Nhiều bậc cha mẹ đã kêu ca là như vậy thì làm sao biết con mình học hành ra sao, giỏi dở thế nào so với bạn trong lớp để nhắc nhở.
Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Ở VN, do quen cách đánh giá xưa nay, người lớn chúng ta không thể tưởng tượng được đi học mà lại không có điểm, không xếp hạng như thời mình đi học. Thế nên việc băn khoăn, lo lắng là tất nhiên.
Chủ trương của Bộ GD-ĐT lần này nhằm thể hiện một triết lý mới mang đậm tính nhân văn trong giáo dục tiểu học, đó là coi trọng sự tiến bộ, động viên tính tích cực của học sinh, không đem học sinh này so với học sinh khác mà so học sinh đó với chính mình hôm qua.
Học sinh được đánh giá trên các mặt: chuẩn kiến thức và kỹ năng; năng lực như tự quản, tự học, giao tiếp...; phẩm chất như chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các hoạt động, trung thực, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm...
Với cách đánh giá mới này, hằng tuần, hằng tháng học sinh sẽ đem về nhà lời nhận xét của thầy cô thay vì đem điểm về. Cha mẹ nào chịu khó đọc lời nhận xét thì hiểu được con mình đã cố gắng học hành, rèn luyện, đạt kết quả ra sao và mới có cơ sở hợp sức với thầy cô giáo dục, uốn nắn con kịp thời.
Mục tiêu và cách đánh giá mới là tiến bộ, nhưng để thực hiện có hiệu quả trong hoạt động nhà trường hiện nay là việc không dễ. Giáo viên sẽ gặp khó vì e ngại việc đánh giá định tính bài làm của học sinh không chỉ mới mà còn chiếm thời gian gấp bốn, năm lần cách cho điểm truyền thống.
Muốn nhận xét kỹ thì chỉ có thể chấm bài của chừng 5-6 học sinh trong lớp. Nhưng như vậy giáo viên không yên tâm vì thiếu thông tin phản hồi về trình độ của đại đa số học sinh chưa được chấm.
Đó là chưa kể giáo viên lo là làm sao có đủ từ ngữ mà dùng để lời nhận xét khỏi trùng lặp, nhàm chán, làm sao nhớ đủ, không bỏ sót nội dung phải nhận xét.
Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ học sinh cho là điểm số đem đến cho họ nhiều thông tin về đứa con và nhiều cảm xúc hơn lời nhận xét; học sinh chưa quen với lối phấn đấu vượt lên chính mình mà quen cạnh tranh với bạn bè bằng điểm số nên tinh thần học tập có thể bị suy yếu.
Như vậy có thể nói triển khai cách đánh giá mới đang gặp trở ngại lớn, giáo viên tiểu học thì khó khăn trong việc thực hiện và đang lúng túng tự tìm lối ra, xã hội thì e ngại phản tác dụng.
Muốn thực thi cách đánh giá mới có hiệu quả, cấp quản lý giáo dục cần cụ thể hóa các yêu cầu của cách đánh giá này một cách thiết thực và khoa học cho phù hợp với tình hình học sinh quá đông trong mỗi lớp học.
Soạn một biểu mẫu cụ thể kê đủ các mục của từng mặt cần nhận xét trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục, soạn biểu mẫu khác dành cho bài kiểm tra giúp giáo viên khi nhận xét học sinh chỉ cần điền vài chữ vào từng mục mà không sót nội dung nào, lại không phải bóp óc suy nghĩ đặt câu văn.
Cách này có thể giúp giáo viên tiết kiệm được nhiều công sức khi phải thực hiện cách đánh giá mới. Rồi sẽ đến lúc cha mẹ thay thói quen hỏi đứa con đi học về “hôm nay con được mấy điểm?” bằng câu hỏi thăm có giá trị giáo dục cao hơn nhiều là “hôm nay cô nhận xét con có tiến bộ không?”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận