Hệ thống THAAD của Mỹ trong một lần bắn thử thành công - Ảnh: REUTERS
Ngày 4-9, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã quyết định đồng ý có điều kiện việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc,
Quyết định này như vậy đã dỡ bỏ rào cản hành chính để tạo điều kiện cho việc triển khai đầy đủ hệ thống phòng thủ này bất chấp sự phản đối của cư dân địa phương.
Hàn Quốc đã gật đầu
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin cho biết bộ trên đã đưa ra quyết định sau khi nhận kết quả đánh giá các tác động môi trường của Bộ Quốc phòng tại nơi triển khai THAAD ở thị trấn Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, vốn là một sân golf nằm cách thủ đô Seoul gần 300km về phía Đông Nam.
Bộ Môi trường sẽ chính thức thông báo quyết định của mình trong chiều nay 4-9.
Tháng trước, Bộ Quốc phòng đã công bố kết quả đánh giá tác động âm thanh và phóng xạ từ trường mà THAAD có thể gây ra tại Seongju và kết luận rằng các tác động tiềm ẩn về môi trường của THAAD là "hạn chế", theo đó mức phóng xạ và ô nhiễm tiếng ồn được phát hiện thấp hơn hoặc bằng các mức tiêu chuẩn thông thường.
Dựa vào kết luận trên, Bộ Môi trường dự kiến sẽ công bố quyết định đồng ý triển khai THAAD với điều kiện tiếp tục giám sát tăng cường nhằm xoa dịu những lo ngại của người dân địa phương.
Sau khi lắp đặt xong 2 trong số 6 bệ phóng tên lửa đánh chặn của khẩu đội THAAD ở Seongju đầu năm nay, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã yêu cầu tiến hành một cuộc khảo sát khác về tác động của THAAD đến môi trường với quy mô lớn hơn, khiến việc triển khai số bệ phóng còn lại bị đình trệ.
Tuy nhiên, ông Moon đã thay đổi quan điểm và quyết định hoàn tất việc triển khai toàn bộ các bệ phóng thuộc THAAD sau khi Triều Tiên phóng thử 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong tháng 7 vừa qua, và gần đây nhất là vụ phóng tên lửa qua đầu Nhật Bản sáng 29-8 và thử hạt nhân trưa 3-9.
Sĩ quan Mỹ giới thiệu với truyền thông về vận hành của một dàn phóng THAAD trên xe chuyên dụng - Ảnh: MDA
THAAD chặn được tên lửa Triều Tiên không?
Hệ thống THAAD được thiết kế nhằm đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung dưới 3.000 km, trong giai đoạn rơi xuống bầu khí quyển ở độ cao 40 - 150 km.
Hệ thống này do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất và đã thử nghiệm thành công lần đầu vào năm 2005.
Như vậy các loại tên lửa hiện có của Triều Tiên mà THAAD có thể ngăn chặn được là loại Scud-C với tầm bắn 500 km, Scud-ER (1.000 km), Rodong (1.300 km) và Musudan (3.000 km) trong trường hợp các tên lửa này tấn công Hàn Quốc với góc bắn tối ưu.
Chính quyền Seoul cho rằng hệ thống THAAD sẽ phối hợp với dàn phóng tên lửa Patriot (có khả năng đánh chặn ở cao độ 15 - 40 km), thành hệ thống phòng thủ nhiều lớp như cách giải thích của một sĩ quan quân đội cao cấp của Hàn Quốc: "Chúng tôi dự tính đầu tiên sẽ dùng hệ thống THAAD và nếu thất bại thì dùng đến Patriot".
Nhưng vẫn chưa rõ liệu hệ thống THAAD có thể đánh chặn hiệu quả được các loại tên lửa của Triều Tiên vì 11 lần thử trước chỉ triệt hạ loại tên lửa Rodong và Scud nhưng vẫn chưa thử nghiệm chắc chắn với loại tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan.
Loại tên lửa Scud có thể đạt độ cao tối đa 100-200 km với vận tốc bay tối đa Mach 4 hoặc Mach 5 và tên lửa Rodong đạt 400-450 km với vận tốc Mach 7 hoặc 8. Với hai loại tên lửa trên thì đến nay hệ thống THAAD được xác nhận ngăn chặn hiệu quả.
Mô tả vận hành đánh chặn tên lửa đối phương (màu đỏ bên trái) của hãng Lockheed Martin
Nhưng với các loại tên lửa đạn đạo chiến lược bắn từ tàu chiến có thể đạt vận tốt tối đa cao hơn Mach 10 ở cao độ 50 km và tên lửa Musudan đạt vận tốc hơn Mach 14, một số chuyên gia quân sự cho rằng hệ thống THAAD chưa thể ngăn chặn được chúng.
Gần đây phía Mỹ có gấp rút thử nghiệm và thông báo đánh chặn được loại tên lửa tầm trung lẫn tên lửa liên lục địa. Dĩ nhiên các thông tin này còn cần được kiểm chứng kỹ hơn.
Hệ thống THAAD của Mỹ triển khai tại Seongju có hệ thống radar bao phủ được vòng bán kính 600-800 km - tức là toàn bộ vùng lãnh thổ của Triều Tiên đều nằm trong tầm quét của nó.
Hệ thống này gồm 6 dàn phóng với 48 tên lửa đánh chặn. Nhưng các chuyên gia đặt ra tình huống là khi Triều Tiên cho phóng tên lửa hàng loạt nhắm về phía miền nam, thì các dàn THAAD sẽ không đủ khả năng và thời gian để bắn hạ tất cả.
THAAD vận hành ra sao?
Hệ thống THAAD vận hành theo nguyên tắc hit-to-kill (va chạm để phá hủy). Cụ thể là khi phát hiện một tên lửa phóng đi từ phía đối phương, hệ thống radar di động của THAAD sẽ đánh giá điểm cần đánh chặn, và gửi thông tin đến đơn vị tên lửa gần nhất.
Một trung tâm kiểm soát gọi là TFCC sẽ xác định xem liệu đó có phải là tên lửa của đối phương, và sẽ tính toán chính xác điểm tiêu diệt tên lửa đó trên không.
Dàn radar di động hỗ trợ hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD - Ảnh: MDA
Trong trung tâm kiểm soát TFCC của hệ thống phòng thủ THAAD - Ảnh: MDA
Cuối cùng một dàn phóng đặt trên xe chuyên dụng sẽ được nhấn nút bắn đi tên lửa đánh chặn về phía tên lửa đối phương. Tên lửa đánh chặn này không cần mang đầu đạn nổ vì nó đủ sức phá hủy tên lửa đối phương bằng sức va chạm. Cách thức này nhằm làm giảm thiệt hại do các mảnh vỡ của vụ va chạm rơi xuống mặt đất.
Cơ quan phòng thủ tên lửa (MDA), thuộc bộ Quốc phòng Mỹ, xác nhận rằng việc phát hiện tên lửa bắn đi dựa trên không chỉ từ các radar ở mặt đất, mà cả với hệ thống vệ tinh do thám, các dàn radar đặt trên tàu chiến, và các hệ thống radar dùng tia X đặt tại các căn cứ hải quân của Mỹ.
Mỗi dàn tên lửa phòng thủ có trách nhiệm bao quát vùng bán kính 200 km và đến độ cao 150 km. Như vậy các vụ đánh chặn tên lửa đối địch có thể thực hiện ở cao độ trên bầu khí quyển và như thế giảm thiệt hại hco mặt đất.
Hệ thống THAAD không chỉ được triển khai trên xe chuyên dụng để mang tính cơ động mà còn có thể được đặt trên tàu chiến để hỗ trợ từ đại dương.
Hiện triển khai ra sao?
Năm hệ thống đầu tiên đã được triển khai ở Mỹ lần lượt trong các năm 2008, 2009, 2012, 2014 và 2015. Tổng cộng hơn 100 tên lửa đánh chặn đã được triển khai. Bộ Quốc phòng Mỹ chưa công bố vị trí triển khai cụ thể các hệ thống bảo vệ lãnh thổ Mỹ.
Thử nghiệm phóng đánh chặn của dàn THAAD tại Alaska (Mỹ) vào tháng 7 vừa qua - Ảnh: REUTERS
Hiện cũng có Qatar và Saudi Arabia đã mua và triển khai hệ thống THAAD.
Israel cũng có hệ thống phòng thủ tên lửa riêng của mình gọi là Iron Dome (Vòm sắt). Hệ thống này do công ty sản xuất vũ khí Rafael của Israel chế tạo và lắp đặt.
Giá cả bao nhiêu?
Giá bán hệ thống THAAD là 885,6 triệu USD, chưa tính phí lắp đặt, huấn luyện, bảo trì và hạ tầng hỗ trợ. Lấy ví dụ Qatar lắp đặt 2 hệ thống THAAD, với phí tổng cộng 6,5 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận