15/11/2021 20:49 GMT+7

Hết hạn hợp đồng lao động ở Hàn Quốc không chịu về: Khổ lây nhiều người

LÊ MINH
LÊ MINH

TTO - Người dân ở một số huyện của Hà Tĩnh sang Hàn Quốc lao động khi hết thời hạn không về nước mà bỏ ra ngoài làm việc, điều này dẫn đến phía Hàn Quốc tạm thời ngừng tuyển chọn lao động tại các huyện này.

Hết hạn hợp đồng lao động ở Hàn Quốc không chịu về: Khổ lây nhiều người - Ảnh 1.

Một góc có nhiều ngôi nhà khang trang tại xã Cương Gián, nơi có nhiều lao động đang làm việc tại Hàn Quốc - Ảnh: LÊ MINH

Bộ Lao động - thương binh và xã hội vừa thông báo về việc tạm dừng tuyển chọn lao động tham gia chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS) năm 2021 tại một số địa phương có tỉ lệ cư trú bất hợp pháp vượt ngưỡng cho phép.

Việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại địa phương năm 2021 áp dụng tại các địa phương như năm 2020 (quận/huyện có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 28% trở lên và có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 53 người trở lên).

Tại Hà Tĩnh, có hai huyện là Nghi Xuân và huyện Kỳ Anh phải tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS năm 2021.

Ông Hoàng Văn Hà - chủ tịch UBND xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân - cho hay toàn xã hiện có 2.611 công dân lao động ở nước ngoài, trong đó phần lớn đang lao động tại Hàn Quốc. Địa phương cũng có người dân hết hợp đồng lao động nhưng chưa về nước.

Với địa phương, xuất khẩu lao động là mũi nhọn của kinh tế. Trung bình mỗi người lao động tại Hàn Quốc gửi về quê nhà khoảng 1.000 - 1.200 USD/tháng. Mỗi năm địa phương này có từ 250 - 300 người có nhu cầu sang Hàn Quốc lao động.

Người dân khi đi lao động tại Hàn Quốc đều ký quỹ 100 triệu đồng/người. Tuy nhiên, khi hết hạn hợp đồng họ trốn ra ngoài, tiền lương cao nên họ chấp nhận mất 100 triệu đồng tiền ký quỹ để ở lại.

Hết hạn hợp đồng lao động ở Hàn Quốc không chịu về: Khổ lây nhiều người - Ảnh 2.

Người dân xã Cương Gián cho rằng các công dân hết hạn hợp đồng không về nước dẫn đến phía Hàn Quốc tạm ngừng tuyển chọn lao động tại địa phương khiến con em họ mất đi cơ hội sang lao động tại Hàn Quốc - Ảnh: LÊ MINH

Ông Đinh Văn Nam - trưởng Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện Nghi Xuân - cho biết để giải quyết vấn đề lao động hết hợp đồng nhưng không về quê, huyện Nghi Xuân thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân của các công dân đang lao động tại Hàn Quốc tuân thủ hợp đồng và về nước đúng thời hạn. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa mấy khả thi.

Ông Nam cũng thừa nhận chế tài xử lý lao động đang dừng ở mức hành chính, chưa đủ sức răn đe, nhất là đối với những người thu nhập cao khi lao động ở Hàn Quốc.

Một lãnh đạo Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện Kỳ Anh cũng cho biết toàn huyện có hơn 11.000 công dân đang lao động ở nước ngoài. Trong đó có hơn 2.000 người lao động tại Hàn Quốc. Tính từ năm 2019 đến nay, địa phương này có 97 người hết hợp đồng lao động tại Hàn Quốc nhưng vẫn chưa trở về quê.

Hơn 2.300 lao động Việt đi Hàn Quốc xong hợp đồng không chịu về nước Hơn 2.300 lao động Việt đi Hàn Quốc xong hợp đồng không chịu về nước

TTO - Dù đã hết thời hạn hợp đồng lao động ở Hàn Quốc nhưng hơn 2.300 lao động quê Nghệ An không chịu về nước mà ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp.

LÊ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên