01/07/2018 18:21 GMT+7

Hãy nhớ, mi sẽ chết: Nước mắt, để làm gì?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - ‘Anh viết về một chủ đề quá u buồn. Viết về nỗi buồn như vậy liệu có làm cho cuộc sống này tươi vui hơn không?’

Hãy nhớ, mi sẽ chết: Nước mắt, để làm gì? - Ảnh 1.

Ca sĩ Giang Trang hát cac khúc Giọt lệ thiên thu của Trịnh Công Sơn cùng tiếng đàn piano của nghệ sĩ Trang Trịnh, là một trong những điểm sáng nhỏ của đêm diễn - Ảnh: T.Điểu

Đây là câu hỏi mà một khán giả đã dành cho tiến sĩ - tác giả cuốn sách Điểm đến của cuộc đời trong buổi công diễn tiểu phẩm chuyển thể từ cuốn sách tại Hà Nội.

Mượn câu hỏi ấy của khán giả, có lẽ không ít người cũng muốn hỏi, nước mắt của diễn viên trên sân khấu để làm gì khi mà nước mắt ấy không hề chạm được tới người xem? Một tiểu phẩm để minh họa nhạt nhòa cho một cuốn sách, để làm gì?

Tác giả của cuốn sách và đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ cho rằng "cuốn sách và vở kịch đóng vai trò hàn gắn tích cực".

Hãy nhớ, mi sẽ chết: Nước mắt, để làm gì? - Ảnh 2.

Nghệ sĩ múa Nguyễn Duy Thành thể hiện quá trình vật lộn đấu tranh với chính bản thân mình của những người bệnh ung thư, từ lúc nhận tin dữ cho tới đỉnh điểm của đau đớn, rồi vượt qua đáy sâu của tuyệt vọng - Ảnh: T. Điểu

Sau TP.HCM, Đà Nẵng, tiểu phẩm Memento Mori - Hãy nhớ, ta đang sống do đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ chuyển thể từ cuốn sách Điểm đến cuộc đời của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã công diễn buổi đầu tiên trước khán giả Hà Nội vào đêm 30-6.

Sân khấu nhỏ tại một phòng hòa nhạc vẫn còn một vài ghế trống. Khán giả chừng 60-70 người.

Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ tự nhận đây chỉ là tiểu phẩm, không phải kịch. Cái đó thì đã rõ. Toàn bộ chương trình là những mảnh ghép rời rạc của múa, hát và 3 phân cảnh về ba nhân vật trong cuốn sách của Đặng Hoàng Giang.

Đạo diễn đã cố gắng đan cài ba câu chuyện thành một tiểu phẩm thống nhất (để "lát cắt" của Nam xen giữa "lát cắt" của Vân và kết thúc tiểu phẩm thì cho cả 4 nhân vật sum họp trên sân khấu, cùng selfie), nhưng nỗ lực ấy không thành công.

Hãy nhớ, mi sẽ chết: Nước mắt, để làm gì? - Ảnh 3.

Marcus Mạnh Cường Vũ chọn lát cắt của Vân là đoạn cô cố gắng dùng những tàn lực cuối cùng để ghi âm vào chiếc điện thoại những lời dặn dò gửi lại hai con gái - Ảnh: T.Điểu

Tiểu phẩm dựng 3 đoạn - 3 lát cắt của 3 nhân vật: bé Nam (và mẹ), Liên, Vân.

Với Nam (Tùng Lâm), tiểu phẩm chọn dựng đoạn hội thoại giữa Nam và mẹ về bệnh tật, cái chết.

Với Liên (Đan Phương), đạo diễn cho Liên độc thoại về hành trình phát hiện bệnh, chối bỏ hiện thực, nhức nhối về những giấc mơ dang dở cho tới khi chấp nhận bệnh tật, cái chết một cách bình thản. Đạo diễn để cho nhân vật độc thoại những lời mà trong sách của Đặng Hoàng Giang là lời kể của tác giả.

Còn với Vân (Diệu Hương), đạo diễn để cho Vân độc thoại những lời dặn dò được ghi âm lại, gửi cho các con.

Có thể thấy, tiểu phẩm chỉ minh họa cho cuốn sách một cách tẻ nhạt, hầu như để nhân vật tự "đọc" lại một vài đoạn trong sách. Cảm nhận chung là từ nội dung cho tới diễn xuất của diễn viên đều không thể đẩy được cảm xúc của khán giả lên.

Tiểu phẩm làm về những con người cận tử, những người đang ở cái khúc bi tráng nhất của cuộc đời - đối diện với cái chết, nhưng trước mắt khán giả, trên sân khấu chỉ là những chân dung mờ nhạt. Một khán giả chưa đọc sách, chắc chắn sẽ hoàn toàn "ngơ ngác" trước những chân dung nhạt nhòa này.

Hãy nhớ, mi sẽ chết: Nước mắt, để làm gì? - Ảnh 4.

Đan Phương trong vai Liên không lột tả được sự đổ vở tột cùng của một cô gái trẻ đầy hoài bão bỗng nhận tin mắc ung thư - Ảnh: T.Điểu

Nhưng ngay với những người đã đọc sách, thật khó mà rung cảm với các vai diễn này trên sân khấu.

Đoạn Nam hỏi mẹ: "Sau này mẹ sẽ cho con ăn hoa quả mỗi ngày phải không... Nghĩa là mẹ sẽ thắp hương cho con mỗi ngày ấy....", không bà mẹ nào trong khung cảnh tâm tình hai mẹ con ấy có thể vẫn bình tĩnh, chỉ hỏi lại con: "Sao con lại hỏi vậy", bằng cái giọng "bình thản" như diễn viên đã làm trên sân khấu.

Nếu như độc giả vẫn có thể chia sẻ được câu hỏi này của chị Hà trên trang sách của Đặng Hoàng Giang, bởi tác giả dụng công khắc họa một người mẹ rất mạnh mẽ và cố gắng không bao giờ trốn tránh hay dấu diếm với các câu hỏi về bệnh tật, cái chết của đứa con thơ đang bạo bệnh; thì trên sân khấu nhỏ, với bình sen trắng, cây dương cầm, bản nhạc sonate Ánh trăng vừa dứt, khán giả sẽ không thể hiểu, không thể cảm với phản ứng đó của chị Hà.

Bê nguyên sách lên sân khấu mà không tính đến sự khác biệt giữa hai loại hình chắc chắn không bao giờ là một lựa chọn tốt.

Hãy nhớ, mi sẽ chết: Nước mắt, để làm gì? - Ảnh 5.

Mẹ con chị Hà - Ảnh: T. Điểu

Còn Vân, những lời sau cùng mà một người mẹ nói với các con, cho dù rất đời thường, nhưng nếu diễn viên cho thấy được cái tình tha thiết của một người mẹ biết mình sắp phải lìa bỏ các con thì vẫn cứ chạm được tới trái tim người xem. Tiếc là diễn xuất của Diệu Hương đã không làm được điều đó.

Diệu Hương diễn trên sân khấu mà hình như không quên được mình là một cô giáo (cô từng là giảng viên tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Cô nhìn trực diện vào khán giả để nói những lời dặn dò các con.

Cái cách diễn viên "giao tiếp" với khán giả ấy khiến người xem tưởng Diệu Hương đang là cô giáo giảng bài cho học sinh trên bục giảng. Cô cho thấy thần thái của một giáo viên rất tự tin trước các học trò của mình, chứ không phải một bà mẹ đang hấp hối muốn gửi những lời cuối cùng tới các con.

Hãy nhớ, mi sẽ chết: Nước mắt, để làm gì? - Ảnh 6.

Diệu Hương - Ảnh: T. Điểu

Nếu diễn viên trên sân khấu không cho khán giả thấy vai diễn của mình mà lại cho thấy chính mình thì đó là một thất bại. Một diễn viên thật sự nhập vai, người ta sẽ quên chính mình, quên sân khấu, quên khán giả, quên diễn.

Trong khoảnh khắc ấy, diễn viên chỉ đơn giản là đang sống duy nhất cái đời của nhân vật mà thôi. Diễn xuất của Diệu Hương hoàn toàn thất bại trong yêu cầu này.

Thế nên, cao trào của vai diễn Vân, Diệu Hương đóng cảnh rũ gục trên ghế sofa, cảm cái chết đang nhanh chóng xâm chiếm mình, cô đã khóc, nhưng dưới khán phòng hầu như khán giả chẳng có ai khóc. Một khán giả lớn tuổi chạy lên sân khấu đưa khăn giấy cho diễn viên.

Hãy nhớ, mi sẽ chết: Nước mắt, để làm gì? - Ảnh 7.

Bản thân đề tài về người cận tử, cùng sân khấu với sen trắng, chiếc piano đen tuyền thả những giọt đàn tha thiết rất dễ để khiến khán giả phải khóc, nhưng có rất ít tiếng sụt sịt trong khán phòng đêm 30-6 - Ảnh: T.Điểu

Nhìn tổng thể, tiểu phẩm chỉ có vài phần biểu diễn của các nghệ sĩ là đáng ghi nhận. Phần kịch câm của nghệ sĩ múa Duy Thành ở bên ngoài khán phòng, mở màn, dẫn lối khán giả bước vào với phần tiểu phẩm bên trong sân khấu khá ấn tượng khi nghệ sĩ thể hiện thành công quá trình vật lộn với chính mình để đi tới chấp nhận bệnh tật, cái chết.

Giang Trang hát Giọt lệ thiên thu cùng tiếng đàn piano của Trang Trịnh vừa dạt dào tình cảm, vừa đạt được cái tinh thần "vô thường" của Trịnh Công Sơn trong ca khúc ấy trong cách nhả âm, là một điểm sáng tiếp theo trong tổng thể chương trình.

Và đoạn dàn hợp xướng Young Hit Young Beat hát Gặp mẹ trong mơ giữa phân cảnh cuộc trò chuyện của hai mẹ con chị Hà có lẽ là đoạn gây xúc động nhiều nhất cho người xem. Nhiều tiếng sụt sịt trong khán phòng vào thời điểm đó, nhưng sau đó những tiếng sụt sịt tắt dần. Cảm xúc của khán giả chưa kịp bùng lên thì đã vội tắt.

Bởi vài điểm sáng trong các phần biểu diễn của nghệ sĩ chưa kịp lóe lên đã chìm nghỉm trong tiểu phẩm nhạt nhòa.

Hãy nhớ, mi sẽ chết: Nước mắt, để làm gì? - Ảnh 8.

Cuối tiểu phẩm, đạo diễn cho 4 nhân vật gặp cùng gặp nhau trên sân khấu, chụp ảnh selfie như một cách để kết nối 3 câu chuyện lại trong một tiểu phẩm thống nhất nhưng chương trình vẫn là sự cộng gộp rời rạc - Ảnh: T.Điểu

Sân khấu khá đẹp với những bình sen trắng, cây piano đen buông giọt trầm, giọt bổng, diễn viên chỉ mặc hai màu đen-trắng, khán phòng nhỏ nhắn ấm cúng cho vài chục ghế ngồi. Một không gian như vậy tưởng quá dễ để kéo khán giả "nhập cuộc", quá dễ để chạm tới khán giả, nhưng đêm diễn đáng tiếc đã không làm được điều đó.

Dù sao, không thể phủ nhận nỗ lực lan truyền thông điệp tốt đẹp của những người thực hiện dự án cộng đồng Menento Mori là đáng quý. Nhưng có lẽ chương trình sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nếu ê-kip có sự đầu tư tốt hơn cho phần nghệ thuật.

Hãy nhớ, mi sẽ chết: Nước mắt, để làm gì? - Ảnh 9.

Tác giả của cuốn sách Điểm đến của cuộc đời và đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ cho rằng “cuốn sách và tiểu phẩm đóng vai trò hàn gắn tích cực” - Ảnh: T.Điểu

Anthony Bourdain bí mật giúp cậu bé ung thư hoàn thành ước nguyện

TTO - Cậu bé 11 tuổi ao ước được nếm những món hải sản ngon nhất thế giới. Bourdain nói, hãy đi khắp Tây Ban Nha.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên