Tin nhắn cảnh báo nguy cơ tên lửa đến Hawaii bị gửi nhầm làm người dân hết hồn - Ảnh: Twitter.
Tin nhắn phát đi vào buổi sáng 13-1 lúc 8h07 sáng (tức 1h sáng nay ngày 14-1, giờ VN) với nội dung như sau: "Đe dọa tên lửa đạn đạo đang tới Hawaii. Hãy tìm chỗ trú ẩn ngay. Đây không phải là một cuộc diễn tập".
Chương trình phát thanh và truyền hình cũng bị gián đoạn để cảnh báo người dân "Hãy ở trong nhà".
18 phút sau, người dân nhận được email thông báo báo động là sai và đến 38 phút sau họ mới được thông báo lại trên hệ thống tin nhắn.
Thống đốc bang Hawaii, ông David Ige đã lên tiếng xin lỗi người dân đảo và giải thích sự cố là do một nhân viên phụ trách đã nhấn nhầm nút gửi. Theo Hãng tin Reuters, hiện chính quyền Mỹ đã thông báo sẽ tiến hành điều tra đầy đủ vụ việc.
Tin nhắn được gửi đi qua hệ thống cảnh báo khẩn cấp, được sử dụng trên toàn nước Mỹ nhằm cung cấp thông tin quan trọng cho công chúng. Rất nhiều người đã gọi điện đến Cơ quan Phòng vệ dân sự và qua đường dây 911 để hỏi thêm thông tin. Họ nhận được câu trả lời rằng đó là một cảnh báo sai.
Cơ quan Quản lý khẩn cấp của Hawaii cũng khẳng định "không có mối đe dọa tên lửa nhắm vào Hawaii". Quân đội Mỹ cũng xác nhận "không phát hiện đe dọa tên lửa đạn đạo nào với Hawaii" và cảnh báo là sai.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở Florida vào thời điểm xảy ra báo động và đã được báo cáo tóm tắt tình hình.
Theo Đài BBC, ông Matt Lopresti, nghị sĩ bang Hawaii, kể lại rằng ông đang ở nhà khi nhận được tin nhắn và phải nhanh chóng đưa con cái cùng đồ dự trữ khẩn cấp vào bồn tắm rồi cầu nguyện và cố gắng xác minh thông tin vì ngoài tin nhắn, "chúng tôi không nghe bất cứ tiếng còi báo động nào".
"Bạn không thể làm gì nhiều trong hoàn cảnh như vậy. Chúng tôi làm những gì mình có thể và tôi rất tức giận vào lúc này vì thật không dễ gì có thể mắc một sai lầm lớn như vậy", ông Lopresti phản ánh.
Vào tháng 12-2017, Hawaii đã đưa hệ thống báo động từ thời chiến tranh lạnh trở lại hoạt động để đề phòng tên lửa đến từ Triều Tiên. Bang này cũng tăng cường nỗ lực tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho 1,4 triệu người dân và du khách về cách thức ứng phó với một cuộc tấn công hạt nhân, thông qua các cuộc họp cộng đồng và hệ thống phát thanh truyền hình.
Thống đốc David Ige nói rằng bang này phải chuẩn bị thật tốt để đề phòng mặc dù ông đánh giá khả năng bị tấn công là khó xảy ra.
Hồi tháng 11-2017, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15, mà họ khẳng định đủ sức "đưa Mỹ vào tầm bắn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận