20/04/2020 09:32 GMT+7

Hệ thống y tế từ xa: Đừng khai trương rồi... để đó

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Một bệnh nhân nguy kịch tại Quảng Ninh được Bệnh viện Đa khoa tỉnh cứu sống nhờ ca phẫu thuật qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine kết nối trực tuyến với các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.

Bệnh nhân từ huyện miền núi Mường Khương (Lào Cai), từ vùng nông thôn Nông Cống (Thanh Hóa) được trực tiếp chẩn đoán, tư vấn điều trị từ các chuyên gia của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội qua nền tảng chẩn đoán bệnh từ xa do Tập đoàn Viettel phát triển…

Nhiều năm nay, chúng ta đã nói nhiều đến bệnh viện online, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử, kết nối liên thông giữa bệnh viện các tuyến, y học gia đình, nhưng các chuyển biến trên thực tế vẫn chậm chạp.

Nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, dịch bệnh COVID-19 như một "cú hích" đã thúc đẩy cả ngành y tế đến lựa chọn phải chuyển đổi số, nhanh nhất có thể. Việc đẩy nhanh triển khai những ứng dụng giúp chẩn đoán, điều trị từ xa sẽ trực tiếp giảm tải cho các bệnh viện trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp. 

Xa hơn, những ứng dụng chẩn đoán, khám bệnh, tư vấn điều trị từ xa sẽ giúp các cơ sở y tế thực sự chuyển mình, sử dụng công nghệ để giảm tải ngay cả khi đã hết dịch bệnh.

Hơn thế nữa, với sự phát triển của công nghệ, sự kết nối trực tuyến từ bệnh viện tuyến trên, từ các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu có thể giúp các bệnh viện tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa xử lý được cả những ca phẫu thuật phức tạp như Bệnh viện Việt Đức vừa hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh qua Telemedicine trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành và phải thực hiện cách ly xã hội giữa các tỉnh, thành.

Việt Nam có thuận lợi là có những doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin lớn mạnh, có hạ tầng rộng khắp toàn quốc, có nguồn lực tài chính và nhân lực, có thể tạo ra những hạ tầng mang tính nền tảng giúp cho chuyển đổi số nhanh những lĩnh vực lớn và quan trọng như y tế. 

Ví dụ như chỉ mất một tuần từ khi Thủ tướng chỉ đạo về việc triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa đến xã phường, quận huyện, VNPT đã đưa ra được giải pháp, sản phẩm VnCare phục vụ cho quy trình khám bệnh từ xa của các bệnh viện.

Nhưng để việc sử dụng những ứng dụng từ xa thực sự đến được với người dân và hệ thống y tế cả nước, trước mắt chúng ta còn không ít khó khăn mà chỉ bằng "mong muốn" sẽ không thể làm được.

Đó là người bệnh đòi hỏi phải có smartphone đáp ứng được yêu cầu cài đặt phần mềm, trong khi đối tượng bệnh nhân là người cao tuổi, người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… chiếm tỉ lệ cao. Hệ thống bệnh viện cần một sự đồng bộ hóa từ tuyến trên đến tuyến dưới đáp ứng việc triển khai mô hình khám bệnh từ xa một cách lâu dài. 

Đồng thời, việc khám chữa bệnh từ xa cũng cần có những quy định rõ ràng, đầy đủ về mặt pháp lý, được bổ sung vào Luật khám chữa bệnh…

Tất cả những điều này cần các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục có những hành động quyết liệt, thiết thực hơn, đừng chỉ dừng lại ở việc khai trương để giới thiệu sản phẩm rồi... thôi!

Tránh lây nhiễm bằng việc chẩn đoán bệnh từ xa Tránh lây nhiễm bằng việc chẩn đoán bệnh từ xa

TTO - Sáng 18-4 tại Bộ Thông tin - truyền thông, chương trình thí điểm chẩn đoán bệnh từ xa khai trương với bốn điểm cầu đầu tiên từ các vùng miền khác nhau được kết nối với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên