Phóng to |
Lựa chọn mua sữa cho con tại một cửa hàng ở Q.3, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Chuyện luôn được lặp đi lặp lại, nếu áp giá trần để bình ổn thị trường sữa, lập tức các doanh nghiệp, các nhà kinh tế học sẽ lên tiếng vì hành động này được xem là can thiệp thô bạo vào thị trường, cũng như các công ty không thiếu những “chiêu” lách quy định. Nhưng không áp giá trần, giá sữa như con ngựa bất kham cứ tăng lên mãi, người tiêu dùng bình dân không thể mua nổi thì chính quyền cũng sẽ bị chỉ trích vì không kiểm soát được giá của loại thực phẩm thiết yếu có vai trò quan trọng trong sự phát triển về thể chất, trí tuệ của cả một thế hệ.
Cũng là một bà mẹ, tôi hiểu cảm giác yêu thương lo lắng cho con mình, và sẵn sàng không tiếc tiền mua những gì tốt nhất cho trẻ. Điều này được các công ty sữa khai thác tối đa. Thế là bao năm qua vẫn luôn có chạy đua quảng cáo giữa các công ty sữa, với những đợt tung ra sản phẩm mới và những clip quảng cáo sữa bổ sung chất này chất nọ cùng những tính năng như “tăng trưởng chiều cao”, “tăng cường hệ miễn dịch”, “giúp trẻ phát triển tối đa trí thông minh”... Các quảng cáo thường đưa hình ảnh các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng tuyên bố những nhận định này. Chi phí sản xuất cứ thế leo thang theo cuộc cạnh tranh quảng cáo, và giá sữa, hay chính xác hơn là người tiêu dùng, phải lãnh đủ.
Nuôi con nhỏ từ hơn 10 năm trước, tôi từng chỉ mua loại sữa ngoại đắt tiền nhất trên thị trường, và nghĩ rằng đó mới là sản phẩm tốt nhất. Em gái tôi là một giáo viên, than rằng tiền sữa cho con là khoản chi tiêu lớn nhất, nặng nhất, đến tháng lãnh lương xong chưa kịp đem về nhà, ghé hàng tạp hóa mua mấy lon sữa cho con là đã... hết sạch!
Cho đến khi tôi được nghe một bác sĩ dinh dưỡng rất nổi tiếng cho biết thật ra hầu hết những chất bổ sung vào sữa (được tuyên bố) đó rất rẻ, lại khá phổ biến trong thực phẩm thông thường (mà khả năng hấp thu chúng từ sữa không cao hơn từ các thực phẩm thông thường). Từ đó, tôi chỉ mua cho con sữa bột từ các công ty VN sản xuất với giá rẻ hơn nhiều, và thấy con mình vẫn phát triển khỏe mạnh.
Sau này có dịp ra nước ngoài tôi nhận thấy hầu như người ta chỉ cho trẻ con (từ 2 tuổi) uống sữa tươi (loại sữa bò tươi dùng ngay chỉ bảo quản lạnh trong vài ngày, không phải sữa hoàn nguyên), chứ hầu như không dùng sữa bột. Sữa tươi có thể đa dạng, giá khác nhau tùy theo đó là sữa nguyên kem, sữa hữu cơ (organic), sữa gầy, bổ sung vitamin A, D..., nhưng cách biệt về giá không quá nhiều. Khi tôi hỏi nhiều người ở các nước này tại sao không dùng sữa bột, ai cũng ngạc nhiên. Bởi vì họ cho rằng ngoại trừ sữa công thức cho trẻ dưới 2 tuổi hoặc cho những người có bệnh cần dùng sữa theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào đó, sữa bột chỉ dùng để làm bánh, pha cà phê, vì sữa bột hoàn toàn từ sữa tươi làm khô rất hiếm, và chỉ bảo quản trong thời gian rất ngắn, còn lại đều là sữa đã tách những chất dinh dưỡng quan trọng nhất và thay thế bằng những chất tương tự dễ bảo quản hơn nhưng hàm lượng dinh dưỡng giảm sút rất nhiều.
Vì thế, tôi nhận ra rằng thị trường sữa VN (mà phần lớn là sữa bột) cũng là một dạng “bong bóng”. Người ta thổi vào đó những giá trị quá mức để tăng giá bán nhưng người tiêu dùng đã không có hiểu biết đầy đủ về giá trị dinh dưỡng của các loại sữa để có sự chọn lựa thích hợp.
Vì thế, thiết nghĩ sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường sữa không phải là thả nổi hay kiểm soát giá sữa, mà là can thiệp để các công ty phải công bố thông tin về hàm lượng dinh dưỡng trong sữa, cũng như tăng cường sự tham gia và cung cấp thông tin minh bạch và mang tính chất phi lợi nhuận của các nhà khoa học về giá trị dinh dưỡng của sữa cho người tiêu dùng (chứ không phải thông tin theo quảng cáo của các công ty). Chính sự lựa chọn của người tiêu dùng mới là công cụ điều chỉnh tốt nhất để thị trường sữa phát triển lành mạnh và đúng quy luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận