Một số bạn đọc cho rằng đó chỉ là trò nghịch ngợm mà không lường hết kết quả và bày tỏ mong muốn nhà trường cho học sinh ấy cơ hội sửa sai và tiếp tục học tập. Song cũng có một số ý kiến cho rằng hình thức kỷ luật ấy là thích đáng, làm gương cho các học sinh khác.
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng một số ý kiến.
Phóng to |
Không thể khoan dung nửa vời
Kỷ luật thôi học một năm như thế là đúng, không nặng gì cả. Không thể đưa ra lý luận các em còn nhỏ mà chấp nhận kiểu ưu ái, khoan dung nửa vời. Nhiều học trò bây giờ trong lớp thì ngoan, chứ thầy cô quay lưng đi là nói này nọ ngay.
Em V. sau khi bị đuổi học phải nhận ra sai lầm của mình, chứ không thể viện lý do là thấy người khác viết tràn lan, mình cũng copy đưa lên Facebook cho vui. Đó là lối ngụy biện, né tránh, bởi người khác khi viết đã dám xem thầy cô là "bọn", em copy về thì em cũng nghĩ như thế chứ khác gì đâu? Vậy có đáng đuổi học không?
Em V. trước đó đã đánh nhau, gọi người ngoài vào trường tham gia đánh. Học sinh nữ lớp 8 thì không thể biện hộ như học sinh tiểu học được. Nhà quản lý và dư luận thương xót em là đúng nhưng ban giám hiệu không thể cho qua chuyện này.
Hãy cho học sinh cơ hội
Tôi nghĩ cho học sinh thôi học một năm vì thóa mạ thầy cô trên mạng là hình thức phạt thỏa đáng, không có điều gì đáng phàn nàn. Tuy nhiên, vì tình thương đối với học trò, thầy cô nên cho em V. một cơ hội. Chỉ buộc thôi học một tuần và xin lỗi thầy cô trước toàn trường về hành vi của mình. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để nhà trường thể hiện tình cảm và giáo dục toàn thể học sinh.
Đừng đẩy học sinh về gia đình
Học sinh lớp 8 còn đang học làm người, nếu em có phát ngôn sai thì phải uốn nắn, sửa chữa, giáo dục. Đẩy học sinh về gia đình thì ai sẽ giáo dục học sinh đó?
Về vấn đề học trò phát ngôn trên Facebook, cần phải xem xét toàn diện, không khéo nhiều khi học sinh vì sợ bị đuổi học mà không dám nói ý kiến của mình trên thế giới mạng thì nhà trường biết đâu mà dạy dỗ?
Cảnh cáo là đủ rồi
Theo tôi, cảnh cáo em học sinh ấy là đủ rồi. Học sinh quậy phá là chuyện thường tình, hơn nữa đây cũng là quyết tâm vượt kỳ thi. Cũng có thể các em chịu quá nhiều áp lực thi cử nên mới hành động nông nổi vậy thôi.
Trách nhiệm giáo dục là ở nhà trường. Tôi thấy không cần thiết phải kỷ luật theo hình thức đuổi học một năm. Mong thay đổi hình thức kỷ luật học sinh ấy. Vì phương tiện truyền thông hiện đại nên các chiêu quậy phá của học trò truyền bá rộng rãi nên mới trầm trọng hơn. Người lớn cần nhận thấy điều này để không coi đây là vấn đề lớn.
Hãy hướng dẫn học trò dùng Facebook
Tôi là một giáo viên ở TP.HCM. Sau khi đọc bài báo , tôi lấy làm hổ thẹn cho cái nghề của mình khi thầy cô giáo lại sử dụng quyền lực đối với trẻ con như vậy.
Bộ GD-ĐT kêu gọi chúng ta đổi mới thì trước hết cái tâm của thầy cô mình phải đổi mới đã, chứ không phải đổi mới thể hiện qua những bài giảng điện tử lòe loẹt đầy màu sắc hay những hoạt động văn hóa văn nghệ ồn ào trong giờ dạy.
Trước hết, ta phải biết Facebook là trang mạng xã hội chứ không phải nơi phát ngôn chính thức. Người ta lên Facebook để bày tỏ thái độ hay đùa nghịch là quyền cá nhân của mỗi người miễn là họ không chính thức phát ngôn để bôi nhọ ai cả. Hơn nữa, chúng ta có dám xem học trò nói gì về mình thì chúng ta mới có cơ hội xem lại bản thân để hoàn thiện, chứ còn xử lý kiểu "đe dọa" thế này thì không còn gì là giáo dục nữa. Không khéo thầy cô trở thành những người chỉ biết lăm le đuổi học, kiểm điểm, mời phụ huynh học sinh.
Biện pháp để xử lý học sinh này rất đơn giản: tổ chức buổi nói chuyện trước sân trường để hướng dẫn các em sử dụng Facebook đúng mục đích, nhắc nhở các em không sử dụng mạng xã hội để bôi nhọ người khác, cho em học sinh đọc kiểm điểm rồi hiệu trưởng chân tình chỉ ra những hành vi chưa đúng của em, hướng em đến những việc nên làm khi sử dụng Facebook... Cùng lắm là công bố trước toàn trường hạ 1 hoặc 2 bậc hạnh kiểm của em V. trong tháng đó và hứa với học sinh sẽ xét lại hạnh kiểm của em này ở tháng sau nếu ghi nhận được sự tiến bộ của em.
Chúng ta nên thể hiện cái "bề trên" của mình bằng lòng vị tha sâu sắc chứ không phải là những người có quyền phán xét.
Hơi nặng tay
Bài "tuyên ngôn" này tôi nhớ có đọc vài năm trước rồi. Tôi cho rằng đúng là em V. đã copy chứ không phải tự viết. Với một học sinh lớp 8 mà xử lý kỷ luật cho thôi học một năm như thế quá nặng.
Các em chưa nhận thức được nhiều, đơn giản đây chỉ là một câu chế đùa nhưng các em lại dùng nó không đúng mục đích.
Theo tôi, nên cho em V. đi học, hạ hạnh kiểm, kiểm điểm trước trường và cho vào diện học sinh bị quản thúc bởi gia đình và nhà trường.
Hình thức kỷ luật không mang tính giáo dục
Thiết nghĩ việc kỷ luật buộc thôi học 1 năm như cách mà trường áp dụng rất là tiêu cực và không mang tính chất giáo dục. Sau một năm nghỉ học, liệu em học sinh này có thể tiếp tục học được hay không?
Chỉ nên nhắc nhở
Học sinh này mới học lớp 8 thôi. Vì em mới lớn, thấy cái gì hay hay, ngầu ngầu là đưa lên Facebook mà chưa ý thức được hết nội dung của nó. Mong nhà trường suy xét lại, cùng lắm là nên cảnh cáo trước toàn trường, sẵn dịp nhắc nhở các em khác chăm lo học hành hơn. Học trò lớp 8 còn quá nhỏ, nên nhẹ tay để em thay đổi.
Cẩn trọng với hình phạt
Ở độ tuổi học sinh cấp II, có những việc làm mà các em không nhận thức được hết hậu quả. Nếu nhà trường muốn giáo dục học sinh thì cần tìm hình phạt phù hợp. Có những sự cố chỉ xảy ra một lần nhưng cách giải quyết sau đó sẽ mang đến một bài học, hoặc là làm học sinh tỉnh ngộ hoặc sẽ đẩy chúng đi xa hơn những gì gia đình và nhà trường muốn dạy chúng.
Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn với chúng tôi qua địa chỉ email [email protected] hoặc phần ý kiến bạn đọc phía dưới. Xin cảm ơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận