Ai cũng sẽ cần một thần tượng để lớn, để mơ ước và phấn đấu, nhưng điều quan trọng là thần tượng đó có ý nghĩa như thế nào với mình.
Trào lưu tôn thờ thần tượng - idol worship - không phải là hiện tượng mới trong thời đại này.
Tuy nhiên, với sự kích hoạt, thuận lợi của môi trường Internet thì việc trẻ dễ dàng thần tượng một ai đó qua Internet là một vấn đề đang làm đau đầu rất nhiều nhà giáo dục và các bậc phụ huynh hiện nay.
Gần đây, những lệch lạc trong việc thần tượng ai đó trên mạng và làm theo đang dấy lên một hồi chuông báo động về việc định hình nhân cách giới trẻ trong xu hướng văn hóa thần tượng.
Sự nổi lên và thống trị của nhiều trang truyền thông xã hội với các nội dung phủ đầy hình ảnh, hoạt động và những "kỷ lục" về số like trên Facebook, số subscriber trên YouTube, với những đóng dấu nhãn xanh, nút vàng, nút bạc... vì đông người theo dõi vô hình trung đã tạo ra những "giá trị" rất khó định hình với những người trẻ tuổi.
Trong một cuộc khảo sát (được công bố rộng rãi), nhiều cha mẹ ở Anh có con dưới 10 tuổi đã bầu chọn Cyrus và Minaj là những hình mẫu tồi tệ nhất cho con gái của họ.
Các bậc phụ huynh tại Anh không thích 2 nhân vật này vì sở thích ăn mặc khêu gợi và những câu chuyện ngập ngụa ngôn ngữ tình dục, giới tính mà 2 nữ nghệ sĩ này đưa lên các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội của mình.
Thế hệ trẻ bây giờ sinh ra và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Internet. Các bạn luôn tò mò và rất dễ thần tượng một ai đó, dù chỉ là một người với những hành vi khác thường được tâng bốc trên mạng xã hội.
Những cô bé, cậu bé "tập làm người lớn" nhiều khi không phân biệt được đâu là những clip đóng với kịch bản, đạo diễn, diễn viên; đâu là ảo và đâu là thế giới thật; nhiều khi không phân biệt được nút bạc, nút vàng và không có nút là ra sao...
Nhưng những hậu quả đến từ việc thần tượng quá lố thì luôn là thật.
Hiện tượng bỏ qua lòng tự trọng, liếm ghế thần tượng sao Hàn vừa ngồi, đóng giả thần tượng (cosplay), phẫu thuật thẩm mỹ để giống thần tượng... dù chướng tai gai mắt nhưng vẫn chỉ dừng ở góc độ cá nhân.
Tuy nhiên, khi một nam thanh niên với những ngôn từ tục tĩu, người đầy hình xăm, hành động mang tính vi phạm pháp luật trở thành thần tượng của nhiều bạn trẻ từ mạng ra đời thật thì sự việc nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Chúng ta có thể đổ lỗi cho mạng, cho các em, tuy nhiên điều quan trọng vẫn là môi trường sống và sự tương tác ngoài đời thật có kéo được các bạn trẻ tiếp xúc với những hình mẫu phù hợp hay không.
Để làm sáng tỏ quan điểm thiếu vắng sự tương tác giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện đại, một nghiên cứu công bố vào năm 2012 đã làm khảo sát 401 học sinh ở Hong Kong.
Kết quả cho thấy sự vắng mặt của cha mẹ và nền kinh tế thị trường có ảnh hưởng đến lớp trẻ, hay nói cách khác tạo ra mong muốn tôn thờ thần tượng của thanh thiếu niên.
Sự tôn thờ thần tượng có thể khỏa lấp sự thiếu vắng của cha mẹ. Điều đó cho thấy tôn thờ thần tượng là triệu chứng của sự thiếu hụt "sợi dây liên lạc" giữa cha mẹ và con cái.
Quan trọng hơn cả vẫn là cuộc sống bên ngoài bàn phím. Ở đó cần có những tương tác thật sự và sự quan tâm của cha mẹ là hình mẫu thật.
Cùng với việc làm hình mẫu cho con, hãy hướng con mình tới những hình tượng có thật một cách thuyết phục.
Đôi khi đó có thể là một cậu bạn hàng xóm, một người tồn tại trong môi trường sống. Và hãy kéo dài "ngân hàng hạnh phúc đời thật" của con.
Thay vì vứt cho con cái iPhone, iPad, hãy cho bạn trẻ đời sống thật với những thần tượng tử tế có thật trên đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận