Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư lấy mẫu xét nghiệm cho các cháu đến từ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh - Ảnh: THÚY ANH
Quy định về tổ chức bữa ăn bán trú trường học khá chặt chẽ từ khâu cung ứng sản phẩm đến quy trình chế biến, giám sát.
Theo đó nhà trường phải hợp đồng với một đơn vị cung ứng thực phẩm có đủ tư cách pháp nhân, tuyệt đối không được tự ý mua thực phẩm trôi nổi. Nhà trường và có trách nhiệm giám sát chất lượng thực phẩm, quy trình chế biến và lưu mẫu thực phẩm hàng ngày.
Tuy nhiên, lý thuyết chặt chẽ bao nhiêu thì thực tế lại tồn tại nhiều lỗ hổng bấy nhiêu. Đơn vị cung ứng thực phẩm do nhà trường quyết định, ký kết hợp đồng. Nguồn thực phẩm đưa vào trường học mỗi ngày hầu như không có sự giám sát của phụ huynh.
Quy trình chế biến thực phẩm, chất lượng bữa ăn của trẻ mỗi ngày thế nào cũng là một vấn đề bỏ ngỏ. Tất cả phụ thuộc phần lớn vào cái "tâm" của người lãnh đạo trường học.
Vai trò giám sát của phụ huynh chưa có điều kiện phát huy khi mà nhà trường hầu như "tự khép kín" vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú. Và mọi việc chỉ vỡ lở khi phụ huynh cố ý theo dõi, đột nhập phát hiện thực phẩm bẩn hoặc là đội ngũ giáo viên trong trường bức xúc, chụp ảnh tố cáo về chất lượng bữa ăn.
Lâu nay, vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học không đảm bảo đã râm ran ít nhiều khi mà nhiều vụ việc bị phanh phui trước ánh sáng. Tuy nhiên, câu chuyện học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh hôm nay mới thật sự là nỗi kinh hãi của phụ huynh.
Những clip về thịt lợn bẩn có ấu trùng sán trắng li ti rồi thịt gà bở nát như cám dùng để nấu cháo cho trẻ khiến chúng ta rùng mình.
Dẫu mọi thứ đã dần dần hiện rõ mối nguy về an toàn thực phẩm thì đại diện nhà trường vẫn khăng khăng khẳng định mọi thứ "an toàn". Và giờ thì kết quả xét nghiệm ít nhất 209 trường hợp trẻ ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn như một lời tố cáo mạnh mẽ nhất trước cái "tâm" có phần lu mờ của một vị lãnh đạo trường học.
Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước. Bởi vậy, để thực phẩm bẩn tuồn vào trường học là một tội ác. Hậu quả hôm nay phải quy trách nhiệm nặng nề cho lãnh đạo trường học xảy ra bê bối thực phẩm bẩn. Đồng thời phải có các chế tài xử lý, nghiêm trị thích đáng đối với đơn vị cung ứng thực phẩm bẩn.
Không thể chấp nhận tình trạng "đầu độc" sức khỏe của con trẻ chỉ vì lợi ích cá nhân, lòng tham không đáy của một cá nhân, tổ chức nào!
Và để ngăn ngừa các vụ việc tương tự xảy ra cũng như neo giữ niềm tin của xã hội, cần phải giao trách nhiệm và ràng buộc chặt chẽ về chất lượng bữa ăn học đường cho hiệu trưởng nhà trường. Vai trò quản lý, giám sát của lãnh đạo phòng giáo dục cũng như chính quyền địa phương cũng cần phát huy hơn nữa trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm ở trường học.
Tổ chức bữa ăn bán trú trường học cần được công khai, minh bạch như một loại hình dịch vụ, kinh doanh. Vai trò giám sát của phụ huynh phải được tôn trọng, họ có quyền hỏi, xem, ngửi, sờ, ăn thử những món ăn sắp được bày biện lên bàn cho con trẻ và loại trừ tối đa các tình huống "rình mò", "theo dõi", "đột kích" như trước đây.
Khi vai trò giám sát của cộng đồng được tăng cường, thực thi nghiêm túc, lẽ tất nhiên là bất kỳ âm mưu đen tối nào muốn trục lợi từ bữa ăn của trẻ cũng đều phải e ngại, dè chừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận