Chúng ta đã quá quen với chuyện sinh viên phàn nàn về chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy của giảng viên. Cả xã hội dường như cũng hùa vào đấy như một sự thật hiển nhiên. Minh họa: SALEM Nhưng có mấy người tự hỏi: Liệu sinh viên lúc nào cũng đúng? Dạy và học là một sự tương tác. Câu chuyện dưới đây của tôi sẽ đem đến một góc nhìn từ phía thiểu số là người dạy. Buổi học cuối cùng “Cô không trách các em dù chỉ một giây. Trái lại, cô cảm ơn các em đã cho cô hiểu rằng sự chân thành, tận tâm mình đã gửi đi mà nhận về chỉ toàn thờ ơ nghĩa là nó đang được đặt không đúng chỗ. Các em rất giỏi, đặc biệt trong việc góp phần giúp một giảng viên như cô biến mất khỏi bục giảng nhanh hơn. Biết đâu đời cô sẽ vĩnh viễn thay đổi từ hôm nay nhờ các em. Dù còn một tuần nữa mới kết thúc học kỳ chính thức, nhưng cô không thể đi cùng các em trong tâm trạng ngao ngán này. Hôm nay sẽ là buổi cuối cùng của môn học”. Dừng lời, tôi mỉm cười nhìn một nửa lớp đang ngồi dưới giảng đường trước mặt mình. Chỉ một nửa thôi, vì nhiều em đến muộn nên hi sinh luôn tiết đầu để đến giờ nghỉ 10 phút sẽ thản nhiên vào lớp không ngượng ngùng. Sau những hàng ghế đầu trống trải, các em ngồi cúi mặt, tránh ánh mắt tôi hoàn toàn. Có cái gì đó nghèn nghẹn trong cổ. Tôi nhớ lại những đêm gần như thức trắng để soạn bài, cập nhật những ví dụ thời sự nhất, tìm những video hợp với bài giảng và lứa tuổi của các em nhất để mang đến lớp đúng 7 giờ sáng mỗi thứ sáu. Ngay cuối tuần trước thôi, thay vì cho con nhỏ đi chơi, tôi phải gửi bé vào nhà trẻ rồi chạy xe như bay trên đường để kịp đưa các em đến dự một sự kiện lớn như đã hứa. Vậy mà chỉ có vài em xuất hiện, dù tôi phải vận dụng hết mối quan hệ để tạo cơ hội cho các em. Tiến lại gần các em, bất giác tôi thấy cảm giác cô đơn trống trải tràn ngập trong lòng. Như không phải là đang có 50 sinh viên đang bên cạnh tôi. “Mỗi em hãy lấy giấy ra, viết một điều gì đó các em nghĩ thật lòng nhất rồi gửi cho cô. Nhớ ghi tên, địa chỉ email. Lưu ý đây không phải là phiếu điểm danh nhé”. Đành quyết định vậy thôi, vì tôi không còn từ nào để nói thêm dù muốn. Chúng tôi từng có những giờ học tưng bừng vui nhộn, có những lúc phân tích case study say mê quên cả chuông báo hết giờ. Đã nhiều lần các em bộc bạch mong muốn được trải nghiệm, được dấn thân, được tiếp xúc với các nhân vật nổi tiếng và thành công trong nghề, được đi cùng tôi đến thực địa để học hỏi... “Một năm rồi tôi chứng kiến lần lượt từng giảng viên trong bộ môn của mình ra đi tìm công việc khác dễ chịu hơn. Tôi như viên pin cạn kiệt”. Để đáp lại mong muốn của các em, tôi tạo cho các em những đề bài thú vị và thách thức khi về nhà, để rồi sau đó tôi lại phải căng mắt đọc và nhận xét. Tôi mời diễn giả có tên tuổi đến nói chuyện, các em hào hứng đặt câu hỏi và xin chụp ảnh cùng. Tôi đã tưởng thế là ổn. Vậy mà không hẳn vậy. Các em ngày càng miễn cưỡng hơn dù chẳng có một lý do thật sự thuyết phục nào. Lẽ nào các em nói thế mà không phải nghĩ như thế? Chuông báo nghỉ giải lao nhưng cả lớp vẫn im phăng phắc. Em nào em ấy chăm chú viết lia lịa trên tờ giấy trước mặt. Khi thu lại những tờ giấy trên tay các em, tôi thấy có em mắt ngấn nước. Những trang viết đầy ắp chữ. Tôi không dám lướt mắt lên đó ngay. “Cảm ơn các em, cô sẽ đọc sau nhé. Cô sẽ giữ tập giấy này cho tới khi các em kỷ niệm 10 năm ngày ra trường”. Tôi gói tập giấy lại và tiếp tục bài giảng tổng kết môn học của mình. Khi cả lớp đứng lên chào tôi lúc hết giờ, tôi cảm thấy rất rõ những ánh mắt lưu luyến và một nỗi buồn lan tỏa trong giảng đường. Thu dọn đồ đạc xong, tôi rảo bước thật nhanh về văn phòng để tránh cái nhìn ấy, và để đọc những gì các em đã viết cho tôi. Những lời bộc bạch của sinh viên “Em sai rồi, xin lỗi cô...” - đó là những câu tôi đọc được nhiều nhất trên các trang giấy sau buổi học. Mỗi em nhận thức và lý giải về sự ăn năn của mình theo một cách. Nhưng đông nhất vẫn là cảm giác hoang mang, ngơ ngác, phân vân của các em những năm đầu đại học. Tôi giật mình vì quá nhiều em chẳng hiểu gì về ngành các em đã chọn khi thi vào đại học, hoặc hiểu sai hoàn toàn, hoặc lựa chọn con đường theo sự áp đặt của gia đình. Nhiều em bị sốc vì cảm thấy khó có thể làm được nghề mình đang theo học, nhưng không đủ dũng cảm để làm lại từ đầu. Không ít em thú nhận mình lười, thích trốn học về quê chơi, chứ không có lý do gì tốt hơn để biện minh về tinh thần học tập sa sút... Nhưng cũng có những “bức thư” rất độc đáo: “Em có một ước mơ như thế. Cô là người đầu tiên, ngoài em, được đọc điều này!” - một em nam có đôi mắt sáng nổi bật viết bằng thứ chữ ngay ngắn và đáng tin cậy. Em kể cho tôi về giấc mơ cháy bỏng từ khi còn học phổ thông, và từng ngày qua em đã tận dụng từng giờ để biến giấc mơ của mình thành hiện thực như thế nào. Em kể đã học được gì từ sự kiện mà tôi đưa các em đến, từ môn học của tôi. Em cũng không quên an ủi tôi rằng càng bị vùi dập, ước vọng vươn lên mới càng cháy bỏng, kèm lời chúc tôi chóng vượt qua được cuộc khủng hoảng với các học trò còn quá bồng bột của mình. Có em là sinh viên của khoa khác nhưng chọn môn của tôi để theo chương trình bằng kép. Em viết rất mộc mạc, pha chút trẻ con, rằng các bạn sinh viên của khoa tôi đúng là “được voi đòi tiên”, không ngừng đòi hỏi giảng viên phải thế này thế nọ, trong khi bản thân họ không chịu nỗ lực, cố gắng tận dụng nắm lấy bàn tay người khác đã chìa ra cho mà bắt. “Sao cô không cao giọng mắng mỏ chúng em? Cô ôn tồn, và không cười, khiến em chưa quen và thật sự bối rối” - một cô bé sinh viên tuần nào cũng đi xe buýt xa mấy chục cây số đến lớp bộc bạch. Và nhiều nữa là: “Em hiểu tấm lòng của cô/ Em bị sức ỳ và sự lười biếng cản trở/ Ánh mắt và giọng nói rất buồn của cô đã thức tỉnh em/ Cô đừng bỏ việc nhé...”. Những bức thư ấm áp ấy như liều aspirin làm giảm cơn đau nhanh chóng khác thường. Nhưng đã trải qua vài lần như thế, tôi hình dung ra ngay lúc “hết thuốc” thì thế nào. Tôi sẽ lại quay về với vòng luẩn quẩn băn khoăn mỗi sớm mai chuẩn bị đi làm: Tôi sẽ còn giữ ngọn lửa với nghề dạy này được bao lâu nữa? Mà giữ để làm gì nhỉ, khi giảng đường ngày càng tẻ nhạt với những cặp mắt vô hồn và ít thật lòng hơn. Sao lại là tôi phải chịu đựng hậu quả của sự lầm đường lạc lối do sinh viên đã chọn nhầm nghề gây ra? Một học kỳ dài đã qua nặng trĩu như thế, liệu có đủ để làm động lực khiến tôi rời bỏ công việc mà tôi đã quen làm hơn chục năm qua? Một năm rồi tôi chứng kiến lần lượt từng giảng viên trong bộ môn của mình ra đi tìm công việc khác dễ chịu hơn. Tôi như viên pin cạn kiệt, chỉ còn sự trống rỗng và hoang mang, có lẽ cũng chẳng kém gì tâm trạng của những học trò tôi vừa nói lời từ biệt. Tags: Hết lửa ở giảng đường
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.