Xe tải xả khói gây ô nhiễm môi trường trên quốc lộ 1A (TP.HCM) - Ảnh Tự Trung |
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, quyết định 49/2011 đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và doanh nghiệp liên quan chuẩn bị để thực hiện theo đúng lộ trình.
Do đó, việc tiếp tục xin lùi thời hạn thực hiện áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 là không phù hợp, bởi các bên liên quan đã có thời gian tới 5 năm để chuẩn bị.
GS Phạm Ngọc Đăng, phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, cũng cho rằng cần phải đặt vấn đề tại sao chưa có nhiên liệu Euro 4 để thực hiện.
Ông Đăng nêu việc xin lùi là không thể hiện quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đi ngược lại với thực trạng ô nhiễm không khí ở các tỉnh, thành phố hiện nay vốn đang rất đáng lo.
Nguồn thải của ôtô, xe máy chiếm tới 70% nguồn thải gây ô nhiễm không khí ở khu vực đô thị, vì vậy thay vì xin lùi thì cần khẩn trương thực hiện.
Hiện VN có khoảng 2,5 triệu xe ôtô, trong đó riêng xe tải và xe khách là khoảng 1,5 triệu xe đang sử dụng nhiên liệu diesel.
Dự kiến, mỗi năm con số này sẽ tăng thêm khoảng 200.000 xe. Do đó, theo các chuyên gia, nếu tiếp tục lùi thời hạn thì chắc chắn những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ khí thải của các dòng xe này sẽ khó có thể ngăn chặn được.
Trong văn bản lấy ý kiến các bộ ngành, Bộ GTVT cũng thừa nhận việc giãn lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức Euro 4 cũng tạo điều kiện cho các loại xe có tiêu chuẩn khí thải thấp, gây ô nhiễm không khí vào VN.
Đặc biệt, Bộ GTVT công nhận việc giãn lộ trình sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) - một trong những điều kiện để VN nhận được khoản vay hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Theo các chuyên gia và các doanh nghiệp, vấn đề quan trọng nhất là Chính phủ cần có một lộ trình rõ ràng và đồng bộ về việc áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 với xe chạy dầu.
Được biết, trong tháng 2-2017 này Chính phủ sẽ tiếp tục có một cuộc họp với các bên liên quan để lấy ý kiến trước khi có quyết định cuối cùng sửa đổi quyết định 49/2011.
Theo các chuyên gia, cần cân nhắc thực trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Đã đến lúc yếu tố bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu, giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm từ khói bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông.
Ông Hoàng Dương Tùng (phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường): Việc áp dụng lộ trình khí thải Euro 4 đúng ra phải thực hiện từ năm 2017, nhưng đến nay chưa thực hiện. Quan điểm của tôi là không nên lùi thời hạn áp dụng. Có thể có những nhà sản xuất xe đề nghị lùi áp dụng lộ trình khí thải theo Euro 4, nhưng việc lùi này đồng nghĩa với việc môi trường không khí bị ô nhiễm hơn, chấp nhận lượng phát thải lớn hơn. Hiện không còn nhiều nước áp dụng tiêu chuẩn Euro 2. Nếu cứ lùi sẽ không thể hiện sự cam kết về phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm. Đặc biệt gần đây vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM được nêu rất nhiều, nếu cứ lùi thì vấn đề ô nhiễm không khí sẽ ra sao? Ngoài ra, nếu lùi cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho nhà sản xuất xe có công nghệ không tiên tiến, hoặc các hãng xe có tiêu chuẩn khí thải thấp, lạc hậu tiếp tục đưa xe giá rẻ vào VN, khi đó môi trường không khí chắc chắn sẽ ô nhiễm hơn. Tiêu chuẩn Euro 2 và Euro 4 khác biệt nhau nhiều, khác từ nhiên liệu sử dụng như xăng, dầu tới điều kiện bảo hành, bảo dưỡng... Nhiều nước đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và Euro 5. VN vẫn đang áp dụng tiêu chuẩn Euro 2, có thể nói đây là tiêu chuẩn khí thải ở mức thấp hơn so với các nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận