Nhân công giá rẻ không còn là lợi thế của ngành dệt may VN - Ảnh: T.V.N. |
Sau khi tìm hiểu, ông H. mới biết đối tác rút lại để chuyển sang Bangladesh chỉ vì giá đối tác thực hiện ở nước bạn rẻ hơn 10-20% so với giá đặt tại công ty ông làm. “Công ty vẫn tìm được đơn hàng khác lấp vào. Nhưng điều này cho thấy chi phí sản xuất ở VN, trong đó yếu tố nhân công giá rẻ, không còn là lợi thế cạnh tranh nữa, đặc biệt với những đơn hàng phụ thuộc rất lớn vào việc lấy công làm lời” ông P.H. nói.
Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) xác nhận đang có tình trạng nói trên và cho biết bản thân công ty này cũng bị đối tác “lịch sự” xin rút vài ba đơn đặt hàng để chuyển sang Bangladesh, sau khi không thể chốt được mức giá phù hợp với đề nghị của công ty. Cũng may việc rút đơn hàng không ảnh hưởng gì lắm đến doanh nghiệp bởi đây là các doanh nghiệp có quy mô sản xuất ổn định, không có khách hàng này vẫn có khách hàng khác thế vào.
Tuy nhiên nói như ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), việc chuyển dịch đơn hàng sang nơi có chi phí sản xuất phù hợp hơn với nhà đặt hàng là điều tất yếu, nhưng với ngành dệt may, yếu tố từng làm nên ưu thế cạnh tranh cho ngành dệt may VN là nhân công giá rẻ rõ ràng không còn.
Trong ba năm trở lại đây, theo các chuyên gia trong ngành dệt may, chi phí sản xuất của ngành này tại VN đã không ngừng tăng lên. Một thống kê chưa đầy đủ từ các chuyên gia cho thấy cứ năm sau luôn tăng hơn năm trước 10-15%. Với những mặt hàng giá trị thấp, phù hợp với các doanh nghiệp quy mô nhỏ của VN thì khi được dọ giá, các đối tác đều lẳng lặng rút lui để chuyển sang Ấn Độ hoặc Bangladesh, vì tính toán thấy vẫn rẻ hơn nếu cũng đặt một mã hàng như đặt ở VN sản xuất. Tuy nhiên với những mặt hàng giá trị từ trung bình đến trung cao trở lên, dù vẫn được các nhà đặt hàng tín nhiệm rất cao về chất lượng sản phẩm, tay nghề công nhân giỏi, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng không thể đàm phán được mức giá như kỳ vọng. Bởi “Campuchia, Myanmar được đánh giá không kém gì VN, mình mà đòi giá cao hơn là họ đem hợp đồng đi chỗ khác làm” - ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may Sài Gòn 3, nói.
Ông Hồng cho biết thêm hai năm gần đây khi đàm phán giá với các đối tác, các doanh nghiệp xuất khẩu của VN dường như vẫn không nhích được thêm “lai” nào chỉ vì mức giá của các đối thủ cạnh tranh đưa ra rất hấp dẫn, một phần cũng do chi phí nội tại của họ không biến động và tăng giá liên tục như ở VN.
Rõ ràng với nhiều yếu tố chi phối dẫn đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp luôn tăng chóng mặt như hiện nay, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp VN đang được cảnh báo suy giảm khá rõ ở những điểm tưởng chừng vốn là lợi thế của họ so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dù được thị trường quốc tế đánh giá cao, có được độ tin cậy với nhà đặt hàng cùng uy tín được nâng lên hơn so với trước, nhưng nếu các doanh nghiệp không tự nâng mình lên để làm những đơn hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, làm theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), hay cao hơn nữa là ODM (tự phát triển nguyên phụ liệu, thiết kế, sản xuất) thay vì chỉ OEM (gia công) như hiện nay, thì thành quả thực hưởng sẽ chẳng đáng là bao so với công sức lao động bỏ ra.
Do vậy, dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may vẫn tăng đều đặn hơn 12%/năm, nhưng mức thặng dư thật sự mà các doanh nghiệp trong nước mang về trong con số xuất khẩu lên tới hàng chục tỉ USD mỗi năm thật ra lại rất ít ỏi. Trong khi số lao động đóng góp cho ngành hiện đã vượt lên khoảng 4,7 triệu lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận