Hay đâu vang vọng một miền nhân gian

ZÉT NGUYỄN 10/03/2019 18:03 GMT+7

Hiếm có một tác phẩm văn chương Mỹ Latin nào lại được nhiều người khổng lồ của chính mảnh đất ấy tụng ca như Pedro Páramo (*) của Juan Rulfo.

Ảnh: M.N.
Ảnh: M.N.

Gabriel García Márquez ngốn ngấu đến hai lần cuốn sách mỏng mảnh trong một đêm và tuyên bố mình đã thuộc làu làu, còn hơn thế, cho rằng nó sẽ trường cửu như những gì do Sophocles viết ra. Carlos Fuentes coi nó là “cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của Mexico”. Jorge Luis Borges thì cho rằng đọc văn của Juan Rulfo như gỡ một chiếc cầu vồng và đó là việc gần như bất khả.

Vậy, thứ văn xuôi như thơ trong một cuốn tiểu thuyết chỉ hơn 200 trang với cấu trúc phức tạp bất ngờ của một nhà văn chỉ xuất bản hai trước tác ngắn ngủi có gì ma mị gây ám ảnh lên độc giả lẫn người viết văn, mà một ví dụ điển hình là câu mở đầu lừng danh trong Trăm năm cô đơn của García Márquez thực ra là mô phỏng đầy âm vọng của người bậc thầy kể chuyện tiền bối?

Pedro Páramo mở đầu bằng một chuyến đi tìm cha của Juan Preciado, làm theo lời trăng trối của mẹ, để rồi mắc kẹt trong cái thế giới pha trộn giữa địa ngục và nhân gian: “Tôi tới làng Comala vì người ta bảo rằng cha tôi, một Pedro Páramo nào đó, đã từng sống ở đây”. Người đọc ngay lập tức nhận ra công thức quen thuộc của văn chương kinh điển, như đồng vọng với bao chuyến dịch chuyển trong thần thoại: một hành trình tìm kiếm, không chỉ người sinh thành ra mình, mà còn là chính bản dạng cá nhân, một cuộc đi và gặp.

Rất nhanh chóng, chính Juan Preciado (và độc giả) dần dần nhận ra có một sự trái ngược đến kinh ngạc giữa miền đất chôn nhau cắt rốn của bà mẹ từng một thời sầm uất và mơn mởn sức sống trong quá khứ với một ngôi làng hoang vắng không một bóng người của hiện tại.

Cuộc hành trình tìm kiếm nguồn cội biến thành cuộc tương tác với những bóng ma thầm thì những lời vang vọng mà ngay ở lần gặp gỡ đầu tiên của Preciado với người dắt lừa, anh đã được thông báo hai điều: cha anh đã chết từ lâu; và ông ấy là một mối thù nóng bỏng.

Một bức ảnh của Juan Rulfo - người không chỉ được ca ngợi về tài năng văn chương với Pedro Páramo mà còn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh thực thụ.


Các mảnh cắt của câu chuyện dần được hé lộ một cách ngẫu nhiên mà qua đó vài giai đoạn lịch sử đầy biến động được tái hiện ở ngôi làng thuộc bang Colima ở miền Tây Mexico cuối thế kỷ 19: từ cuộc nội chiến 1910 chống lại chế độ độc tài của Porfirio Díaz, đến tận cuộc chiến nhân danh tôn giáo Cristero những năm 1920, và đến thời điểm Juan Preciado quay về tìm cha là những năm 1940.

Nổi bật trong bối cảnh lịch sử đẫm những tàn sát và đói nghèo là nhân vật người cha trong cuộc kiếm tìm, kẻ từng ruồng rẫy bà mẹ của Juan Preciado: Pedro Páramo. Páramo là rất nhiều thứ trong một con người: một thanh niên điển trai chuyên quyến rũ các cô gái, một kẻ đầy mưu mô khát khao của cải và thao túng quyền lực không từ một thủ đoạn nào, một kẻ giết người máu lạnh sống trên pháp luật và coi mình là luật, một kẻ tình si suốt đời không được đáp trả, một thủ lĩnh địa phương sau khi thâu tóm điền sản khắp vùng sẵn sàng khoanh tay để cả làng kiệt quệ.

Pedro Páramo được chia thành 69 khúc đoạn, mỗi đoạn có thể dài từ vài câu đến vài trang, không tuân theo bất cứ trình tự tuyến tính về thời gian nào. Không chỉ là chuyện kể về sự suy tàn của một ngôi làng, mà còn của những con người bị bạo tàn của lịch sử thời đại quét qua và giày xéo, Pedro Páramo phô bày trên trang văn một nơi chốn tưởng như địa ngục bị bao trùm trong chết chóc, nơi những tiếng nói của các hồn ma bóng quế không được siêu thoát, vốn là người dân làng Comala, lưởng vưởng thi nhau, như một dàn hát bè, xướng lên câu chuyện về số phận của mình.

Đó là giọng kể của Dorotea - bà già chuyên ăn xin ở làng; của Eduviges Dyada - người phụ nữ từng là bạn thân của mẹ Juan; của Susana - người tình trong mộng của Pedro Páramo, hóa điên hóa dại trở về quê cũ sau khi chồng chết...

Không phải ngẫu nhiên mà tên đầu tiên của tiểu thuyết này là Los murmullos - Những tiếng thì thầm. Xen giữa những lời nói của hàng loạt nhân vật tái tạo đời sống của ngôi làng dãi dầu qua bao năm tháng lại là những đoạn ngoại đề ngợi ca quá khứ của chính Dolores Preciado, mẹ của Juan, người từng bị Páramo dụ dỗ kết hôn chỉ nhằm mục đích được xóa nợ và chiếm đoạt tài sản. Chính lối kể đồng hiện như vậy càng làm hiện thực hoang tàn của hiện tại tương phản với quá khứ và biến Pedro Páramo thành một câu chuyện của những cực trái ngược và mơ hồ.

Với hình thức kể chuyện độc đáo và cực kỳ cách tân như vậy, Pedro Páramo là tác phẩm để đọc nhiều hơn một lần: nó kích thích, nó đòi hỏi những lần đọc tiếp theo. Thứ văn xuôi mê hoặc, tưởng chừng rời rạc nhưng lại bao chứa vô số chủ đề từ tôn giáo, lịch sử, chính trị, ký ức cá nhân... của nó thúc giục độc giả nỗ lực sắp xếp các chi tiết, các trường đoạn, các nhân vật... cho khít vào một bức tranh tổng thể. Như chính tác giả của nó tâm sự trong một cuộc phỏng vấn: cuốn tiểu thuyết của Juan Rulfo được thiết kế để đọc ít nhất ba lần. Và đó chính là nơi mà văn bản biến hành vi đọc thành lắp ghép.■

Một bức ảnh nổi tiếng khác của Juan Rulfo.

(*): Dịch giả Nguyễn Trung Đức, NXB Hội Nhà Văn và Phanbook, 2019.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận