27/11/2018 06:31 GMT+7

Hẹp bao quy đầu ở trẻ, khi nào cần can thiệp?

ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG
ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG

TTO - Hẹp bao quy đầu ở trẻ em nam là một vấn đề thường gặp. Tuy nhiên, đa số hẹp bao quy đầu lại là hiện tượng bình thường và hầu hết sẽ tự tách ra khi trẻ lớn.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ, khi nào cần can thiệp? - Ảnh 1.

Hẹp bao quy đầu là gì?

Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu phủ trên "bạn nhỏ" (dương vật) bị "dính", thắt chặt, không thể kéo tuột xuống được. Khoảng 96% trẻ sơ sinh nam khi sinh ra bị hẹp bao quy đầu.

Có 2 dạng hẹp bao quy đầu: hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý.

- Hẹp bao quy đầu sinh lý: chiếm hầu hết các trường hợp, là do sự phát triển bình thường của các kết dính bẩm sinh giữa bao quy đầu và quy đầu.

- Hẹp bao quy đầu bệnh lý: ít gặp hơn (<16%), bao quy đầu bị dính sau khi bị viêm nhiễm, gây sẹo xơ.

Bác sĩ cần khám để phân biệt 2 dạng này để có hướng can thiệp phù hợp. Khi ba mẹ đưa con đi khám sức khỏe, nếu là bé trai nên nhờ bác sĩ kiểm tra giúp.

Chăm sóc thế nào?

Theo thời gian, bao quy đầu sẽ tự tuột ra khi trẻ khoảng 1 tuổi, hầu hết sẽ bình thường khi trẻ 4 tuổi, một số ít muộn hơn đến khi trẻ dậy thì.

Cha mẹ và người chăm sóc cần biết cách vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, để ngăn ngừa viêm nhiễm gây ra hẹp bao quy đầu bệnh lý.

- Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: chú ý thay tã thường xuyên, tránh bị hăm tã và gây kích ứng da. Rửa bộ phận sinh dục khi tắm mỗi ngày.

- Không nên cố gắng tuột mạnh bao quy đầu của trẻ vì nguy cơ rách, chảy máu, sẽ gây xơ hóa sau này dẫn đến hẹp bao quy đầu bệnh lý.

- Ba mẹ chỉ cần kéo nhẹ nhàng bao quy đầu của trẻ xuống, khi bao quy đầu trẻ đã tuột được (một phần hoặc hoàn toàn), ba mẹ có thể rửa và lau khô.

Sau đó, ba mẹ nhớ kéo bao quy đầu trở lại bình thường phủ lên đầu dương vật, nếu không sẽ gây nghẹt bao quy đầu.

Nghẹt bao quy đầu: là tình trạng bao quy đầu không thể kéo lên về bình thường để che phủ quy đầu, bị nghẹt và phù nề, sưng đỏ, nguy cơ hoại tử. Nếu bị nghẹt bao quy đầu, cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay.

- Khi trẻ lớn hơn, hướng dẫn trẻ cách tự làm vệ sinh "bạn nhỏ".

Những mảng trắng dưới da bao quy đầu là gì?

Giữa bao quy đầu và quy đầu có một lớp dịch ẩm (gọi là smegma) giúp "bóc tách" tự nhiên để bao quy đầu có thể tuột lên được.

Trong lớp dịch này có các tế bào biểu mô của bao quy đầu tróc ra và tích tụ hình thành những "mảng trắng". Những mảng này dễ dàng được rửa sạch khi tuột bao quy đầu xuống.

Tuy nhiên, nếu những mảng trắng không được làm sạch có thể sẽ gây viêm quy đầu khiến cho trẻ thấy ngứa, khó chịu, sưng đau dương vật.

Hẹp bao quy đầu điều trị như thế nào?

Điều trị hẹp bao quy đầu khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và mức độ nghiêm trọng của hẹp bao quy đầu.

Điều trị có thể bao gồm: tuột bao quy đầu nhẹ nhàng hàng ngày, bôi thuốc mỡ corticosteroid tại chỗ, nong bao quy đầu hoặc cắt bao quy đầu.

Khi nào cần cắt bao quy đầu?

Cắt bao quy đầu thường không cần thiết trong điều trị hẹp bao quy đầu.

Cắt bao quy đầu có thể được chỉ định khi:

- Hẹp bao quy đầu bệnh lý,

- Viêm da quy đầu nặng hoặc tái phát, thất bại với điều trị thuốc bôi tại chỗ,

- Nghẹt bao quy đầu, không thể tuột lên về bình thường,

- Nhiễm trùng tiểu tái phát do hẹp bao quy đầu.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám hẹp bao quy đầu?

- Dương vật bị ngứa, đỏ và sưng,

- Trẻ tiểu khó, phải rặn,

- Đầu dương vật trẻ bị chảy mủ hoặc dịch bất thường,

- Bao quy đầu bị phồng lên khi trẻ đi tiểu,

- Trẻ bị sốt kéo dài không tìm ra nguyên nhân gây sốt thông thường.

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: [email protected]. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.
ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên