Người dân mua thuốc tại một tiệm thuốc tây trên đường Trường Chinh, Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Dũng - trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM cho biết:
Ở TP.HCM, đến nay đã có 696 nhà thuốc kết nối mạng, dự kiến đầu năm 2019 sẽ kết nối xong. Có phần mềm này, các nhà thuốc sẽ kết nối với Bộ Y tế và Sở Y tế, sẽ có đầy đủ thông tin, tránh được thuốc không có nguồn gốc xuất xứ đi vào trong hệ thống.
Phần mềm còn giúp tăng cường quản lý việc bán thuốc kê đơn, trong đó phải chấm dứt tình trạng bán kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ.
Ngoài ra, các nhà thuốc cũng quản lý được hoạt động mua bán thuốc ở góc độ kinh doanh cũng như chuyên môn như nhập, xuất, theo dõi tồn kho, tính lỗ, lãi, theo dõi hạn dùng, số lô của thuốc...
Phần mềm này còn là sự trao đổi thông tin hai chiều của các cơ quan quản lý với nhà thuốc và ngược lại.
* Với những chuỗi nhà thuốc lớn đã sử dụng những phần mềm khác trước đó thì sắp tới sẽ như thế nào?
80% các nhà thuốc ở TP sử dụng những phần mềm về quản lý do Sở Y tế cung cấp miễn phí, 20% các nhà thuốc còn lại sử dụng phần mềm riêng, nhưng lại không kết nối được với mạng của bộ và Sở Y tế.
Để tránh lãng phí và tận dụng được những dữ liệu có sẵn, 20% nhà thuốc sử dụng phần mềm riêng sẽ phải kết nối với hệ thống của Viettel để kết nối được với Bộ Y tế, Sở Y tế nhưng không bỏ những phần mềm đang dùng.
Ông Đỗ Văn Dũng - trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM
* Một số nhà thuốc không muốn tham gia vì phải đóng 1,8 triệu đồng/năm, nếu không nối mạng họ có được bán thuốc nữa hay không?
Việc sử dụng phần mềm để quản lý nhà thuốc đã được luật hóa chứ không phải chỉ đạo mang tính tức thời.
Chính phủ và Bộ Y tế vẫn dành một lộ trình để các nhà thuốc kết nối mạng. Nếu đến đầu năm 2020 các cơ sở bán lẻ thuốc không kết nối được theo quy định của Luật dược cũng như thông tư 02/2018 về thực hành tốt các cơ sở bán lẻ thuốc thì phải dừng việc buôn bán thuốc.
Khi làm được điều này thì toàn bộ hệ thống từ bán buôn đến bán lẻ..., từ khi sản xuất thuốc, đi vô các kho, đến tận các nhà thuốc sẽ được kiểm soát hết.
Đây là việc còn nhằm thực hiện đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020.
Hiện nay vấn đề bán thuốc không có đơn của thầy thuốc, đặc biệt là kháng sinh là vấn đề nhức nhối dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh đang gia tăng.
Các nước cũng phải giải bài toán này, mất rất nhiều năm. Việt Nam đã đặt ra vấn đề này nhưng chưa có giải pháp thì lần này là một giải pháp rất tích cực mang tính chất chiến lược và lâu dài.
* Có thông tin một số nhà thuốc sẽ không nhập vào phần mềm, chỉ nhập những cái họ muốn nhập và khi bán ra cũng tương tự. Cơ quan chức năng sẽ quản lý như thế nào?
Vẫn có khả năng xảy ra việc không tuân thủ, nhà thuốc có thể có 1.000-2.000 mặt hàng thuốc nhưng họ chỉ nhập, xuất 100-200 mặt hàng thuốc, nhiều nhất 500-700 mặt hàng, làm cho có.
Vậy quan trọng là phải tăng cường truyền thông để các nhà thuốc hiểu được cái lợi cho người dân, cho chính họ, cho các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, cũng tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử phạt và có những biện pháp chế tài mạnh.
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Không độc quyền sử dụng phần mềm
* Hiện các nhà thuốc trong TP chỉ ký hợp đồng duy nhất với phần mềm của Viettel? Có sự độc quyền trong kết nối phần mềm hay không?
- Bộ Y tế nói rõ có thể sử dụng phần mềm của Viettel và các phần mềm tương thích khác nếu như kết nối được với hệ thống của Bộ Y tế, Sở Y tế.
Hiện nay vẫn chưa có một công ty nào khác có phần mềm đáp ứng được những yêu cầu trên.
Trước đó, Sở Y tế đã làm việc với 5 công ty về phần mềm, một vài công ty có thể kết nối được nhưng họ muốn giữ độc quyền máy chủ, quản lý luôn.
Có những công ty sẵn sàng cho các nhà thuốc sử dụng phần mềm miễn phí với điều kiện họ giữ hết tất cả dữ liệu. Điều này không có lợi vì họ có thể bán dữ liệu đó cho các tập đoàn kinh tế để khai thác với mục đích thương mại.
Trước mắt, phần mềm của Viettel được chọn nhưng nếu có công ty nào thỏa mãn những yêu cầu như trên thì vẫn tiếp tục được tham gia và sẽ có sự cạnh tranh.
Tư liệu: THÙY DƯƠNG - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Phải xác định mục tiêu quản lý
Tôi có cảm nhận việc áp dụng quản lý nhà thuốc bằng công nghệ ở nước ta hiện nay chỉ mới giải quyết được bài toán về kinh doanh thuốc chứ chưa giải quyết được vấn đề chất lượng cho toa thuốc.
Để làm tốt đề án này, từ Bộ Y tế đến các địa phương cần xác định rõ mục tiêu cao nhất, đồng thời có lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn. Nếu không chỉ tạo điều kiện cho các nhà thuốc trong vấn đề kinh doanh thuốc.
Ngoài ra, cần phải có hành lang pháp lý để giám sát việc quản lý nhà thuốc, mua bán thuốc qua mạng này.
Bác sĩ NGUYỄN HỮU TÙNG - phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân TP.HCM
Phần mềm phải đúng chuẩn
Đối với các loại thuốc nhập chính ngạch có hóa đơn, giấy tờ việc quản lý sẽ đơn giản. Tuy nhiên điều lo ngại là nhiều nhà thuốc cố tình mua thuốc trôi nổi, thuốc nhập lậu để bán.
Tất nhiên các loại thuốc này họ không nhập vào hệ thống, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra mới phát hiện, còn rất khó để kiểm soát bằng công nghệ.
Chị NGUYỄN THỊ LINH - cử nhân dược sĩ ĐH Y Thái Bình
Đưa tất cả lên hệ thống sẽ dễ kiểm soát hơn
Tôi cho rằng đây là cách quản lý tốt, đặc biệt là kiểm soát việc kê đơn, giá thuốc, ngăn chặn tình trạng bán thuốc hết hạn bởi có khi nhà thuốc có hàng ngàn mặt hàng, chủ nhà thuốc cũng không nắm được trong cửa hàng có sản phẩm nào quá hạn.
Nếu đưa tất cả hàng hóa lên hệ thống sẽ kiểm soát dễ hơn.
Một lãnh đạo Sở Y tế Hưng Yên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận