Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: DANH TRỌNG
Sáng 21-12, Bộ Công an tổ chức hội nghị Phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số và đảm bảo an ninh thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số tại Việt Nam.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, trung tướng Nguyễn Minh Chính - cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05 - Bộ Công an) - cho biết hiện nước ta có 70 triệu người sử dụng Internet (tương ứng với 70% dân số) với 154 triệu thiết bị kết nối Internet. Cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh với 68 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook.
Bối cảnh này đặt ra khó khăn, thách thức lớn trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Theo cục trưởng A05, tội phạm trên không gian mạng thời gian qua diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn tinh vi. Hoạt động tuyên truyền, phát tán thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, tin giả, tin xấu, tin sai sự thật xâm phạm, tác động đến tư tưởng người dân.
Các đối tượng xấu đang triệt để lợi dụng tính lan tỏa nhanh, tính ẩn danh, xuyên biên giới của các nền tảng mạng xã hội, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Trong năm 2021, thời điểm nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng cùng với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã phối hợp xử lý hơn 1.100 mục tiêu trọng điểm, với hơn 2,3 triệu tin bài có nội dung vi phạm pháp luật, thu hút hơn 9,4 triệu lượt tương tác của người dùng trên không gian mạng.
Theo trung tướng Nguyễn Minh Chính, năm 2021, Bộ Công an đã ghi nhận, phân tích gần 8 triệu cảnh báo liên quan đến hoạt động tấn công mạng, qua đó phát hiện, xác minh 2.763 cuộc tấn công mạng nhằm vào các trang cổng thông tin điện tử trong nước (tăng 26% so với năm 2020).
Hoạt động tấn công mạng, mã hóa dữ liệu để tống tiền, nhóm xuyên tạc có xu hướng gia tăng gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Mục tiêu của các hoạt động này tập trung chủ yếu vào hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng mạng của các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước, tiềm lực ngân hàng, dầu khí…
Bên cạnh đó, tình trạng thu thập, xâm nhập trái phép thông tin dữ liệu của các tổ chức, cá nhân để rao bán trên các diễn đàn, trang mạng xã hội diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, Bộ Công an đã đấu tranh triệt phá nhiều chuyên án với các hoạt động này, qua đó khởi tố vi phạm hành chính hàng chục người, vô hiệu hóa hàng trăm hệ thống trang web chuyên thu thập dữ liệu cá nhân trái phép. Thu giữ gần 1.400GB dữ liệu cá nhân bị các nghi phạm thu thập, chiếm đoạt, sử dụng trái phép.
Đáng chú ý, năm 2021, qua kiểm tra an ninh hệ thống mạng tại 26 cơ quan, đơn vị địa phương, Bộ Công an phát hiện nhiều hệ thống thông tin mạng của các đơn vị tồn tại những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, bị tấn công bằng nhiều mã độc, phần mềm gián điệp nguy hiểm.
"Bộ Công an cũng đã phát hiện 30 vụ lộ, mất bí mật Nhà nước với 220 đầu tài liệu được lưu trữ qua hệ thống quản lý văn bản trên trang cổng thông tin điện tử.
Bộ Công an còn phát hiện một số ứng dụng phòng, chống COVID-19 xây dựng gấp chưa có cơ chế quản lý, đánh giá thiết kế để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin dẫn đến nguy cơ bị lộ, lọt thông tin cá nhân", trung tướng Chính cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận