Trào lưu "tụm 3 tụm 7" qua đường theo nhạc
Tụ tập theo nhóm ở các địa điểm công cộng, nổi tiếng đang trở thành một xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội gần đây.
Sự việc dàn xe ra giữa cao tốc, tập yoga giữa đường để quay phim chưa lắng xuống thì mới đây lại xuất hiện thêm một đoạn clip nhóm nhỏ gồm 5 trẻ em nhảy trên nền nhạc khi qua đường.
Dễ dàng thấy khu vực các cháu nhảy ở ngay vạch qua đường khu vực cầu Rồng. Đây là nút giao thông đông đúc và phức tạp bậc nhất thành phố Đà Nẵng.
Dù clip chỉ vỏn vẹn chưa đầy 30 giây ghi hình tại vạch qua đường trong lúc các xe chờ đèn đỏ nhưng khi đưa lên mạng xã hội đã nhận được hàng ngàn bình luận trái chiều.
Trong đó hầu hết ý kiến đều tỏ ra lo lắng cho các dancer nhỏ tuổi. Anh Bi Nguyễn, một người dùng mạng xã hội, cho hay đã xem nhiều clip người lớn nhảy theo nhạc khi đi qua đường.
"Dù các con đi đúng lối đi bộ kẻ vạch khi tín hiệu đèn chuyển sang màu xanh nhưng tôi vẫn thấy lo lắng. Các con tập trung nhảy, nhiều khi không quan sát hết các xe ưu tiên vượt qua đường.
Đó là chưa kể các con còn đang trong quá trình phát triển về nhận thức xã hội nên việc chạy theo trào lưu này là rất đáng lo" - anh Bi nói.
"Xuống đường" quay clip coi chừng phạm luật
Theo luật sư Nguyễn Công Tín (Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng), đường bộ là công trình giao thông được sử dụng cho mục đích bảo đảm lưu thông cho các phương tiện, người tham gia giao thông.
Các hoạt động khác như văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội, biểu diễn… trên đường bộ được tổ chức rất hạn chế và chỉ được thực hiện sau khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều người, nhóm người, mà chủ yếu là những người làm sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội… bất chấp pháp luật, đổ ra đường quay các clip nhảy nhót, múa hát, tập yoga... là rất đáng lưu tâm.
Mục đích các đối tượng thực hiện hành vi trên là để "câu like", tăng tương tác, đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người, phương tiện giao thông.
Thậm chí có trường hợp gây cản trở giao thông và hoạt động bình thường của xã hội.
"Vừa qua trường hợp của "Hải Idol" dàn 4 xe trên đường gây ùn tắc giao thông, Ngọc Trinh điều khiển xe mô tô phân khối lớn, biểu diễn những hành động nguy hiểm lưu thông trên đường… đã được xử lý.
Cần phải khẳng định rằng đây là những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, thể hiện sự coi thường pháp luật, gây mất trật tự an toàn giao thông đường bộ" - luật sư Tín nói.
Theo luật sư Tín, hiện nay có các chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm trên.
Trong đó về chế tài hành chính thì các hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để thực hiện các hoạt động gây cản trở giao thông đường bộ có thể bị xử phạt áp dụng theo nghị định 123.
Hành vi tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông (như đối với trường hợp tập yoga) cũng có thể bị xử phạt.
Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trong đó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự các tội sau: tội gây rối trật tự công cộng; tội cản trở giao thông đường bộ; tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ…
Tiêm nhiễm vào trẻ em hành vi lệch lạc
Theo một giảng viên giảng dạy kỹ năng an toàn mạng cho trẻ em, các clip nhảy dưới lòng đường được lan truyền phổ biến trên khắp mạng xã hội, ở khía cạnh nào đó cũng tiêm nhiễm vào giới trẻ những suy nghĩ, hành vi lệch lạc, từ đó ảnh hưởng đến nhận thức xã hội của trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận