06/01/2017 08:07 GMT+7

Hãy 'cởi trói' để chào đón người tài

TS ĐỖ THIÊN ANH TUẤN - N.BÌNH ghi
TS ĐỖ THIÊN ANH TUẤN - N.BÌNH ghi

TTO - Chia sẻ cảm xúc từ bài viết “Hãy trỗi dậy, Việt Nam!”, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng nếu có thể Đổi mới lần 2, thì đó là cần phải đổi mới con người.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn -  Ảnh: N.Bình
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Ảnh: N.Bình

Nếu như Đổi mới lần 1 là khơi gợi nguồn lực kinh tế thì Đổi mới lần 2 phải từ nguồn lực con người. Phải làm sao để nguồn lực này bung ra, bung hết cỡ. Đừng để những con người có năng lực bị trói buộc, không thể hiện hết khả năng

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn

Chính phủ không thiếu những chương trình kêu gọi, thu hút nhân tài nhưng chúng ta vẫn đang thiếu cơ chế để những nhân tài ấy phát huy năng lực và đóng góp cho đất nước.

Bắt đầu từ bộ máy nhà nước

Hội nhập, phát triển nền kinh tế ngày càng tinh vi hơn đòi hỏi những con người điều hành thích ứng với sự tinh vi đó và quản lý được nó. Chúng ta có vẻ như đang thiếu những con người hiểu cặn kẽ sự tinh vi của nền kinh tế hội nhập, của những biến chuyển mới trong thế giới ngày càng liên quan chặt chẽ với nhau.

Hệ thống quản trị của chúng ta có vẻ như đang thiếu nhân tài như vậy, trong khi những người có đủ khả năng thì lại chưa thể tham gia vào hệ thống vì những trở ngại khác nhau.

Với cơ chế hiện nay, tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa thật sự "cởi trói" để chào đón những người tài, những con người am hiểu, có tri thức đủ sức vận hành nền kinh tế theo những thay đổi nhanh chóng của thế giới.

Điều này ở một chừng mực nào đó đã vô tình trở thành một lực cản phát triển nền kinh tế. Giới doanh nghiệp vẫn truyền tai câu “Cái gì Nhà nước không quản lý được thì cấm” và doanh nghiệp nhiều lần “chịu trận” bởi cách quản lý này. Trong khi chúng ta đều hiểu không quản lý được là do năng lực quản trị kém, sự yếu kém trong quản lý làm cho nền kinh tế không đáp ứng được sự phát triển của xã hội.

Quy luật của nền kinh tế luôn vận động, đi lên, đáng ra cán bộ công chức phải luôn nâng cấp, tương thích với sự vận động đó thì chúng ta lại không có động lực để tự làm điều đó.

Đã đến lúc chúng ta bỏ tư duy quy hoạch cán bộ một cách cứng nhắc. Quy hoạch cán bộ cần được xem là tín hiệu phát ra cơ hội phát triển cho các cá nhân chứ không phải là sự triệt tiêu động lực phấn đấu, dám làm của các cá nhân.

Muốn vậy, cần có tiêu chuẩn hệ thống đánh giá quy hoạch nhân sự dựa trên năng lực, hiệu quả công việc, nỗ lực phấn đấu chứ không phải quan hệ, lợi ích nhóm... Chừng nào chúng ta chưa có thể chế dung nạp, hấp thu người tài thì tình trạng “chảy máu chất xám quốc gia” vẫn còn tiếp diễn.

Cần thu hút thêm người tài, có tri thức để đủ sức vận hành nền kinh tế theo những thay đổi nhanh chóng của thế giới. Trong ảnh: thí sinh thi tuyển công chức ở TP.HCM -  Ảnh: Tự Trung
Cần thu hút thêm người tài, có tri thức để đủ sức vận hành nền kinh tế theo những thay đổi nhanh chóng của thế giới. Trong ảnh: thí sinh thi tuyển công chức ở TP.HCM - Ảnh: Tự Trung

Tăng năng suất từ giáo dục

Tại sao Singapore có năng suất lao động cao gấp nhiều lần Việt Nam? Chừng nào con người chưa giải phóng được năng lực thì khó cải thiện được năng suất lao động. Đổi mới lần 2, vì vậy, phải tập trung về con người từ lãnh đạo đến mỗi công dân. Mỗi con người trong hệ thống phải tự giải phóng, nâng cấp mình. Và họ cần có động lực làm việc để một người có thể làm bằng công việc của hai hay ba người.

Trong kinh tế, có hai yếu tố đóng góp cho tăng trưởng là vốn tích lũy và lao động, làm sao cùng một đơn vị vốn và lao động, chúng ta tạo ra nhiều sản phẩm đóng góp cho xã hội càng tốt. Việt Nam đang ở trong tình trạng trang bị vốn trên lao động chưa đủ hay hiểu đúng hơn, chúng ta đang thừa lao động nhưng lại thiếu vốn để sử dụng lao động.

Nhưng ngay cả khi lao động có việc làm thì số lao động hữu dụng cũng chưa cao, lao động Việt Nam vẫn thường bị đánh giá thiếu kỹ năng, phải đào tạo lại. Đó là bài toán thường được nhắc nhiều trong các báo cáo đánh giá.

Chung quy của những câu chuyện trên là nền tảng giáo dục. Việt Nam đang cần một nền giáo dục thực chất, không trọng bằng cấp, đào tạo những lao động có kỹ năng, những công dân có năng lực làm chủ đất nước. Cải cách giáo dục không chỉ mang lợi ích hiện tại mà còn cho tương lai. Một thế hệ khù khờ không thể quản lý gia sản quốc gia để lại, nên câu chuyện đổi mới lần này giáo dục không thể nằm ngoài.

Hãy làm tốt công việc của mình

Tôi thường nhớ câu thơ trong sách giáo khoa đã học hồi phổ thông: “Đất nước này là đất nước của nhân dân”. Tôi nghĩ, ý thơ không chỉ nói về việc làm chủ của người dân mà còn là vai trò của mỗi người trong sự chuyển động của đất nước, đi về trước hay thụt lùi là do mỗi người dân tham gia vào tiến trình ấy.

Nghĩ vậy nên tôi vẫn luôn tự nhủ, việc chúng ta đóng góp cho đất nước hay địa phương mình sống không phải là vấn đề lý thuyết suông, mang ý to tát hóa tình yêu nước, phụng sự Tổ quốc mà được thể hiện mỗi ngày thông qua vị trí công việc mà mình đang phụ trách, được giao.

Hãy làm tốt việc mình đang làm! Bạn có từng tự hỏi bản thân đã làm tốt nhất công việc của mình? Nhiều khi việc của mình chúng ta làm chưa tốt, còn trễ nải, còn nhiều sai sót nhưng lại rất dễ thấy những chỗ dở của người khác cũng như những tồn tại (đương nhiên) của mọi người, xã hội xung quanh.

Đó là cái dở của mình đã làm trì trệ thêm khả năng có thể đóng góp cho nơi mình đang làm, xa hơn là cho đất nước - thay vì dành thời gian chê bai xung quanh, mình tập trung cho hoàn thiện chính mình hơn.

Bạn đã thực làm tốt công việc của mình? Xin được hỏi cho bạn nhưng cũng là hỏi cho chính mình - để cùng trăn trở về sự trỗi dậy của đất nước trong ý niệm về sự chuyển động đi lên của mỗi người. Một tập thể làm sao có thể vững mạnh khi mỗi cá nhân không thật sự nỗ lực?

Và một tập thể cũng không thể tiến lên được khi có nhiều người đóng góp mà một vài kẻ phá hoại. Do vậy, bên cạnh việc khơi dậy sự nỗ lực đóng góp của mỗi cá nhân cho đất nước thì nhiệm vụ loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” cũng cấp thiết không kém.

Sự trỗi dậy của đất nước đương nhiên có vai trò của sự thay đổi mạnh mẽ trong việc xử lý những sự bất công, những vụ việc gây mất niềm tin đã hé lộ. Từ đó mới có thể đòi hỏi sự đóng góp của mỗi người dân cho đất nước, cho dân tộc được.

Và đó cũng là một sự cam kết vững chắc, cần thiết, song hành cùng nhau chứ không phải chỉ một chiều, rồi cứ một bên ra sức xây còn một nhóm nhỏ cố phá vì lợi ích cá nhân của mình!

TẤN KHÔI

TS ĐỖ THIÊN ANH TUẤN - N.BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên