Hồng Lợi nổi bật giữa những VĐV khuyết tật có mặt tại CLB bơi lội Quân khu 9 (TP Cần Thơ) nhờ sự hoạt bát pha chút lém lỉnh. Nhưng khi lao ùm xuống nước, Hồng Lợi lướt đi thoăn thoắt dù chỉ có tay trái lành lặn. Anh giành HCV trong cả ba nội dung thi đấu cá nhân tại Hội thi thể thao người khuyết tật 2014 ở TP Cần Thơ.
Bị tật nên phải cố gắng
Hồng Lợi cho biết: “Tôi tên Nguyễn Hồng Lợi và thường được gọi là Cụt vì tật bẩm sinh. Nhiều người ngại gọi tên Cụt vì sợ tôi buồn. Nhưng tôi nói “đừng ngại, hãy gọi tôi là Cụt” vì tôi thích thế. Nhà nghèo nên cha mẹ đưa tôi vào làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) khi mới 5 tuổi. Tại đây tôi được ăn, được học, được vui chơi và lớn thành người”.
Dù bị tật nhưng Hồng Lợi lại rất hiếu động và mê thể thao. Anh nói: “Mình bị tật nên phải cố gắng hơn người bình thường để giữ sức khỏe”. Nhưng hãy tưởng tượng bạn sẽ bơi thế nào nếu chỉ có một tay? Chắc chắn sẽ quay vòng vòng như khi không quen bơi xuồng bằng một mái chèo. Hồng Lợi đã tự tập luyện để bơi thẳng chỉ với một tay vì chẳng sách vở nào chỉ dẫn. Chẳng những bơi được, Hồng Lợi còn nhiều năm liền giành HCV tại các giải thể thao người khuyết tật toàn quốc và HCĐ tại ASEAN Para Games 2013 ở Myanmar trong màu áo tuyển VN.
Mở cửa đường đời
Trên đường đời, cuộc gặp gỡ tình cờ như định mệnh với nhà thiết kế Sỹ Hoàng tại cuộc triển lãm tranh Bên đời có em năm 2005 cộng với chút đam mê vẽ, Hồng Lợi đánh bạo xin vào làm cho nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Nhưng chính Lợi cũng ngạc nhiên khi nhà thiết kế Sỹ Hoàng gật đầu ngay. Mất ba năm học việc, Hồng Lợi mới được thầy giao chiếc áo đầu tiên để vẽ. Từ những nét vẽ đầu tiên còn run rẩy, đến nay Hồng Lợi là một trong những cây cọ chính trong xưởng vẽ áo dài của nhà thiết kế Sỹ Hoàng.
Hồng Lợi nói: “Vẽ áo dài đòi hỏi sự khéo léo, phối màu tinh tế, kiên trì chăm chút từng nét vẽ trong 2-4 ngày liên tục để hoàn thành chiếc áo. Không gì vui hơn khi tôi thấy chiếc áo do mình vẽ làm đẹp thêm những người mặc nó, các người mẫu biểu diễn thời trang”. Kỷ niệm khó phai nhất là khi Hồng Lợi bất ngờ được thầy giao vẽ áo cho hoa hậu Hàn Quốc khi cô sang VN tham dự một cuộc thi sắc đẹp. Trước sự ngơ ngác của Hồng Lợi, thầy Sỹ Hoàng động viên: “Con cứ vẽ đi, thầy tin con làm được”. Và Hồng Lợi hoàn thành tác phẩm sau bốn ngày vẽ cật lực trên nền chiếc áo dài trắng muốt.
Năm nay 27 tuổi, Hồng Lợi vẫn ở lại làng Hòa Bình giúp đỡ những em nhỏ như để trả ơn mình được cưu mang thuở nhỏ. Hồng Lợi tập bơi cho các em, khuyến khích họ đến với thể thao để rèn luyện sức khỏe, sống vui hơn. Hồng Lợi nói: “Tôi có thu nhập ổn định để tự lo cho mình và giúp đỡ gia đình. Với thể thao, tôi được đi nhiều nơi, giao lưu với bạn bè đồng cảnh ngộ. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện nay. Tôi chỉ khác người bình thường vì những khiếm khuyết trên cơ thể”.
[box]Diễn viên Hồng Lợi
Hai chữ “tình cờ” cũng đưa Hồng Lợi đến với con đường nghệ thuật điện ảnh. Cộng hưởng từ rất nhiều sự trùng hợp để tạo “cơ hội” cho Hồng Lợi được quen và trò chuyện với đạo diễn Việt Bảo ở một quán cà phê lề đường.
Có lẽ, sự lanh lợi trong cơ thể khuyết tật của Hồng Lợi đã gây ấn tượng nên bẵng đi một thời gian, đạo diễn Việt Bảo lại mời Hồng Lợi vào vai thám tử trong bộ phim hài hước Chuyện xứ dừa bên cạnh những diễn viên Thanh Ngọc, Phương Dung... Và Hồng Lợi đã vào vai thám tử “Sáu sầu đời” một cách hài hước, duyên dáng. Không ít lần Hồng Lợi được khán giả nhận mặt sau khi bộ phim được trình chiếu. Anh rất vui khi được khán giả nhớ và gọi với cái tên “anh Sáu, anh Sáu”.
Lối diễn xuất tự nhiên giúp Hồng Lợi được mời vào vai bụi đời trong phim Truy đuổi. Đây mới là vai diễn tâm đắc của Hồng Lợi bởi nó như bản sao cuộc đời anh. Hồng Lợi nói: “Tôi vào vai thằng bụi đời cùng đám bạn làm đủ mọi việc, từ bán vé số đến bán phim sex để kiếm tiền giúp trẻ mồ côi. Vai diễn này khiến tôi nhớ lại thuở nhỏ từng đi bán vé số, thích nhất là tên Minh “cụt” bởi Cụt chính là tôi và nơi đóng phim là chân cầu Thủ Thiêm rất gần nhà tôi... Điều này giúp tôi diễn rất cảm xúc”.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận