14/11/2019 13:45 GMT+7

Hãy để giáo viên được chọn sách giáo khoa

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Dường như Bộ GD-ĐT vẫn chưa rũ bỏ cách nghĩ sách giáo khoa (SGK) là pháp lệnh. Theo tôi nghĩ, hãy để giáo viên - những người trực tiếp đứng lớp - quyền được chọn bộ/SGK.

Hãy để giáo viên được chọn sách giáo khoa - Ảnh 1.

Một trong số sách giáo khoa lớp 1 mới do NXB Giáo dục công bố - Ảnh: HÀ BÌNH

Đọc bài "Nhiều sách giáo khoa: Ai được chọn? Chọn thế nào?" tôi có mấy ý kiến.

1. Chương trình là cốt lõi. Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông, đây là linh hồn của hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục, của giáo viên trong các trường phổ thông khi soạn giảng, đứng lớp. Như vậy, sách giáo khoa (SGK) là sản phẩm của chương trình giáo dục, là công cụ giúp giáo viên thêm những tiếp cận, làm phong phú tình huống dạy học.

2. Giáo viên chọn SGK. Dường như bộ vẫn chưa rũ bỏ cách nghĩ SGK là pháp lệnh, trước đây là trung ương, bây giờ qua hội đồng cấp tỉnh sẽ thành pháp lệnh... địa phương!? Vì thế, trong mỗi tổ, nhóm chuyên môn của cùng một cơ sở giáo dục, hãy trao cho họ - những người trực tiếp đứng lớp - quyền được chọn bộ/SGK.

3. Chớ theo vết xe đổ. Với nội dung giáo dục địa phương, triển khai như thế nào phụ thuộc vào đặc điểm môn học, năng lực giáo viên, cơ sở vật chất, hướng dẫn thực hiện của địa phương. Địa phương chọn một hay nhiều bộ/SGK thì việc dạy học có xơ cứng, thụ động hay không? Phát triển phẩm chất và năng lực của từng học sinh với bộ/SGK dùng chung trong từng tỉnh thực hiện hiệu quả không?

4. Không kiểm soát đằng chuôi. Nhà trường tự chủ, giáo viên chủ động, học sinh tích cực là con đường phát triển phẩm chất và năng lực thầy trò. Bộ GD-ĐT đừng quá lo chuyện giáo viên chọn sách sẽ dẫn đến quản lý giáo dục mất kiểm soát! Không kiểm soát đằng chuôi là SGK, hãy quản lý chặt chẽ chương trình, kiểm tra, đánh giá người học, người dạy, việc đào tạo nhà giáo cùng cán bộ quản lý giáo dục.

5. Môi trường quản lý SGK tích cực. Biết là trong mỗi cơ sở giáo dục thì hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn có vai trò quan trọng, nhưng đừng giao hiệu trưởng quyết định chọn sách trong trường mình, đúng thì có nhưng ít thôi, đứt gãy nhiều lắm. Học đường trong cơ chế thị trường, không để hiệu trưởng chao đảo.

6. Phát triển bộ/SGK điện tử. SGK in truyền thống là cần thiết, nhưng cũng nên quan tâm đến SGK điện tử. Dạy học thời 4.0, SGK in không nên giữ vai trò độc tôn. Trong chỉ đạo nếu nghiêng về đó, hệ lụy sẽ là thao túng giá cả SGK. Nên nhớ thị trường SGK như con gà đẻ trứng vàng với mỗi khối lớp ngót nghét hơn 1 triệu học sinh.

Giáo viên chọn SGK nào?

Giáo viên thường chọn SGK (hoặc sách tham khảo) mà lý thuyết được viết trọng tâm, dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ thực hành (đối với các môn khoa học thực nghiệm), sách có được hệ thống các bài tập định tính, định lượng đáp ứng được ba yêu cầu nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Công nghệ số, SGK mới cần có thêm đường link giúp người dạy, người học có nguồn học liệu hay trong và ngoài nước.

Nhiều sách giáo khoa: Ai được chọn? Chọn thế nào? Nhiều sách giáo khoa: Ai được chọn? Chọn thế nào?

TTO - Theo quy định, sau khi Bộ GD-ĐT công bố danh sách các sách giáo khoa (SGK) đã qua thẩm định thì các địa phương có thể thực hiện việc chọn sách phù hợp để sử dụng, bắt đầu từ năm học 2020-2021.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên