23/07/2005 06:27 GMT+7

Hè đưa "sắp nhỏ" về quê

BÍCH UYÊN
BÍCH UYÊN

TT - Đưa con về quê để nó biết anh em trong họ, biết nguồn cội; để chúng được thả diều, câu cá, tắm sông, biết phân biệt con bò với con trâu, biết tả lũy tre, chiếc thuyền... cho đúng và để chúng có một tuổi thơ như mình từng có...

kHUlmHiQ.jpgPhóng to
TT - Đưa con về quê để nó biết anh em trong họ, biết nguồn cội; để chúng được thả diều, câu cá, tắm sông, biết phân biệt con bò với con trâu, biết tả lũy tre, chiếc thuyền... cho đúng và để chúng có một tuổi thơ như mình từng có...

Từ một bài văn “tá hỏa”...

Chị Vũ Thị Hoài Thu (Q.Tân Phú, TP.HCM) “tá hỏa” khi đọc bài kiểm tra tập làm văn chị cho cô con gái lớp 4 (Trường tiểu học NVC) làm thử ở nhà: “…Em biết con lợn giống hệt như con voi, nhưng màu của nó có khi trắng, có khi đen, mỏ của nó thì nhọn và cứng...”. Rồi tả con bò thì: “Da nó màu đen, người ta dùng để đi cày…”. Nghỉ hè được hơn một tuần, chị lập tức đưa con gái về quê ngoại tận Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) để con bé được nhìn ruộng vườn, thấy con lợn, con bò...

Anh Lê Quốc Việt (Q.3, TP.HCM) thì lo lắng chuyện hai đứa con thành “gà công nghiệp”: một đứa con trai sắp vào lớp 7, một con gái chuẩn bị vào lớp 5 chỉ biết mỗi việc học với thời khóa biểu kín mít từ sáng tới tối, từ đầu tuần đến cuối tuần; giải trí bằng đọc truyện tranh, chơi game, đi ăn và mua sắm với ba mẹ. Đi học thì ba mẹ phân công nhau đưa đón.

Anh vẫn đùa là con cái bây giờ được nuôi “vô trùng” quá và quyết định “đình chỉ” các khóa học hè của con, mặc cho chị Hải - vợ anh - phản đối. Những hôm đầu đưa con về quê nội ở xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre chơi, chúng cứ cuống lên sợ lấm bùn đất, sợ muỗi cắn, cứ chúi mũi vào cái máy trò chơi điện tử mang theo, không thèm trò chuyện với các anh em họ. Anh buồn lắm, rồi quyết định phải cho con biết những trò chơi ngày xưa anh say mê.

Đến vần thơ chân chất

qD15xreO.jpgPhóng to
Xuân Sơn (trái) thích thú khi được tắm mương cùng người anh họ ở quê

Cuối tháng sáu rồi, chúng tôi theo hai mẹ con chú bé Đặng Võ Xuân Sơn (lớp 6 Trường trung học thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) về nhà ngoại Sơn ở ấp An Thạnh, xã Bình Khánh Tây, huyện Mỏ Cày chơi. Cái cầu bằng cây quao bắc vào nhà ngoại Sơn đã bong hết lớp vỏ, lại cong queo, đi cứ lắc lư như chực hất văng người đang đi xuống nước. Sơn mới thưa chào mọi người xong đã được người anh họ kém 3 tuổi lôi vội ra bờ mương, cởi trần, nhảy tùm vẫy vùng trong làn nước mát.

Bao nhiêu là trò chơi từ bùn mương được bày ra, hết nặn nồi niêu xoong chảo lại chuyển sang nặn “tu na”: nặn cục bùn thành một cái khung tròn, hình dạng giống như chiếc nồi, sao cho phần đáy càng mỏng càng tốt rồi giơ cao đập xuống đất. Một tiếng bốp vang lên, hai anh em thích chí cười vang. Chị Ngọc Mai, mẹ Sơn, vui vẻ kể: “Ở TP cháu học suốt ngày. Hè này đưa cháu về ngoại để cháu chơi thả diều, câu cá và để biết thương bà ngoại cực khổ...”.

Trên chuyến xe buýt từ bến xe miền Đông vào Đầm Sen (TP.HCM), Trâm nằn nì mẹ phải mở vali để khoe chúng tôi mấy bức tranh vẽ được ở quê ngoại. Trâm luôn miệng “chú thích” sở dĩ tô màu xanh dương cho lũy tre là vì... hết bút chì màu xanh lá cây chứ không phải do mình không biết; còn đây là hàng rào vào nhà ngoại, được làm bằng cây tre nên mới có chỗ phình to, có chỗ nhỏ như thế, và kia là con chó phèn của bác Thân hàng xóm. Trâm giải thích vẻ hiểu biết: gọi nó là chó phèn vì lông nó màu vàng... Chị Thu cười với vẻ hài lòng khi nghe yêu cầu mới của con: “Hè năm tới, con sẽ xin mẹ đưa về nhà nội!”.

Tắm sông, chèo thuyền, câu cá, cắt cỏ cho thỏ, theo ngoại đi cho heo ăn... đều được Xuân Sơn cho vào... thơ! Câu thơ vụng về, không vần điệu kể lại những trò chơi đã diễn ra trong mấy ngày Sơn ở nhà ngoại: “Chúng em vào vườn. Cầm lấy con dao. Chúng em cắt cỏ. Cho thỏ ăn cỏ…”. Những vần thơ xộc xệch của Sơn biết nói đến ngoại: “Tóc ngoại còn đen” (chứ không bạc trắng như trong bài văn Sơn từng tả).

“Đưa con về quê để chúng biết anh em trong họ, biết nguồn cội; để chúng được thả diều, câu cá, tắm sông, biết phân biệt con bò với con trâu, biết tả lũy tre, thuyền ghe...; để chúng biết quê mình còn nghèo lắm, bà con mình ở quê phải vất vả “một nắng hai sương” ra sao để có hạt gạo... và để chúng có một tuổi thơ như mình từng có...” - chị Ngọc Mai trầm giọng tha thiết!

BÍCH UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên