Theo phần lớn ý kiến bạn đọc, với những gì thể hiện trong clip, rõ ràng người thầy đã sai khi không kiềm chế được mình, có hành xử phi giáo dục trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, thay vì đặt mình vào vị trí người thầy để tìm sự cảm thông, đằng này hàng ngàn người lớn xúm lại “đánh hội đồng” một thầy giáo trẻ đang dạy hợp đồng, đang trong thời gian thử thách.
Bạn đọc Hà Hồng Tâm phân tích: “Thầy quá đáng thì đánh thầy, trò quá đáng thì đánh trò. Vậy đâu là tôn ti trật tự của xã hội? Thầy sai thì cũng là thầy. Không chấp nhận được học trò đánh thầy. Bạn cứ tưởng tượng cảnh một gia đình mà mấy đứa con xúm lại đánh cha, còn hàng xóm xung quanh thì vỗ tay khen hay, hùa theo “đáng đời”?
Đồng tình với nhận định này, bạn đọc Huỳnh Lê Thanh Hải chia sẻ: “Tôi biết người thầy trong clip trên rồi sẽ hứng chịu thêm hàng ngàn “gạch đá” từ dư luận và rồi cũng sẽ chịu sự kỷ luật của hội đồng nhà trường. Nhưng liệu trong chúng ta có mấy ai chịu thông cảm cho thầy, chịu suy ngẫm về “giá trị đạo đức”, về “đạo lý thầy trò” trong xã hội hiện nay? Nó đang trôi về đâu...”.
Cùng là một giáo viên trẻ mới vào nghề với bao hoài bão, bạn đọc Lương Thanh Long viết: “Là một giảng viên mới vào nghề hơn hai năm, tôi thật sự bị sốc và cảm thấy đau đớn khi chứng kiến cảnh này. Việc người thầy không giữ được bình tĩnh cũng là lỗi của thầy, nhưng hành động của hai cậu học sinh cũng không thể chấp nhận được. Tôi mong mọi người cần có một cái nhìn nhân văn và vị tha hơn đối với người thầy trong clip này. Còn riêng đối với hai cậu học trò thì chính gia đình cũng phải có một phần trách nhiệm giáo dục các em, đồng thời mong mọi người đừng vì hành động nông nổi này mà bỏ rơi hai em”.
Với tư cách là một đồng nghiệp đồng thời cùng là người nhiều năm đứng trên bục giảng, bạn đọc Nguyễn Thị Ngọc Mai chia sẻ kinh nghiệm như sau: “Bản thân mình cũng là giáo viên, chưa bao giờ mình dùng bạo lực với học trò, cho dù các em có nghịch ngợm, quậy phá đến mức nào. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nếu thầy không cư xử thiếu suy nghĩ như vậy thì không lý nào trò lại phản kháng đến mức cực đoan như thế. Không thể yêu cầu trẻ con thành con ngoan trò giỏi khi chính những người dạy dỗ chúng lại phạm phải những điều mà họ đã dạy”.
Và, cuối cùng một luồng ý kiến được rất nhiều bạn đọc đồng tình đó là: hãy thông cảm và tha thứ! Bởi theo bạn đọc Nguyễn Thị Kim Oanh: “Trong cuộc sống ai cũng có lỗi lầm. Đừng nên nhìn vào khuyết điểm của người khác để đánh giá họ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận