09/08/2018 15:18 GMT+7

Hết lai rai sau 22h?

LAN ANH - DIỆU AN - MAI QUÝ HƯNG
LAN ANH - DIỆU AN - MAI QUÝ HƯNG

TTO - Tới đây, quý ông có tật lai rai đến đêm khuya sẽ phải bỏ thói quen mua rượu bia sau 22h, nếu dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia được thông qua khi trình Quốc hội vào tháng 10.

Hết lai rai sau 22h? - Ảnh 1.

Một thiếu niên dưới 18 tuổi đi mua bia ở một cửa hàng tạp hóa tại Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Đông

Dự thảo luật quy định nhiều khu vực cấm bán rượu bia, đồng thời từ 22h-6h sáng cũng sẽ không được bán rượu bia, ngoại trừ một số địa điểm du lịch do Chính phủ quy định. 

Bà TRẦN THỊ TRANG - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thành viên tổ biên tập dự án luật - chia sẻ với Tuổi Trẻ:

- Có ba điểm tôi cho là quy định rất mạnh trong dự thảo là hạn chế quảng cáo bia, quy định khoản đóng góp bắt buộc 50-100đ/lít rượu bia bán ra để phòng chống tác hại rượu bia và quy định các địa điểm cấm bán cùng với giờ cấm bán rượu bia. 

Nếu thực hiện tốt các quy định này, chúng tôi hi vọng 5 năm sau khi có luật sẽ giảm được 2-3% lượng rượu bia tiêu thụ, tương tự như 5 năm sau khi có Luật phòng chống tác hại thuốc lá, số người hút thuốc đã giảm 2,1%.

* Điều bà thấy lo ngại nhất về tình hình tiêu thụ, sử dụng rượu bia là gì, thưa bà?

- Chỉ sau vài năm thì lượng đồ uống có cồn được sử dụng đã tăng từ 6,6 lít/người/năm lên 8,3 lít/người/năm (quy đổi ra cồn nguyên chất) và nghiêm trọng nhất là lượng bia sử dụng gia tăng rất nhanh. 

Năm 2011 VN tiêu thụ hết 2,7 tỉ lít bia, thì năm 2017 con số này là 4 tỉ lít! Trong khi đó, tính cả rượu thủ công lẫn rượu công nghiệp, mỗi năm người sử dụng cũng uống đến 320-350 triệu lít nữa. Nhiều người nghĩ uống bia không hại bằng rượu, nhưng bia cũng có cồn và cũng có hại.

* Căn cứ nào bà cho rằng giảm được lượng rượu bia tiêu thụ nhờ các quy định trong luật trong khi người dùng rượu bia vẫn đang rất lớn, giá rượu bia ở VN lại quá rẻ, chỉ trên dưới 10.000 đồng/lon bia?

Nếu so với giá rượu bia ở nước ngoài thì giá rượu bia ở VN chỉ bằng 1/2 hoặc 2/3, điều này xuất phát từ việc thuế rượu bia ở VN còn thấp, chỉ 65% giá thành sản xuất, tương đương trên 30% giá bán lẻ, trong khi trên thế giới quốc gia đánh thuế cao nhất là 85% giá bán lẻ. 

Trong khu vực, Thái Lan cũng đánh thuế rượu bia rất cao, họ áp thuế tiêu thụ đặc biệt và nhiều loại thuế khác lên rượu bia.

Ở VN, nếu dự luật được thông qua (trong đó có quy định về khoản thuế bắt buộc 50-100đ/lít rượu bia bán ra), công thức là cứ tăng thuế rượu bia 10% thì sức mua rượu bia sẽ giảm 4-4,5%. 

Giải pháp từ kinh nghiệm phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy tăng thuế thì sản lượng có giảm. Người ta vẫn có thể uống, nhưng sẽ uống ít hơn trước.

* Có ý kiến bàn luận việc có nên lập quỹ phòng chống tác hại rượu bia hay không, hay làm sao để các quy định cấm bán rượu bia cho trẻ dưới 18 tuổi, có giờ cấm bán rượu bia... thực hiện được trong thực tế?

Qua lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ cho thấy có 16/24 vị đồng thuận với đề nghị thành lập quỹ phòng chống tác hại rượu bia. 

Trước đây, khi chưa có quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, việc phòng chống tác hại thuốc lá rất khó khăn vì không có kinh phí. Nay thì ý thức người dân đã cải thiện nhiều, người hút thuốc lá cũng giảm.

Về quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, quan điểm của chúng tôi là tuyên truyền cho người bán, nếu phát hiện họ làm sai thì xử phạt. 

Sau khi có Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ sửa quy định về xử phạt hành chính và có mức phạt hành vi bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Các địa điểm bán rượu bia sau 22h cũng như vậy.

WHO đề nghị 3 giải pháp

Mới đây, tại cuộc họp chuyên đề nhóm đối tác y tế ở Hà Nội để tham vấn dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, TS Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết hậu quả về mặt xã hội do sử dụng rượu bia gây ra chiếm 1,3-3,3% GDP của Việt Nam.

Theo đó, WHO cho biết ước tính trung bình một người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất (lượng rượu bia quy đổi) năm 2016 - cùng mức với Thái Lan. Các nước khác trong khu vực tiêu thụ ở mức thấp hơn.

Theo WHO, lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Trong số nam giới uống rượu bia, mức tiêu thụ đã tăng 15% vào năm 2015 so với 2010. WHO chỉ ra tiêu thụ nhiều rượu bia là nguyên nhân gây ra khoảng 79.000 trường hợp tử vong tại Việt Nam năm 2016.

Ngoài ra, hàng trăm ngàn người phải điều trị các căn bệnh do dùng rượu bia gây nên.

WHO kiến nghị ba giải pháp để kiểm soát tác hại của rượu bia ở Việt Nam, bao gồm:

1 Chính sách giá đối với rượu bia: các bằng chứng cho thấy tăng giá rượu bia cho thấy hiệu quả trong việc giảm tác hại của rượu bia đối với người uống nói chung và người trẻ nói riêng. Theo đó, số tử vong do rượu bia gây ra cũng sẽ giảm.

2 Hạn chế tiếp cận rượu bia: Giải pháp chính sách này có thể bao gồm kiểm soát mật độ các cửa hàng rượu bia thông qua việc cấp phép chặt chẽ hơn; hạn chế các ngày và các giờ được phép bán rượu bia, quy định độ tuổi tối thiểu được phép mua rượu bia.

3 Điều chỉnh quảng cáo: quảng cáo rượu bia gây ảnh hưởng đến giới trẻ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra người trẻ xem quảng cáo rượu bia thì nhiều khả năng họ sẽ bắt đầu uống rượu bia hoặc uống nhiều hơn.

Do đó, kiểm soát hoặc cấm quảng cáo rượu bia có thể làm giảm tỉ lệ tiêu thụ rượu bia.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia và đồ uống có cồn khác của Bộ Y tế dự kiến được trình Quốc hội xem xét vào tháng 10 năm nay.

WHO cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam và các đối tác để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết, giúp Việt Nam phát triển và thực thi các chính sách ngăn ngừa tác hại của việc sử dụng rượu bia.

Tăng nguy cơ tử vong nếu dùng nhiều rượu bia

Nghiên cứu mới đây cho rằng có sự liên quan giữa việc sử dụng thức uống chứa cồn (rượu bia) và nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, bắt đầu ở mức tiêu thụ thấp hơn nhiều so với quan niệm trước đây.

Tiến sĩ Angela M. Wood thuộc Đại học Cambridge (Anh) đã sử dụng dữ liệu từ Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ và cho thấy khoảng 37 triệu người Mỹ, tương đương 1/6 người trưởng thành, uống rượu bia nhiều đều đặn.

Sử dụng rượu bia quá mức là nguyên nhân của 88.000 trường hợp tử vong hằng năm ở Mỹ.

Phụ nữ sắp

TTO - Số lượng phụ nữ sử dụng chất cồn đang có chiều hướng tăng, nhưng các nghiên cứu cảnh báo đó chỉ là phần nổi của băng chìm.

LAN ANH - DIỆU AN - MAI QUÝ HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên