28/06/2019 09:07 GMT+7

Hậu trường kiếm tiền từ Youtube, Facebook của các chủ kênh YouTuber Việt

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Từ 2018, YouTube quy định một kênh cá nhân chỉ có thể bật tính năng kiếm tiền khi đã đủ 4.000 giờ xem trong vòng 12 tháng và 1.000 lượt đăng ký. Một video hút người xem chưa chắc đã kiếm được nhiều tiền...

Hậu trường kiếm tiền từ Youtube, Facebook của các chủ kênh YouTuber Việt - Ảnh 1.

Kênh YouTube Fahoka Xê Dịch của Phạm Hoàng Khải là một trong số ít kênh làm về du lịch nước ngoài hiện nay - Ảnh chụp màn hình

Thế giới mạng không chỉ là không gian cho mọi người giao lưu, kết nối, giải trí, đó còn là mảnh đất màu mỡ cho những hạt giống kinh doanh nảy nở.

Tình cờ, tôi biết kênh YouTube Fahoka Xê Dịch với thumbnail (hình nền) các video luôn là anh chàng điển trai đứng tại các địa danh nổi tiếng trên thế giới. 

Một video "Phượng Hoàng có gì mà vạn người mê - Phượt đơn giản thôi!" dài đến 37 phút, gần bằng thời lượng một chương trình truyền hình và dài gấp 3 lần một tập phim ký sự, vậy mà thu hút trên 220.000 lượt xem.

Những nét đời thường

Video mở đầu bằng cảnh Khải (Fahoka), nhân vật chính, và một ông chú đang loay hoay chuẩn bị lên taxi tại Phượng Hoàng cổ trấn (Hồ Nam, Trung Quốc). 

Dù không biết tiếng Hoa, Khải may mắn được một bạn trẻ tuổi địa phương hỗ trợ về khách sạn. Nhận phòng, cất đồ xong, Khải bắt đầu hành trình khám phá cổ trấn về đêm.

Câu chuyện cứ thế tiếp tục với lịch trình những ngày tiếp theo, chứa đựng những bất ngờ cho người xem. Chẳng hạn, khi Khải đang loay hoay check-in ở khách sạn, người bạn mới quen tưởng đã rời đi thì quay lại ngỏ ý muốn kết bạn WeChat để khi cần hỗ trợ Khải; hay cảnh Khải và ông chú trả giá bất thành "10 tệ/3 cái bánh" với một cô bán hàng không khỏi làm khán giả thích thú.

Để nội dung đầy đặn, phần hậu kỳ, Khải thường thêm lời bình về khung cảnh, con người, hoặc giới thiệu thêm lịch sử và những thông tin ít ai biết đến về nơi đang trải nghiệm. Nhưng không phải bằng giọng điệu của người dẫn trong chương trình khoa giáo, mà pha một chút dân dã như cách 2 người bạn nói chuyện cùng nhau. 

Thỉnh thoảng, Khải giao lưu với khán giả bằng các câu hỏi, những lời khuyên khi đi du lịch. Bỗng có người đi đường bắt chuyện…Thế là khán giả được "thưởng" thêm một cuộc trò chuyện đời thường.

Theo một creator (người sáng tạo video) trên YouTube lâu năm, đa số khán giả thường thích những video vừa có yếu tố độc lạ, lại vừa mang tính dung dị đời thường, bên cạnh các video của người nổi tiếng, các bộ phim, MV ca nhạc… 

Hiện tượng Bà Tân Vlog "nổi đình nổi đám" gần đây là một ví dụ, vừa có nét mới lạ (gà rán khổng lồ, bánh tráng trộn khổng lồ…), vừa "đặc sệt" cái chân chất của một nông dân Bắc Bộ. Đến nay, kênh của bà Tân đã có trên 2,1 triệu đăng ký, chỉ sau khoảng 2 tháng ra mắt.

Đồng tiền đi liền… quảng cáo

Tôi liên hệ với Phạm Hoàng Khải - chủ nhân kênh YouTube Fahoka Xê Dịch - đúng lúc anh đang ngao du nước Mỹ. Kênh của Khải hiện có khoảng 194.000 người đăng ký, trung bình mỗi video có từ vài chục đến vài trăm ngàn lượt view. Khải chia sẻ: "Trước khi đến một quốc gia nào, mình đều nghiên cứu thật kỹ tài liệu theo hai tiêu chí quan trọng: có chuyện để làm hay không và liệu đủ hấp dẫn người xem hay không?". 

Khải ưu tiên cho những nơi còn mới mẻ với đa số người Việt và hạn chế những địa điểm nhiều người đã đi như Thái Lan, Campuchia… Cũng có trường hợp vì "ham của lạ", đến nơi, những gì thực tế khác hẳn với dự tính, Khải phải thay đổi kịch bản hoàn toàn.

Mỗi chuyến đi, Khải thường độc hành và sắm đủ các vai như đạo diễn, quay phim, diễn viên vì như vậy tự do, tiết kiệm chi phí, trừ một số hoạt động trải nghiệm cần nhờ thêm người hỗ trợ quay phim. 

Vậy là, từ một nhân viên văn phòng, Khải đã tạm gác lại để chuyên tâm làm kênh YouTube và xem đây như một "nghề" chính của mình. Trước đó, Khải đã thử nghiệm làm song song cả 2 công việc trong vòng 5 tháng và nhận ra có thể sống được với cái "nghề xê dịch".

Kiếm tiền qua các video trên YouTube không mới, tuy nhiên không phải ai làm video cũng có tiền ngay. Từ năm 2018, YouTube quy định một kênh cá nhân chỉ có thể bật tính năng kiếm tiền khi đã đủ 4.000 giờ xem trong vòng 12 tháng và 1.000 lượt đăng ký. 

Khi đạt chỉ tiêu, các đối tác của YouTube sẽ xét duyệt kênh đó từ 3 - 4 tháng để đảm bảo các video đăng tải không vi phạm pháp luật và quy định của YouTube, nhất là vấn đề bản quyền.

Một video thu hút nhiều người xem chưa chắc đã kiếm được nhiều tiền bởi đồng tiền đi liền với… quảng cáo. Video nhiều view sẽ thu hút nhiều quảng cáo của các thương hiệu có liên quan với nội dung video và xu hướng của người dùng - nhiệm vụ của Google. 

Tuy nhiên, các quảng cáo chỉ biến thành tiền khi khán giả thực sự xem các quảng cáo ấy. "Video trên YouTube vẫn nằm ở đó, có lúc tưởng chừng không ai xem nhưng đột nhiên có sự kiện nổi bật liên quan thì sẽ dễ tăng view. Như video mình làm về Tử Cấm Thành, ban đầu ít người xem nhưng khi có cơn sốt phim Diên Hy Công Lược, người ta tìm hiểu rất nhiều", Khải nói.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Phạm Quốc Việt, chủ kênh YouTube Việt Durian về các hoạt động giải trí từ nông thôn đến thị thành, cho biết làm video và đăng tải xuất phát từ sở thích ghi lại các khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. 

Trước đây, một lần về quê ở Long Khánh (Đồng Nai), Việt nảy ra ý tưởng quay lại các hoạt động của bà con hàng xóm từ việc làm vườn làm rẫy đến nấu các món ăn quê. "Khán giả rất thích xem những cảnh dưới quê, dù có vẻ bình thường nhưng khi lên hình sẽ khác lắm. Nhất là những người miền khác, người ta xem để biết thêm đây đó", Việt nói.

Việt nói mệt nhất trong công việc làm video là tốn thời gian. Có lần Việt quay cảnh câu cá nhưng hễ đặt máy cá không ăn nhưng khi chuyển máy cá lại cắn câu. "Quay từ 7 giờ sáng tới 2 giờ chiều mới được cảnh câu cá ưng ý", Việt cười. 

Lần khác, Việt quay cảnh một vườn chim ở quê, dù rất nhiều nhưng mỗi lúc phát ra tiếng động là chim bay đi, không thể quay được. Việt phải đứng im hàng giờ đồng hồ mới có thể lấy cảnh phim một cách tự nhiên nhất.

Trong khi đó, Thu Giang (28 tuổi) cho biết kênh YouTube Giang Ơi của bạn ra mắt đầu tháng 5-2017 khi đang du học ở Anh. Giang Ơi tập hợp những video xoay quanh các câu chuyện mà chính nhân vật gặp phải trong cuộc sống hằng ngày: chăm sóc mèo, dọn dẹp nhà cửa, lần đầu tập hát… 

Sở hữu khuôn mặt xinh xắn cùng cách dẫn dắt có duyên, Giang có thể biến những chuyện tưởng chừng bình thường thật đẹp và lôi cuốn qua góc nhìn nữ tính của mình.

Với nhiều Vlogger, làm video YouTube đầu tiên là làm cái mình thích, không phải chạy theo thị hiếu khán giả. Đã có công việc ổn định, làm video là cách Việt giải trí hơn là kiếm tiền. 

"Mỗi lần đi quay được ra ngoài, tiếp xúc với thiên nhiên, với những người xung quanh nên tâm trạng rất tốt. Chắc do vậy mà mình ít khi cảm thấy căng thẳng - Việt nói - Khi trong tay không có gì mà làm video sẽ rất mệt, bởi phải tính toán sao cho có nhiều view nhất và khi đó bị đồng tiền chi phối, làm video không còn thú vị mà trở thành áp lực rất lớn".

"Nuôi" fanpage để bán

"Lấy" tiền từ Facebook có vẻ khó hơn từ YouTube vì người kinh doanh thường sử dụng Facebook như một kênh buôn bán online.

Do nhu cầu làm ăn cần một lượng khách hàng tiếp cận ổn định, nhiều cá nhân, đơn vị không tiếc tiền mua lại những trang fanpage với giá tùy theo lượt thích (like) của trang: mức giá cho 1 trang có 2.000 like khoảng 500.000 - 600.000 đồng, 5.000 like khoảng 1 triệu đồng, 100.000 like khoảng 20 triệu đồng… từ đó thu hút nhiều người "nuôi" fanpage để bán.

Võ Minh Tiến (18 tuổi, Tiền Giang) từng là admin (người quản lý) của 1 fanpage có đến 2 triệu lượt thích được ngã giá gần nửa tỉ đồng. Tiến cho biết chủ nhân của fanpage này chỉ là một học sinh trung học cơ sở, và chính em ấy là người quản lý chung, duyệt bài từ khoảng 7 admin là các đàn anh đàn chị của mình.

Một chủ nhân fanpage đạt 3 triệu like chia sẻ: Cũng có người xem đây như một cơ hội làm ăn, một mình lập ra, mua đi bán lại nhiều trang theo từng định hướng khác nhau như trang ở TP.HCM, trang ở Hà Nội, trang chuyên cho nam, trang chuyên cho nữ, trang chuyên cho trẻ em. Khi đã lớn mạnh, họ bán lại cho những người có nhu cầu.

Thu nhập "khủng"

Trên thực tế, khoản thu nhập mà YouTube trả cho các creator không đồng nhất, tùy thuộc vào từng kênh và từng khu vực cụ thể: một kênh YouTube ở VN có thể nhận được từ 600 - 3.000 đồng cho 1 lượt xem quảng cáo, nhưng ở thị trường Âu - Mỹ, con số này có thể 6 - 10 USD.

Công thức tính thu nhập cũng được YouTube áp dụng cho từng creator và gần như không được công khai. Theo N.T.Đ., chủ nhân một kênh YouTube về giải trí gần 200.000 lượt đăng ký, thu nhập hằng tháng của anh dao động từ 2.000 - 8.000 USD tùy theo lượt xem quảng cáo của khán giả.

Theo trang Social Blade, chuyên trang phân tích các kênh YouTube, thu nhập hằng ngày của kênh Bà Tân Vlog dao động từ vài trăm đến vài chục ngàn USD. Dựa vào số lượng xem video trên kênh hằng ngày, Social Blade ước lượng số tiền creator có được.

Ví dụ, ngày 16-6-2019, kênh Bà Tân Vlog có 1.385.819 lượt xem, và số tiền ước tính thu được khoảng 346 - 5.500 USD. Trong 30 ngày gần nhất, từ 19-5 đến 17-6-2019, Social Blade ước tính kênh Bà Tân Vlog có hơn 120 triệu lượt xem, và số tiền thu được từ 25.200 - 403.100 USD.

Quảng cáo trên YouTube, cảnh giác nhãn hàng bị gắn vào clip xấu

TTO - Ngày 10-6, Bộ Thông tin - truyền thông vừa phát cảnh báo tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước về việc hiện đang có quảng cáo bị gắn trong các video nội dung xấu độc, phản động trên YouTube.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên