Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm thành tựu kinh tế tư nhân ngày 2-5 - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Diễn đàn kinh tế tư nhân VN 2019 chiều 2-5 đã có phiên đối thoại đặc biệt giữa lãnh đạo của Chính phủ, Ban Kinh tế trung ương, bộ ngành với hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân VN nhằm tháo gỡ khó khăn và thảo luận những giải pháp để khu vực kinh tế tư nhân bứt phá.
Có nhận thức đúng mới có quyết tâm xây dựng đội ngũ doanh nhân thực sự có ý thức chính trị, có tinh thần tự lực tự cường, có tự tôn dân tộc, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Bình (trưởng Ban Kinh tế trung ương)
Thủ tướng hỏi, doanh nhân trả lời
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kinh tế tư nhân nổi lên là một động lực quan trọng dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế khi tạo ra khoảng 42% GDP, thu hút 65% lực lượng lao động... Nhiều doanh nghiệp tư nhân khẳng định được giá trị của mình và được người dân tin tưởng.
Thủ tướng thừa nhận thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh dù đã có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc, đôi khi thể chế còn chưa thực sự kiến tạo mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp, Nhà nước cần làm gì? Thủ tướng hỏi và cho hay Chính phủ rất mong được nghe ý kiến của doanh nghiệp.
Ông Trương Gia Bình, phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, thẳng thắn đề nghị trao nhiệm vụ cho khu vực tư nhân hai dự án là đường sắt Bắc Nam và cảng hàng không Long Thành. "Nếu Chính phủ giao cho khối tư nhân thì tôi tin chắc rằng thực thi không phải 30 năm, mà sẽ trong vòng dưới 10 năm" - ông Bình nói.
Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà đã đưa ra 3 kiến nghị với tư cách hãng đầu tiên mở đường đầu tư vào lĩnh vực hàng không theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Cho rằng Vietjet cất cánh mang đến những thay đổi cho ngành hàng không VN, hàng triệu người dân được tăng cơ hội đi lại, chủ tịch Vietjet gửi tới Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương 3 kiến nghị nổi bật để VN thực sự trở thành một quốc gia kiến tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.
Thứ nhất, bà Thanh Hà đề nghị Chính phủ ưu tiên tập trung sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển hạ tầng các sân bay quá tải đang làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, Thủ tướng đã khẳng định "những gì tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm".
Để đẩy nhanh tiến độ, đề nghị cho các tập đoàn tư nhân có tiềm lực tham gia đầu tư hạ tầng sân bay. Bà Hà cho rằng Vietjet đầu tư có những dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Như đề xuất dự án sân bay Điện Biên, dự tính phải 60 - 70 năm mới hoàn vốn nhưng đây là dự án có ý nghĩa lịch sử.
Thứ ba, bà Hà nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân mong được ứng xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, tích cực, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong. Chủ tịch Vietjet cho hay theo thống kê quốc tế, hàng không góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cứ 1% tăng trưởng của hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP.
Trả lời kiến nghị của Vietjet, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói những năm qua, bộ đã huy động vốn tư nhân đầu tư cho giao thông rất lớn. Vietjet Air sau 7 năm hoạt động đến nay đã trở thành thương hiệu hàng không toàn cầu. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào giao thông mang lại hiệu quả rất lớn.
Nhấn mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không, ông Thể khẳng định bộ đang kêu gọi xây dựng sân bay Sa Pa (Lào Cai), sân bay Lai Châu, sân bay Nà Sản (Sơn La) và cho hay trong lĩnh vực hàng không sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư.
Ông Thể thông tin thêm đã có một tập đoàn quan tâm đầu tư sân bay quốc tế Long Thành, sân bay này sẽ đầu tư theo hình thức PPP, Nhà nước chỉ bỏ vốn giải phóng mặt bằng và một số hạng mục hạ tầng. Phần còn lại huy động vốn xã hội, Chính phủ đang giao cho bộ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước huy động các nguồn vốn xã hội tham gia dự án.
Chính phủ đẩy nhanh tốc độ ra quyết định
Thủ tục hành chính của VN vẫn là điều các doanh nghiệp tư nhân mong muốn Chính phủ có giải pháp đột phá. Ông Nobufumi Miura, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại VN, thẳng thắn: "Chúng tôi vẫn mong Chính phủ VN đẩy nhanh tốc độ ra quyết định, thông qua việc phân cấp quyền hạn và làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền".
Dù Chính phủ có nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên, ông Trương Gia Bình cũng cho rằng vẫn còn tình trạng "trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh" khi doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho rằng có nhận thức đúng mới có quyết tâm xây dựng đội ngũ doanh nhân thực sự có ý thức chính trị, có tinh thần tự lực tự cường, có tự tôn dân tộc, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc.
Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế cá thể cùng với kinh tế tư nhân sẽ là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Tuy nhiên, nhiều thách thức trong phát triển kinh tế tư nhân chưa được khắc phục, nhiều rào cản còn hạn chế kinh tế tư nhân. Do đó cần tiếp tục ưu tiên bổ sung các dự án luật đưa kinh tế tư nhân vào các chương trình phát triển xã hội...
Sau khi kết thúc diễn đàn này, các kiến nghị sẽ được gửi đến bộ, ban ngành để có giải pháp cải thiện.
Visa không phải yếu tố quyết định
Bà Nguyễn Phương Lan - phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao - cho biết VN đã miễn thị thực đơn phương cho 13 nước từ năm 2004. Đến năm 2017, Chính phủ cấp thị thực điện tử (evisa) cho công dân trên 80 nước với thủ tục thuận lợi.
Bà Lan cho rằng chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch VN. Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, tỉ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn thị thực.
Bà Nguyễn Phương Lan nêu quan điểm chính sách miễn thị thực đơn phương để tạo điều kiện thuận lợi cho khách cần đi đôi với cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước. Ví dụ, miễn thị thực cho khách du lịch Hàn Quốc, song đội ngũ hướng dẫn viên hay tour tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đại tá Nguyễn Văn Thống - phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an - nhận định miễn thị thực không phải tiêu chí để người nước ngoài chọn du lịch VN. Ví dụ khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khách nhập cảnh VN dù công dân nước này không được miễn visa.
Hiện Bộ Công an xây dựng hồ sơ sửa đổi và bổ sung một số điều trong Luật 47 nhập cảnh - xuất cảnh - quá cảnh của người nước ngoài tại VN để trình Chính phủ. Trong đó VN sẽ đơn phương miễn visa 15 ngày cho công dân một số nước và bỏ quy định về thời gian giữa các lần nhập cảnh.
Ông Thống cho rằng người nước ngoài đánh giá thủ tục thị thực VN thông thoáng, thời hạn xét duyệt 1 - 3 ngày, không cần chứng minh tài chính hay lấy vân tay như nhiều quốc gia khác.
Chính sách visa là rào cản
Ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist, cho rằng thủ tục cấp visa của VN khiến những người xin cảm thấy không được chào đón. Ông Sơn đề xuất miễn visa cho nhiều quốc gia, có thể miễn 5 - 10 năm với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên.
Vị này cũng cho rằng ngành du lịch VN chưa có dữ liệu, chưa có chiến lược cụ thể để thu hút thị trường tiềm năng mà đang tập trung vào đại trà, thiên về lượng hơn là chất. "VN đã có những sản phẩm thương mại quốc gia chưa? Hàn Quốc có sâm, châu Âu có shopping, Cuba có xì gà" - ông Sơn đặt câu hỏi.
Ông Phạm Hà, giám đốc Công ty du lịch Sang Trọng, cho rằng hiện có bốn nút thắt trong ngành du lịch, đó là visa, đào tạo nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, xúc tiến hiệu quả.
Chính sách du lịch đang có nhiều vấn đề, nhưng ông Phạm Hà đặc biệt nhấn mạnh tới chính sách cấp visa, đây là rào cản rất lớn. Ông Hà kiến nghị nên bỏ visa càng nhiều nước càng tốt, Indonesia bỏ visa tới 169 nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận