Cô lợn rừng Rachel ở Seattle - Ảnh: PHÚC TIẾN
Ai đã “thả rông” mấy “ông trư” trên phố, để trẻ con và người lớn hớn hở vây quanh, thích thú chụp hình đủ kiểu?
Heo trên phố đi bộ
Hóa ra, đó là nhóm tượng đồng bốn chú heo trên phố đi bộ Rundle Mall, ở trung tâm thành phố Adelaide - thủ phủ bang Nam Úc. Bốn anh chàng Hợi này đã có mặt ở đây 10 năm. Chú bươi rác tên là Oliver. Chú ngồi xổm là Horatio.
Hai chú còn lại là Truffles và Augusta. Tên các chú là do người dân đặt, thông qua một cuộc thi đề cử đàng hoàng, trở thành biểu tượng cho nông nghiệp và thực phẩm trù phú của xứ Nam Úc.
“Mẹ” các chú là bà Marguerite Derricourt, một nhà điêu khắc Úc gốc Nam Phi, giành giải nhất cuộc thi toàn quốc làm nhóm tượng này. Còn “ba” các chú là Hội đồng thành phố, nơi đã quyết định đặt làm nhóm tượng heo này nhân dịp họ chỉnh trang khu phố đi bộ.
“Trang trại” của các chú - phố đi bộ Rundel Mall - ra đời từ năm 1976. Đến Adelaide thì phải biết tới Rundle Mall. Con phố chỉ dài hơn 500m mà hai bên có hơn 1.000 cửa hàng lớn nhỏ.
Không chỉ giàu có hàng hóa, con phố còn giàu có văn hóa và lịch sử, với nhiều tòa nhà lộng lẫy kiểu Victoria thế kỷ 19, đan xen những tòa nhà đương đại xinh đẹp, với vô số tiệm cà phê, nhà sách, thư viện và các hoạt động văn nghệ ngoài trời.
cụm tượng 4 chú heo ở Adelaide - Ảnh: PHÚC TIẾN
Heo quyên tiền ở chợ
Nghe nói “mẹ” của bốn chú heo Rundle Mall lấy cảm hứng từ chú heo mang tên Porcellino nổi tiếng ở xứ Florence nước Ý. Bức tượng đồng Porcellino là một con heo rừng đồ sộ, biểu tượng cho lịch sử thành phố và du lịch lâu đời của xứ Florence.
Cách Adelaide nửa vòng trái đất, tôi lại gặp được một “cô Hợi” mang tên Rachel ở ngay cửa chính ngôi chợ Pike nổi tiếng tại thành phố cảng Seattle, Tây Bắc nước Mỹ. Lần nào đến tôi cũng thấy trẻ em và người lớn tíu tít vây quanh Rachel.
Ngôi chợ Pike ra đời năm 1907, nằm sát bờ vịnh, được coi là ngôi chợ cổ nhất nước Mỹ vẫn còn hoạt động. Tại đây bán nhiều loại hải sản, nông sản, đồ lưu niệm đa dạng. Xế cửa chợ, có tiệm cà phê đầu tiên của hệ thống Starbucks, xuất hiện năm 1971, nay đã trở thành cổ tích.
Rachel “chào đời” năm 1986, nhân dịp ngôi chợ kỷ niệm 79 tuổi. Cô dài khoảng 1m, nặng đến 250kg, trên cổ có khe bỏ tiền. Rachel không chỉ làm biểu tượng du lịch mà còn là tủ tiền công đức cho ngôi chợ, mỗi năm cô “quyên” được khoảng 9.000 USD từ du khách thập phương, với đủ loại giấy bạc, đồng xu các nước.
Số tiền này đều dùng cho từ thiện. Có lẽ thấy Rachel “cô đơn”, cùng năm ấy, ban quản lý chợ Pike đặt làm thêm một tượng đồng một con heo mang tên Billie, đặt ở một cổng khác của chợ. Cả Rachel và Billie đều trở thành điểm đến và điểm hẹn không thể thiếu của đông đảo người dân và du khách.
Những thú cưng trên phố mang dáng vẻ vui vẻ, thịnh vượng như bốn con heo ở Rundle Mall, hai con heo ở chợ Pike... cũng không hiếm thấy, nhiều nước như Anh, Mỹ, Hà Lan, Nhật đều có những tượng đồng heo tương tự.
Con heo đối với những người dân ở đây không liên quan đến những việc dơ bẩn, sai trái, lộn xộn. Ngược lại, vẻ hiền hòa, dáng tròn trĩnh, gương mặt hồn nhiên đã làm cho heo trở thành biểu tượng cho sự hiếu khách, thanh bình, biểu tượng cho nông nghiệp, du lịch và niềm vui nhân ái.
Nhìn những bức tượng con heo cũng như tượng con bò, con trâu, con gà ở rải rác một số nước, điều mà Việt Nam - một nước nông nghiệp - vẫn chưa thấy, tôi thầm cảm ơn đôi mắt sáng tạo của các nghệ sĩ, cảm ơn tấm lòng nhân văn của người dân đã nhắc nhở chúng ta thương yêu, quý trọng thiên nhiên phong phú mà tạo hóa đã ban tặng cho trái đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận