Cách đây 15 năm, khi còn là một nhà giáo đứng lớp, với kết quả giảng dạy bộ môn khá tốt trong nhiều năm học, tôi luôn cho rằng việc áp dụng phương pháp giảng dạy nghiêm khắc của mình là hiệu quả.
Từ một lời trách mắng...
Cho đến một hôm, đang giảng bài, tôi phát hiện một em học sinh nữ lớp 9 tỏ ra thiếu tập trung. Tôi gọi em đứng dậy, đặt một câu hỏi và quả nhiên em không thể trả lời.
Không chỉ mắng em về việc lo ra, tôi còn bắt lỗi cả thái độ thưa gửi của em mà tôi cho rằng thiếu lễ độ, bất chấp em lập cập xin lỗi và giải thích em không vô lễ. Trận thượng em một lúc, tôi quay về bài giảng và rời lớp, mọi việc sau đó tôi quên luôn khi tất bật công việc trong ngày.
Trưa hôm sau, cô hiệu trưởng cho mời tôi đến phòng làm việc và hỏi thăm việc giảng dạy của tôi trên lớp, trong đó có câu chuyện về em học sinh hôm qua. Tôi trình bày toàn bộ sự việc và sau đó ngỡ ngàng khi nghe vị hiệu trưởng nói rằng sáng hôm nay ông nội của em vào trường muốn gặp tôi để trình bày sự việc, mong tôi tha lỗi cho em vì tối qua gia đình phát hiện em định tự tử bằng thuốc cảm.
Bàng hoàng nhưng tự ái và ương bướng của một người vẫn cho là việc mình làm không có gì quá đáng, tôi tiếp tục biện giải hành động của mình. Vị hiệu trưởng thay vì nổi nóng - chị vốn thẳng tính - vẫn ôn tồn nhắc: "Cô giáo cứ về suy nghĩ lại!".
Sáng hôm đó, tôi có giờ thứ hai ở lớp em. Vào lớp, tôi cố giảng dạy bình thường, thỉnh thoảng cũng gọi em phát biểu như các em khác. Nhưng dù cố tỏ ra như thế, tôi cũng không thể ngăn sự áy náy trong lòng khi nhìn vào đôi mắt còn sưng đỏ của em.
...đến sự khoan dung cần thiết
Năm học đó trôi qua, tôi cũng quên mất câu chuyện về em. Cho đến ngày 20-11 năm đó, lớp của em kéo đến nhà thăm tôi, trong đó có em. Giữa lúc chuyện trò, nghe các em than phiền về thầy cô mới, tôi nửa đùa nửa thật nhắc lại câu chuyện của mình năm ngoái ở lớp các em và nói: "Nhà giáo có vô vàn khó khăn.
Mà điều khó khăn nhất là do phải "đóng vai" dạy dỗ, nên khi làm lỗi với học trò sẽ rất khó lòng mở lời để xin lỗi. Nhiều khi câu xin lỗi đó đến quá muộn và sẽ là một ray rứt suốt đời". Tôi nhìn em, tự dưng ứa nước mắt và nói thêm: "May quá hôm nay Ng.L. đến và lời xin lỗi của cô là không quá muộn".
Trước bao nhiêu bạn bè, em ào chạy sang và ôm tôi khóc nức nở: "Cô ơi, con có lỗi mà... Con dại dột quá, con xin lỗi cô!". Cả nhà tôi một phen hoảng hốt khi nghe cô trò mới đùa giỡn vui vẻ đó mà nay lại ôm nhau khóc. Sau biết chuyện, mẹ tôi nhẹ nhàng nói: "Đó là một bài học quý giá mà không đắt giá và chưa ai phải trả giá!".
Tôi chưa bao giờ nói với ai rằng câu xin lỗi của em Ng.L. với tôi là câu tha thứ lớn nhất. Cũng như thái độ khoan hòa của ông nội em Ng.L. và của vị hiệu trưởng dành cho tôi thay vì trách móc chính là sự khoan dung cần thiết để không làm một người nóng nảy, hồ đồ như tôi có thể gây thêm chuyện.
Nhưng tự đáy lòng mình, tôi biết chính cách xử sự "êm ả" đó đã khiến tôi trong công việc từ đó về sau, khi phải xử lý những học sinh vi phạm luôn giữ mình ở làn ranh cần thiết.
Và tôi nhận ra: từ trong gia đình, trong học đường, trong xã hội, chỉ cần mỗi người hãy biết tha thứ cho người khác như đã luôn dễ dàng tha thứ cho bản thân, khoan dung với người khác như luôn muốn người khác khoan dung với mình, có lẽ không gian giữa mọi người sẽ tràn đầy sự thân thiện.
Sự thân thiện giống như một cây cầu có khả năng bắc qua mọi khoảng cách, xóa đi những bất đồng và làm nảy sinh tình thân ái. Có được không gian đó, tôi tin cái ác sẽ khó lòng nảy sinh.
Nhưng để có được điều đó, sự tha thứ, sự khoan dung... xin hãy đến kịp lúc, đừng quá muộn!
Bà Nguyễn K.C. (60 tuổi, TP.HCM):
Khoan dung để sống thanh thản
Năm đó con tôi mới 15 tuổi, tôi chứng kiến con mình chích ma túy. Tôi gặng hỏi thì cháu nói bị người hàng xóm dụ dỗ. Tôi sang nói chuyện thì bị họ chửi bới. Một năm sau thì con tôi mất.
Có nỗi đau nào hơn nỗi đau người mẹ mất con, mà lại mất con một cách oan uổng như vậy. Nhưng tôi vẫn phải ráng mà sống, tin rằng cái ác sớm muộn cũng bị trừng trị.
Rồi con trai nhà ấy cũng chết vì ma túy. Vợ chồng họ thì đi tù vì tham gia đường dây buôn bán ma túy. Nhưng khi ấy tôi không hề thấy vui, dù biết rằng đó là cái giá họ phải trả. Tôi hiểu ra rằng chỉ có tha thứ thì trong lòng mình mới thực sự được thanh thản.
Khu tôi ở là xóm lao động nghèo. Có những người đi cai nghiện về, không chịu nổi cái nhìn khinh khi của người đời phải bỏ xứ mà đi. Ai không bỏ đi thì lại quay về con đường nghiện ngập. Ngay đến gia đình tôi, đến giờ vẫn bị nói là có con bị nghiện. Đó là cái ác, chứ còn là gì nữa?
Cái ác đó không tự nhiên mà có. Nó được ươm mầm từ khi còn nhỏ, những hằn học, hận thù đòn roi của cha mẹ, những lời nói đầy ác ý người lớn nói với nhau.
Biết được điều đó, tôi dạy các cháu mình ngay từ nhỏ về việc phải yêu thương động vật, không được làm đau người khác, không chỉ trích cười chê bạn bè khi họ khác mình... Tôi hài lòng vì đã dạy được cho cháu mình những bài học đầu đời về lòng khoan dung, để sau này trên đường đời cháu sẽ được an nhiên thanh thản.
M.HOA ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận