28/02/2020 13:24 GMT+7

Hệ lụy gia công nhìn từ 300 tỉ USD xuất khẩu trong dịch COVID-19

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Mục tiêu xuất khẩu 300 tỉ USD của Việt Nam trong năm nay có nguy cơ bị đổ vỡ nếu dịch COVID-19 kéo dài.

Với cơ chế xuất khẩu của các ngành hàng mũi nhọn hiện nay như dệt may, da giày, điện tử... khi mà tỉ trọng gia công chiếm 60-70%, thậm chí có ngành lên đến 80%, thì hệ lụy giảm tốc xuất khẩu và hoàn toàn trông chờ vào sự khôi phục nguồn cung từ Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi.

Thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cho thấy chưa tới 10% số doanh nghiệp trong cả hàng chục ngàn doanh nghiệp trong ngành tự chủ từ A-Z, tức từ thiết kế, tổ chức sản xuất (bao gồm tự tìm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đáp ứng nhu cầu khách đặt hàng) cho đến tìm đầu ra tiêu thụ.

Khoảng 30% thực hiện hợp đồng theo hình thức FOB... nửa mùa, tức cũng mua nguyên liệu, sau đó bán thành phẩm, nhưng nguyên liệu mua ở đâu cũng phải theo sự chỉ định của nhà đặt hàng. Và chiếm tỉ trọng lớn nhất, đến 60 - 70% doanh nghiệp, đều thực hiện đơn hàng theo phương thức gia công: nhà đặt hàng đưa mẫu, nguyên liệu, kể cả giám sát chuyền sản xuất sang tận nơi. Doanh nghiệp Việt chỉ thực hiện theo các yêu cầu của nhà đặt hàng, cấm không sai một li nào!

Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Lefaso, trong số 30% doanh nghiệp làm được hợp đồng FOB, "đôi khi họ cũng chủ động tìm nhà cung cấp nguyên liệu từ các nước khác ngoài Trung Quốc, nhưng tỉ lệ được nhà đặt hàng gật đầu chấp nhận không nhiều".

Ngành dệt may cũng không khá gì hơn. Khảo sát mà Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) công bố tại một hội thảo khoa học hướng tới xây dựng dự thảo "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035" đã gây sốc khi đúc kết: ba mục tiêu lớn nhất của chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2010 - 2020 được phê duyệt từ năm 2008 gần như không thực hiện được. Từ phát triển cây bông, sản lượng bông xơ, nhân lực nguồn cho ngành đến kế hoạch 1 tỉ mét vải phục vụ xuất khẩu đều phá sản.

Trong đó, "nút thắt cổ chai" kém phát triển ở khâu dệt nhuộm - một bế tắc cần được gỡ gấp rút nếu thật sự muốn phát triển ngành sản xuất vải, đáp ứng nguyên liệu nguồn - vẫn không được mổ xẻ đến tận cùng để giải quyết dứt điểm.

Việc tìm giải pháp khơi thông thị trường xuất nhập khẩu, đưa các ngành kinh tế mũi nhọn vận hành trở lại đúng quy trình sản xuất chuỗi là điều chắc chắn mà các bộ, ngành có liên quan phải làm trong thời gian tới. Tuy nhiên, các giải pháp sẽ trở thành nói suông, hoặc thiếu thực tế khi chỉ hô hào các doanh nghiệp tập trung mở rộng thị trường, tái cơ cấu sản xuất dựa trên một nền tảng rỗng: yếu và thiếu toàn diện các cấu trúc lõi để phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Chưa kể, điều đề cập ở trên cũng không mấy dễ dàng trong "một sớm một chiều" đối với doanh nghiệp trong nước nếu tính đến yếu tố cạnh tranh về mặt bằng giá mà Trung Quốc đã thống trị trong một thời gian rất dài vừa qua.

Nói như ông Diệp Thành Kiệt, không cần phải có đến chiến tranh thương mại, "ngăn sông cấm chợ", hoặc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại mới làm suy yếu năng lực sản xuất của một doanh nghiệp, hay xa hơn là của quốc gia. Dịch COVID-19 đã bộc lộ rất rõ điểm nghẽn và điểm yếu ở đâu khi nhìn từ năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Nhưng sòng phẳng hơn, trách nhiệm của Nhà nước và bộ ngành liên quan cũng không hề nhỏ và cần được quyết liệt thay đổi.

Hàng không Việt Nam có thể mất 25.000 tỉ doanh thu theo kịch bản nào ? Hàng không Việt Nam có thể mất 25.000 tỉ doanh thu theo kịch bản nào ?

TTO - Cục Hàng không nhận định với diễn biến phức tạp của dịch COVID -19, các hãng hàng không Việt Nam có thể giảm doanh thu khoảng 25.000 tỉ đồng. Vậy những kịch bản nào gây mức giảm này?

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên