16/03/2020 13:37 GMT+7

Hệ thống bảo hiểm thất nghiệp đáng mơ ước tại Thụy Điển

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Bị sa thải chưa bao giờ đem lại cảm giác dễ chịu, song với 'hệ thống chuyển tiếp' đặc biệt tại Thụy Điển, bạn sẽ không còn quá lo lắng cho tương lai của bản thân.

Hệ thống bảo hiểm thất nghiệp đáng mơ ước tại Thụy Điển - Ảnh 1.

Bị sa thải nhiều lúc không phải nỗi sợ hãi của người Thụy Điển. Ảnh: sweden.se

'Hệ thống chuyển tiếp' có tên gọi Trygghetsrådet (TRR) tại Thụy Điển là một chương trình trợ cấp cá nhân dành cho những người vừa mới bị sa thải vì dư thừa lao động. Các công ty sẽ nộp một khoản tiền cho 'các hội đồng an ninh việc làm'. Những hội đồng này có nhiệm vụ cung cấp 'huấn luyện viên' lành nghề, tôi luyện kỹ năng, khơi dậy tham vọng và tìm việc mới cho các cá nhân thất nghiệp. Có tổng cộng 16 tổ chức đảm nhận nhiệm vụ này, mỗi tổ chức lại phụ trách một lĩnh vực khác nhau trong kinh tế.

Dựa trên thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris (Pháp), Thụy Điển đứng đầu trong các nước phát triển về tỷ lệ tái sử dụng lao động thất nghiệp, với 90% người thất nghiệp có công việc lại ngay chỉ trong 1 năm.

Eva (24 tuổi) gần đây mới biết đến chương trình này. Cô tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân thiết kế đồ họa vào năm 2016. Công việc của cô tại Stockholm lúc đó rất suôn sẻ. Nhưng đến đầu năm 2019, công ty thông báo bắt đầu cắt giảm nhân sự. Không khí làm việc chùng xuống, các đồng nghiệp ai nấy đều lo sợ. Eva mất ngủ và liên tục lo lắng xem mình sẽ đi đâu, làm gì.

Trong các cuộc trò chuyện với đồng nghiệp, Eva lần đầu tiên biết đến hệ thống Trygghetsrådet. Công ty của cô cũng nằm trong hệ thống đó. Điều đó có nghĩa là cô tự động được chỉ định một 'huấn luyện viên' phụ trách trước khi cho nghỉ việc vào tháng 6. Hệ thống khởi động ngay khi có thông báo nghỉ việc, nhằm đẩy nhanh tiến trình tìm việc mới cho nhân viên thất nghiệp.

Huấn luyện viên cá nhân nhận ra lỗ hổng trong hồ sơ xin việc của Eva: Kỹ năng về phần công nghệ cần phải được trau dồi thêm. Hội đồng an ninh việc làm đã cấp một khóa học kéo dài 8 tuần về đồ họa động cho Eva tại trường truyền thông Berghs ở Stockholm.

Không chỉ vậy, người huấn luyện Eva còn dạy cô kỹ năng phỏng vấn thông qua các buổi thực hành một-một để tăng phần tự tin. Các cơ hội mới mở ra. Sau 15 lần bị từ chối phỏng vấn, Eva đã đứng đầu trong tổng số 150 ứng viên ứng tuyển và giành được công việc mới từ tháng 1/2020 với mức lương cao hơn công việc cũ.

Giống như Eva, phần lớn người Thụy Điển trải nghiệm qua hệ thống Trygghetsrådet đều được tuyển dụng lại trong vòng 6 tháng. Theo thống kê của OECD, những người Thụy Điển dưới 30 tuổi khẳng định mức thu nhập từ công việc mới còn tăng sau khi bị cho nghỉ việc.

Tại Thụy Điển, các công ty phải đóng góp 0,3% số tiền trả cho nhân viên vào các hội đồng an ninh việc làm, giống như một chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Các công ty sẽ phải thỏa thuận với công đoàn lao động để nộp tiền vận hành chương trình. Chương trình hỗ trợ dành cho một người thất nghiệp kéo dài 5 năm kể từ khi nhận giấy thông báo nghỉ việc. Chính vì vậy, nếu như ai đó không tìm được công việc mới, người đó vẫn có thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân, sự xuất hiện của mạng lưới an toàn này giúp quá trình ra quyết định sa thải nhân viên dễ dàng hơn. Đối với toàn bộ nền kinh tế, hệ thống chuyển tiếp Trygghetsrådet vận hành như một chất bôi trơn, loại bỏ tình trạng dư thừa lao động vì sự phát triển của công nghệ. Cụ thể, 'gã khổng lồ' công nghệ Ericsson đã sa thải hàng nghìn nhân viên trong một vài năm trở lại đây khi công ty còn chật vật cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, quá trình diễn ra tương đối suôn sẻ, một phần nhờ vào tình hình thị trường việc làm sôi nổi, phần còn lại có sự can thiệp của hội đồng Trygghetsrådet.

So với các quốc gia châu Âu, hệ thống Trygghetsrådet của Thụy Điển hữu hiệu và thu hút được nhiều sự chú ý. Trong khi đó, phần lớn các chương trình an ninh việc làm hiện giờ tại châu Âu chỉ đơn thuần tập trung tìm giải pháp làm thế nào để tránh tình trạng sa thải hàng loạt, như cắt giảm lương hay giờ làm. Tại các nước, không có chương trình hỗ trợ thêm từ chính phủ cho những người vừa bị sa thải.

Theo Giáo sư Lars Walter phụ trách quản lý tại Đại học Gothenburg, một số quốc gia châu Âu đã bắt tay nghiên cứu mô hình hỗ trợ người thất nghiệp của Thụy Điển.

'Bạn có thể tạo ra một hệ thống an ninh việc làm như này tại các quốc gia khác – không nhất thiết phải giống 100% về sự phân chia trách nhiệm giữa công đoàn lao động và công ty chủ quản như Thụy Điển, nhưng cũng cần có các yếu tố đó', Giáo sư Walter kết luận.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên