Dẫu biết có thể những câu chuyện trên là cá biệt nhưng một lần nữa, bạn đọc Tuổi Trẻ đề cập đến ứng xử của nhà giáo trong môi trường giáo dục cần chuẩn mực hơn nữa.
Khó nhất của nghề dạy học
Nhà giáo giận trò khi lên lớp, giờ hoạt động trải nghiệm sao tránh khỏi. Vấn đề nằm ở chỗ kiểm soát cảm xúc và sâu xa hơn là phương pháp giáo dục học sinh. Tuổi học trò đúng đó rồi sai đó, nhớ đó rồi quên đó, đòi hỏi thầy cô thấu hiểu, ân cần hướng dẫn các em. Trong bất kỳ tình huống nào, tuyệt đối không tìm cách thắng học sinh.
Khó nhất của nghề dạy học không phải truyền thụ kiến thức, mà cần lắm sự hy sinh vô bờ của người thầy. Từng là hiệu phó, hiệu trưởng trường THPT nhiều năm, tôi biết đâu đó ở trường học có một, hai thầy cô "bắt nạt" học sinh.
Ứng xử với các em cộc cằn hoặc mỉa mai sâu cay khiến trò bức xúc. Số thầy cô này như "bom nổ chậm", gặp tình huống mà trò trái ý, y như rằng "cháy" lớp học. Lãnh đạo trường thường ngại va chạm với thầy cô "cá biệt" vì sợ vạ lây. Cách này dĩ nhiên dẫn đến hậu quả khó lường.
Muốn học đường thân thiện, cần nhiều biện pháp, trong đó giúp giáo viên không rơi vào điểm "hung" khi xử lý "ngựa chứng trong sân trường". Họp giáo viên, sinh hoạt tổ (nhóm) chuyên môn, câu chuyện dưới cờ (mỗi sáng thứ hai chào cờ đầu tuần), hiệu trưởng, hiệu phó chia sẻ chuyện giáo dục...
Lúc thẳng thắn, lúc sâu lắng, khi nói chung với hội đồng sư phạm, khi trao đổi riêng, ban hành quy định ứng xử trong trường học (thầy cô với thầy cô, thầy cô với học sinh, thầy cô với phụ huynh, học sinh với học sinh).
Trong quản trị trường học, ban giám hiệu cần chú trọng xây giá trị cốt lõi, rèn đội ngũ nhà giáo trách nhiệm, tâm huyết, sống khoan dung.
Ngăn ngừa tình huống xấu
Hiệu trưởng lường trước tình huống xấu có thể xảy ra để ngăn ngừa. Không nhiều điểm "nóng" dẫn đến bùng nổ trong trường, nên nếu sâu sát, xử lý dứt khoát, kịp thời, hiệu trưởng giữ được trường mình bình yên.
Với học sinh, nhất là cấp THPT, đừng thụ động. Tình huống vừa rồi tại lớp 12D4 Trường THPT Đa Phúc (Hà Nội) nếu các em khéo động viên bạn lúc ấy, vỗ về cô khi đang giận vì chiếc bánh sinh nhật không vừa lòng, tôi tin việc xấu tệ không xảy ra. Thầy cô cần học trò vỗ về, động viên. Tình cảm thầy trò đong đầy, mỗi ngày đến trường thôi không còn bắt nạt nhau, chuyện túm cổ áo, kéo lê nữ sinh, mắng trò là "chó" làm gì có ở lớp học.
Ban đại diện cha mẹ học sinh, theo chức năng của mình, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, ban giám hiệu để con em mình đến trường an vui. Có nhiều kênh phụ huynh dùng góp ý cho nhà trường. Sau vài ngày học ở lớp, phụ huynh - qua con em - biết rõ thầy cô dạy học thế nào rồi! Có bất an phải nhanh chóng bàn bạc trong ban đại diện cha mẹ học sinh, thống nhất tiếng nói chung, đưa ra kiến nghị để thầy cô thay đổi phương pháp giảng dạy, giáo dục.
Lãnh đạo các trường cần hiểu xã hội hóa giáo dục không chỉ quanh quẩn chuyện thu tiền. Nội hàm xã hội hóa giáo dục là huy động mọi nguồn lực (tinh thần, vật chất) để nhà trường dạy tốt, chứ không phải khiến môi trường học đường nặng nề chuyện phản cảm, hội phụ huynh thành hội… phụ thu.
Bộ GD-ĐT sau khi nhận báo cáo cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung những thông tư liên quan, như điều lệ nhà trường, xây dựng đạo đức nhà giáo, dạy thêm học thêm để chấn chỉnh kịp thời, xử nghiêm cá nhân vi phạm chuẩn mực nghề nghiệp, phòng chống bắt nạt học đường (học sinh và giáo viên).
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa sẽ không thành công khi đội ngũ nhà giáo non phẩm cách và nông năng lực. Sự chung tay trước hết từ ban giám hiệu, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh - tất cả cho mỗi ngày đến trường là một ngày vui - con đường của trường học hạnh phúc.
Xử lý không tốt tình huống sư phạm
Việc cô giáo túm cổ áo học sinh trong trường hợp nào cũng không chấp nhận được. Hành vi của cô giáo là phản giáo dục, phản sư phạm. Trường hợp học sinh có lỗi cũng không được như vậy. Việc cô giáo cần làm là khuyên học sinh đến gặp ban tư vấn tâm lý học đường để trao đổi thêm với em. Đó mới là giáo dục kỷ luật tích cực trong nhà trường.
Chúng ta đang cố gắng xây dựng trường học hạnh phúc, thầy cô cần tạo môi trường để các em được học tập, vui chơi an toàn, an tâm. Hành vi của cô giáo xuất phát từ việc chưa kiềm chế bản thân và xử lý chưa tốt tình huống sư phạm. Giáo viên là người trực tiếp dạy dỗ học sinh. Chính vì vậy, mọi việc làm của giáo viên phải chuẩn mực và tạo ra môi trường ứng xử văn hóa, lành mạnh.
Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
Vẫn còn giáo viên chửi bới, mắng học sinh
Thực tế ở một số trường học vẫn còn giáo viên dùng hình phạt chửi bới, mắng nhiếc, đòn roi khi dạy học sinh.
Tôi nghĩ rằng thầy cô đã chọn nghề dạy học, trước khi cư xử với học trò hãy nhớ các em đang cần chúng ta yêu thương, dạy bảo nên người. Giáo viên phải biết giáo dục bằng phương pháp tình cảm để cảm hóa học sinh, tuyệt đối không làm gì sai trái với điều lệ và nội quy nhà trường. Đừng để học sinh khi đối diện với thầy cô mà luôn tỏ thái độ dè dặt, sợ hãi, khó gần gũi.
Ngồi trên ghế nhà trường, học sinh chứng kiến thầy cô bạo lực cũng làm các em tiêm nhiễm thói xấu. Những việc như vậy cũng góp phần ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng, nhân cách của các em.
Trần Văn Tám (Củ Chi, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận