Hết ngại, nếu phải cắt amiđan

N.T.T. (PHÚ NHUẬN, TP.HCM) 18/07/2012 01:07 GMT+7

TTCT - * Con tôi bị viêm amiđan, đi khám ở bệnh viện được tư vấn phẫu thuật bằng máy coblator, xin cho biết dùng cách này có lợi gì hơn so với các phương pháp khác?

Phóng to
Ảnh: globalclinic.cl

Cắt amiđan hay nạo VA ở trẻ em bằng máy coblator là phương pháp dùng sóng radio cao tần để phá hủy mô trong môi trường nước, nhiệt độ khoảng 60 độ C. Phương pháp này không mới nhưng ít được áp dụng ở nước ta do hiện nay chi phí cho dịch vụ này khá cao so với cách làm truyền thống.

Ít chảy máu, không sót

Ưu điểm của việc dùng máy coblator để nạo VA và cắt amiđan là làm nhanh, ít mất máu hơn, đỡ đau hơn. Đặc biệt với VA, bác sĩ sẽ đưa y cụ vào từ miệng hay mũi, quan sát dưới nội soi giúp thấy rõ nên nạo ít sót hơn, ít bị tổn thương viêm mạc vùng vòm, gờ vòi, đuôi vách ngăn. Do có sử dụng chế độ đông nên cũng ít gây chảy máu.

Cắt amiđan có hai biến chứng quan trọng là đau và chảy máu. Phương pháp coblation có nhiệt độ thấp nên ít gây tổn thương và phù nề mô vì vậy bệnh nhân ít đau rõ rệt, lành vết thương nhanh. Nếu như các nghiên cứu đều thống nhất coblation giảm đau sau cắt amiđan tốt hơn các phương pháp phẫu thuật khác, vẫn chưa có dữ liệu dứt khoát nào cho thấy tần suất chảy máu sau mổ thấp hơn những phương pháp khác.

Vì thế, bệnh nhân nên được theo dõi vài giờ sau mổ cũng như ăn nguội mềm, tránh nói lớn trong hai tuần sau đó để giảm nguy cơ chảy máu. Theo kết quả công bố năm 2007 của nhóm tác giả Trần Anh Tuấn, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Hữu Khôi, cắt amiđan bằng phương pháp coblation ở 142 bệnh nhân (độ tuổi 10-62) cho thấy lượng máu mất trung bình trong mổ chỉ là 7ml, thời gian phẫu thuật trung bình 18 phút.

Tỉ lệ chảy máu sớm phải can thiệp là 1,4%. Tỉ lệ bệnh nhân chảy máu muộn cần phải trở vào bệnh viện can thiệp là 0,7%. Cảm giác đau giảm nhanh chóng sau mổ. Thời gian ăn uống gần như bình thường (ba ngày đối với cháo, cơm nhão; bảy ngày đối với cơm bình thường). Thời gian trở lại làm việc là ba ngày và thời gian làm việc bình thường là sáu ngày.

Biến chứng thấp

Nạo VA bằng kỹ thuật nạo cổ điển thường nhanh và an toàn, song có thể gây tổn thương vòi Eustach và vách mũi, do đó khó lấy đi mô bạch huyết gần vòi Eustach và cửa mũi sau. Chảy máu nhiều cũng có khi xảy ra. Phương pháp coblation cho phép nạo VA chính xác và cầm máu hiệu quả. Năm 2009, nhóm tác giả trên cũng công bố kết quả nạo VA bằng kỹ thuật coblation kết hợp nội soi qua đường mũi ở 39 bệnh nhân độ tuổi 1-15.

Kết quả cho thấy lượng máu mất trung bình trong mổ là 4,5ml, thời gian phẫu thuật trung bình là 11 phút. Tỉ lệ chảy máu sớm phải can thiệp và tỉ lệ chảy máu muộn sau mổ phải can thiệp đều bằng 0%. Thời gian ăn uống bình thường (như trước khi phẫu thuật) là hai ngày và thời gian trở lại làm việc bình thường là một ngày.

Ưu điểm của phương pháp này là cắt nhanh (5-7 phút), đốt điện bằng sóng cao tần ở nhiệt độ khoảng 60 độ C không gây bỏng, xuất viện sau bốn giờ. Có thể kết luận là cắt amiđan và nạo VA bằng phương pháp coblation hiện nay là phương pháp cho kết quả tốt nhất mà biến chứng rất thấp.

Phương pháp coblation là gì?

Năm 1998, Philip E. Eggers và Hira V. Thapliyal đã sáng tạo một phương pháp mới cũng dùng điện nhưng với nhiệt độ thấp hơn rất nhiều so với các phương pháp trước, chỉ khoảng 60-700C. Cơ chế của phương pháp này là giữa điện cực và mô có một lớp dịch. Khi dòng điện chạy vào lớp dịch này, các nguyên tử trong lớp dịch bị ion hóa, tạo thành các hạt tích điện, lớp dịch lúc này được gọi là plasma.

Các hạt tích điện được gia tốc dưới tác dụng của điện trường và đạt được đủ năng lượng để bẻ gãy cầu nối phân tử của tế bào. Như vậy, dòng điện không đi trực tiếp vào mô mà chỉ để tạo plasma, rồi các hạt tích điện mới cắt mô, do đó nhiệt độ vào mô được giảm thiểu. Vì thế, phương pháp này rất ít làm bỏng mô và hầu như không gây chảy máu. Phương pháp này có tên là coblation, là kết hợp của từ controlled (có kiểm soát) và ablation (cắt).

Ngày nay, phương pháp này được ứng dụng trong tai mũi họng, tiết niệu, thần kinh, chỉnh hình, tim mạch, da liễu, thẩm mỹ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận