Flycam toàn cảnh các homestay xây trên đất rừng Sóc Sơn
Trong một cuộc họp tháng 6-2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở với lãnh đạo TP Hà Nội nên nghiên cứu mô hình TP có rừng.
Đây là hình mẫu của một đô thị lý tưởng!
Nhưng điều mà Hà Nội cần làm lúc này trước hết là bảo vệ cho được những cánh rừng phòng hộ đang ngày đêm bị "xẻ thịt" để xây chi chít khu nghỉ dưỡng bạc tỉ.
Sự việc hàng loạt ô tô bị vùi lấp ở khu vực hồ Ban Tiện, ngay dưới chân đồi Dõng Chum (núi Hàm Lợn) thuộc xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khiến nhiều người còn chưa hết... choáng.
Dư luận đặt câu hỏi tại sao giữa Hà Nội lại xảy ra sự việc giống như những trận lũ quét như ở miền biên viễn Tây Bắc?
"Cháy nhà mới ra mặt chuột", hình ảnh sau đó cho thấy khu vực đồi Dõng Chum có hàng loạt điểm có dấu hiệu bị san gạt, trơ sỏi đá; dân tự ý xẻ đồi xây đường, homestay, nhà kiên cố xây không phép trên đất rừng.
Tại hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, Sóc Sơn), tình trạng "xẻ thịt" đất rừng diễn ra kinh khủng hơn. Rừng phòng hộ đang dần biến mất để nhường lại cho những khối bê tông đồ sộ chạy dài từ đỉnh đồi xuống tận giữa hồ.
Tháng 3-2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành hai kết luận thanh tra nêu rõ hàng ngàn trường hợp vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn.
Nhưng trớ trêu thay, sau kết luận, việc cưỡng chế các công trình xây sai phép trên đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn không những không được thực thi mà nhà cửa lại càng dày đặc hơn, hoành tráng hơn.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Phạm Quang Ngọc - phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn - khẳng định thời gian qua địa phương xử lý rất "rắn" về vi phạm trật tự xây dựng khu vực hồ Đồng Đò và hồ Ban Tiện; không bao che, bảo kê cho các công trình vi phạm. Nhưng ông nói có tình trạng cấp xã "giấu" các trường hợp vi phạm, dẫn đến "lãnh đạo cấp huyện không biết được tình hình".
Thật vô lý khi huyện không nghe, không thấy, không biết và thật khó hiểu khi "quả bóng trách nhiệm" lại được chuyền cho cấp dưới!
Người dân tại đây cho biết từ khi những người "lắm tiền nhiều của" về các khu đồi ở Sóc Sơn để xây homestay thì cuộc sống của họ trở nên khốn đốn hơn. Bởi sau mỗi trận mưa lớn, sỏi đá, nước cuồn cuộn từ trên đồi xối thẳng vào nhà. Sự cố vừa qua ở Sóc Sơn như một hồi chuông cảnh tỉnh cho chính quyền huyện Sóc Sơn và Hà Nội.
Thử đặt ra giả thiết: nếu sự cố này xảy ra vào ban đêm, các mảng đồi trơ sỏi đá lở những mảng đất lớn hơn, mưa dữ dội hơn thì những nhà dân ở dưới chân đồi sẽ nguy khốn biết nhường nào?
Sau khi bài phản ánh đăng trên Tuổi Trẻ Online, tôi nhận được nhiều email của người dân Sóc Sơn: Cảm ơn bạn vì đã lên tiếng, mong bạn cứu dân, cứu rừng phòng hộ.
Tôi hiểu và chia sẻ mong mỏi của người dân nhưng tôi chỉ là một phóng viên nỗ lực làm hết phận sự của mình. Những mỹ từ "cứu dân, cứu rừng" xin được dành cho chính quyền UBND huyện Sóc Sơn, cao hơn nữa là UBND TP Hà Nội.
Lãnh đạo Hà Nội cần lắng nghe mong mỏi của người dân; "nghe" sự "gào rú" của núi rừng ở Sóc Sơn khi nơi đây vẫn ngày ngày bị "xẻ thịt" đến mức "tứa máu" để có chỉ đạo, biện pháp kịp thời.
Nếu không bảo vệ được những cánh rừng đang có thì giấc mơ "rừng trong phố" sẽ chỉ mãi là... giấc mơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận