng trải nghiệm (UX) thú vị mới giữ chân họ. Vậy UX là gì?

Các lỗi thường gặp khi doanh nghiệp thiết kế website: |

MxGa1P0a.jpg
UX thể hiện trên ứng dụng di động qua sự thuận tiện khi người dùng thao tác trên nó - Ảnh minh họa: AppSee

Và làm thế nào để sử dụng UX một cách hiệu quả, làm ra những UX tốt? Những vấn đề liên quan đến UX đã được các diễn giả trong sự kiện Topica Founder Institute tổ chức “Đã hết thời UX dở vẫn sống tốt, xu hướng UX 2014?”, qua đó cho thấy tầm quan trọng của UX trong các sản phẩm công nghệ hiện nay, đặc biệt là ứng dụng di động và website.

Trong lĩnh vực sáng tạo và công nghệ hiện nay, thuật ngữ UI và UX đang được sử dụng nhiều hơn bao giờ hết. Bài viết được thực hiện bởi Topica Founder Institute, chia sẻ cùng Nhịp Sống Số, cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về UX và mức độ quan trọng của UX đối với một sản phẩm công nghệ.

UX là gì?

UX – hay còn gọi là trải nghiệm người dùng (User experience) - là cách mà người dùng cảm nhận về một sản phẩm cụ thể, cách họ sử dụng sản phẩm đó.

Người làm về UX gọi là UX Designer. Họ là những người nghiên cứu và đánh giá về thói quen, cách mà một người khách hàng sử dụng và cảm nhận về 1 hệ thống (Sử dụng hệ thống thông qua UI). Sử dụng và cảm nhận ở đây đơn giản là những vấn đề như tính dễ sử dụng, sự tiện ích, tính hiệu quả khi sản phẩm hoạt động.

zF975lb2.jpg
Thao tác lướt ngang, quẹt dọc trên ứng dụng di động là "trải nghiệm người dùng" hay gọi tắt là UX - Ảnh minh họa: Internet

Theo anh Bùi Trường Sơn, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Felix, một sản phẩm có UX tốt là một sản phẩm mà mọi thứ đều phải “tự nhiên”, có nghĩa là thuận tiện và thân thiện với người dùng, sao cho người dùng có thể tự nhiên hiểu cách sử dụng sản phẩm, tự mày mò được cách dùng.

Anh Sơn cho rằng, tự nhiên là khi người dùng không có nhiều kiến thức, họ dùng sản phẩm theo thói quen mà vẫn đúng với những gì họ mong đợi. Ví dụ như trước đây, người dùng Việt Nam quen dùng Nokia, bấm nút trên cùng bên trái khi muốn lựa chọn hoặc đồng ý và bấm nút bên phải khi muốn xóa hoặc thoát ra. Vì vậy, ĐTDĐ của Sony Ericsson có thiết kế nút bấm ngược với Nokia, khiến nhiều người dùng Việt Nam khó khăn khi họ muốn chọn, thì điện thoại lại bắt họ thoát ra.

Khi mọi thứ trên trang web hay ứng dụng diễn ra tự nhiên, một người dùng thông thường không gặp phải trở ngại gì khi dùng chúng, thì quá trình từ sử dụng sản phẩm thường xuyên và từ đó trở thành thói quen của khách hàng cũng diễn ra rất tự nhiên.

Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của các loại thiết bị khác nhau, người làm UX cũng cần lưu ý để sản phẩm của mình thân thiện với các loại trình duyệt, các hệ điều hành trên các loại thiết bị khác nhau.

UX tại Việt Nam

Tại Việt Nam, thói quen sử dụng UX của các nhà phát triển web hiện vẫn còn gặp rất nhiều lỗi như: quá “tham” khi đưa nhiều chức năng, nhiều tiểu tiết vào giao diện game hoặc trang web, như kết nối 3G hay dung lượng file cài đặt, hay bỏ sót các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng, hoặc làm việc đơn lẻ thay vì tập hợp thành nhóm…

Anh Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc mWork cho rằng một sản phẩm không cần quá nhiều chức năng để giải quyết nhu cầu đơn giản của người dùng, càng tối giản càng tốt.

Một trang web có quá nhiều lựa chọn trên giao diện cũng như một cửa hàng có quá nhiều món ăn, đều bắt người dùng phải suy nghĩ để lựa chọn, trong khi nhu cầu của khách hàng lại rất đơn giản. Vì vậy, chỉ nên tập trung vào đúng những gì khách hàng cần và đừng bắt họ phải suy nghĩ hay mất tập trung bởi những tiểu tiết không đáng có.

Tương tự, anh Anh Bùi Trường Sơn cho rằng việc có quá nhiều chức năng, nhiều nút điều hướng trên giao diện trang web hay ứng dụng khiến khách hàng có cảm giác giống như đưa họ vào một nhà hàng lạ, giao cho họ nhiệm vụ gọi món với một thực đơn dày 4-5 trang, mỗi trang gồm 20 món.

Anh Nguyễn Văn Vũ, giám đốc kỹ thuật Appota cho rằng điểm yếu của các nhà lập trình Việt là thay vì tụ hợp thành nhóm thì họ thường làm việc một cách đơn lẻ. Cùng quan điểm với anh Vũ, anh Sơn cũng cho rằng việc các nhà lập trình Việt nghĩ rằng một mình có thể làm ra sản phẩm đứng đầu thế giới là một sai lầm. Nhất là sau thành công của Flappy Bird, số lượng lập trình viên ủ mộng tạo ra sản phẩm đứng đầu thế giới càng ngày càng tăng.

Flappy Bird: UX xuất sắc

Về sản phẩm, Flappy Bird là một sản phẩm rất xuất sắc về UX, và cũng là một bài học điển hình cho các nhà lập trình game. Phân tích kỹ thì sẽ thấy dường như mọi giai đoạn trong việc trải nghiệm Flappy Bird đều được tính toán rất kỹ lưỡng.

S3UoV68F.jpg
Chơi Flappy Bird trên smartphone - Ảnh: AFP/Getty Images

Mọi việc bắt đầu khi bạn nghe thấy âm thanh từ điện thoại của người chơi bên cạnh. Tò mò xem thử thì phát hiện ra trò này rất đơn giản. Chưa từng có trò chơi nào đơn giản như vậy: 1 hoạt cảnh duy nhất, 1 nhân vật duy nhất, 1 tiếng động duy nhất và 1 hành động duy nhất để chơi. Bạn chỉ việc gõ, gõ vào đâu cũng được, không cần cân nhắc trái hay phải màn hình làm gì, bạn gõ vào ống nước hay vào chính con chim thì nó đều bay.

Sau đó, bạn muốn thử nên hỏi người bên cạnh tên trò chơi và dễ dàng tìm ra nó vì “flappy” là một từ “độc nhất vô nhị”, không có trong từ điển nên chỉ cần gõ là sẽ tìm ra ngay. Thời gian để tải về cũng chỉ mất 10 giây, vì trò chơi này chỉ nặng 700 kB. Như vậy, quá trình nghe thấy, nhìn thấy người khác chơi và tải về để chơi thử chỉ chưa đến 30 giây. Flappy Bird không cần tốn tiền để tiếp thị mà chính nó sẽ lan truyền offline một cách nhanh chóng.

Vì vậy, sự thành công của Flappy Bird, không phải là một sự ăn may mà được tính toán rất kỹ càng đến từng khâu trong trải nghiệm của người dùng. Và từ câu chuyện của Flappy Bird, anh Sơn cũng mong muốn các nhà lập trình Việt nên cân nhắc thật kỹ khi quyết định một mình phát triển sản phẩm.

TOPICA FOUNDER INSTITUTE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên