09/01/2023 09:44 GMT+7

Hậu trúng số - những chuyện kỳ lạ khó tin có thật - Kỳ 7: Những người hưởng lộc 'ké'

Nhiều người được hưởng lộc "ké" từ những tờ vé trúng độc đắc. Nhất là người bán vé số và người thân, chòm xóm người trúng số.

trúng số

Bà Phạm Thị Hồng (trái) được mổ mắt từ tiền chia lộc trúng số của cô Út Một - Ảnh: Y.T.

Nhờ những món lộc từ người trúng số ấy, họ đã vượt qua được cảnh cùng kiệt.

Được cho tiền mổ mắt

Bán vé số ở khu vực chợ Giồng Trôm (thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, Bến Tre), bà Phạm Thị Hồng (67 tuổi) vui mừng kể lại chuyện vé mình bán đã có hai người khách trúng cách đây hơn hai tháng. 

Người trúng sáu tờ, người trúng hai tờ độc đắc, cả hai đều buôn bán làm ăn ở khu chợ này.

Trong đó, cô Út Một - nhân vật nổi tiếng nguyên khu chợ vì trúng tới sáu tờ - cho bà tổng cộng 25 triệu đồng. Theo lời kể, ban đầu cô Út Một định đưa bà 20 triệu đồng, chia làm hai đợt vì sợ đưa một lần sẽ xài hết.

Nghe vậy, bà Hồng bộc bạch nỗi niềm: "Tui lấy tiền này đi lên thành phố mổ cườm mắt, còn phải lo tiền xe, rồi tiền ăn tiền uống nữa. Thôi bà cho tui thêm 5 triệu đi rồi tui không xin nữa". 

Lúc này, cô Út Một mới nói: "Bà nhớ nghe, chứ tui tính cho bà hai lần đó". Vậy là, cô Út Một rút thêm 5 triệu đồng đưa bà Hồng cái rẹt.

Có tiền, bà Hồng đi mổ mắt khỏe re. Bác sĩ dặn về nhà phải đeo kiếng che bụi, nhưng bà lại đeo kiếng lão theo thói quen chứ không đeo kiếng mát. 

Mới mổ mắt còn yếu không nên ra ngoài ánh sáng chói gắt nhưng bà cũng không chịu nghe. Chừng hai, ba bữa sau, mắt bà đỏ lè nhìn như... bà phù thủy.

Không biết tính sao, bà chạy qua gặp cô Út Một phân trần rồi xin thêm 10 triệu đồng đặng lên lại thành phố tái khám và lo liệu việc nọ việc kia. 

Cô Út Một kể: "Tui dặn bả là tui cho 10 triệu này là dứt dạt, tại vì tui còn nhiều công chuyện lắm. Bả cũng đồng ý, nên tui đưa đặng giúp bả cho trọn".

Mọi chuyện êm thấm. Khi người khác hỏi thăm, bà hồ hởi nói: "Mắt tui khỏe rồi, giờ nhìn rõ lắm". Bà cũng tâm sự rằng may mà có cô Út Một cho, chứ bà đi bán bữa đực bữa cái tiền đâu mà mổ.

Rồi bà kể mình mới bán vé số mấy năm nay ở miệt này, trước đây bán ở huyện khác. Ngày nào bà cũng khoác áo bà ba, đội nón lá đi bộ bán lòng vòng. Bà cho biết bản thân rất vui mừng khi có người mua vé của mình mà trúng số. "Tui mừng cho cô Út Một lắm, cổ hay mua vé chiều ế của tui", bà nói.

Tối muộn ở một tiệm hủ tiếu có tiếng ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang), bà Nguyễn Thị Phụng (Sáu Phụng, 68 tuổi) đi mời khách mua vé số như mọi hôm. 

Bà tính tình xởi lởi, cách đây hơn hai tháng đang lơn tơn đi bán thì một thanh niên ngoắc bà lại. Tưởng là khách mua vé số, nhưng người này vui vẻ nói: "Dì ngồi đi, con bao dì ăn hủ tiếu".

Nghe vậy, bà nghĩ chắc người ta thương mình già cả tội nghiệp nên đáp lại "Dì nấu tô hủ tiếu ăn rồi mới đi bán, con ăn đi, dì hổng ăn". 

Người khách lúc này mới nói rằng bữa trước có cặp vợ chồng mua vé số của bà trúng độc đắc, lúc đó họ cũng ngồi ngay cái bàn mà anh đang ngồi. Họ gửi anh đem biếu bà 10 triệu đồng.

Bà đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, cầm tiền trong tay mà vui quá trời. "Tui cũng không biết cặp vợ chồng đó trúng mấy tờ, cũng không nhớ mặt mũi họ trông ra sao vì quán này đông mà tui bán cho nhiều người lắm...", bà kể.

Quê ở Gò Công, bà Phụng lên TP Mỹ Tho ở trọ tới nay cũng hai chục năm, gắn với nghề bán vé số. Trước đó, cũng có những người trúng giải nhỏ nhỏ, cho bà chút chút. Bà nói lần này nhận được số tiền chục triệu đối với bà lớn lắm.

Số tiền giúp bà vượt qua cơn ngặt nghèo. "Năm ngoái tui nợ dữ lắm, nợ tiền trọ, nợ nần hồi đợt dịch COVID-19. Rồi hồi đó ông xã tui chạy xe ngoài đường bị sụp ổ gà, té đụng vô vợ chồng người ta nên phải vay tiền góp để đền", bà bùi ngùi nhớ lại. 

Nhờ được cho 10 triệu đồng, bà trả bớt nợ, nhẹ gánh phần nào.

Một đại lý vé số ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) căng băng rôn chúc mừng khách trúng số - Ảnh: Y.T.

Một đại lý vé số ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) căng băng rôn chúc mừng khách trúng số - Ảnh: Y.T.

Đại lý vé số cũng... thơm lây

Không chỉ người bán dạo, đại lý vé số cũng nằm trong "danh sách" những người hưởng lộc ké. 

Chị Lan Anh (đã được đổi tên, 39 tuổi, bán vé số cho một đại lý trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP.HCM) có thâm niên 10 năm trong nghề thì "không nhớ hết mình bán trúng độc đắc bao nhiêu lần". 

Gần nhất là cuối năm ngoái chị bán trúng hai lần đặc biệt, mỗi lần 11 tờ đài TP.HCM và Đồng Nai.

Chị kể cả hai lần đó đều là vé ế "ma chê quỷ hờn, chuẩn bị đem trả thì có người hốt". Còn chồng chị bán khu vực Châu Văn Liêm và chợ An Đông cũng mát tay không kém. 

"Ông xã bán tháng nào cũng có khách trúng, có những lúc tuần nào cũng trúng. Ấn tượng nhất là ảnh từng bán trúng độc đắc hai lần liên tiếp trong vòng một tuần cho cùng một chị khách ở quận 5", chị hào hứng nói.

Nhờ mát tay, vợ chồng chị hưởng lộc ké cũng kha khá. Có lần cách đây bốn năm, một vị khách cho hẳn 300 triệu đồng, rồi những khách khác cho khi thì vài trăm ngàn, khi vài chục triệu... 

Với những khoản tiền khách chia lộc, vợ chồng chị "nhờ" ngân hàng giữ giùm. Cộng thêm của để dành khác, họ mua được căn nhà ở quận 12, vừa rồi mới bán lại lời cũng kha khá. 

"Vợ chồng còn mua được miếng đất ở quê nhà Đồng Tháp", chị kể.

Ngoài được khách hậu tạ sau khi trúng, chị Lan Anh cũng cho biết mình bán cũng thuận lợi hơn. Thông thường khi người trúng "lên hương", tiếng lành đồn xa, đại lý sẽ bán được nhiều hơn trước. 

Khách tin tưởng nên đã nhờ những "đại sứ thần tài" này lựa số giùm và không quên thòng một câu: "Chiều nay mà trúng, tui kiếm bà hậu tạ à nghe".

Tương tự, một số đại lý khác cũng cho biết được "thơm lây" khi bán mà có nhiều người trúng. Có đại lý còn căng băng rôn ghi thông tin chúc mừng khách trúng kèm theo dãy số độc đắc cụ thể và ngày trúng để hút khách hơn, như một đại lý trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) vừa rồi để băng rôn khách trúng tổng số tiền 27 tỉ đồng.

Nghe những người hưởng lộc ké kể, chúng tôi cảm nhận được người trúng số lẫn người hưởng lộc trong câu chuyện thường có tâm lành. Chuyện hên xui, may rủi quanh những tờ vé số xét ra cũng có nhiều điều hay ho.

Người thân, chòm xóm được nhờ

Có lộc không hưởng một mình. Người trúng số thường quan niệm nhận lộc thì phải sẻ chia, không ôm khư khư dễ... "đau bụng". Với suy nghĩ đó, người trúng số thường dành ra một khoản tiền để làm việc thiện, biếu người thân và họ hàng...

Nhờ vậy, người thân và chòm xóm của người trúng số cũng được thơm lây. Như trường hợp cô Út Một kể trên, cô biếu anh chị của mình mỗi người trăm triệu.

Anh Bảy Có trúng số ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) thì cho họ hàng khoảng 20 người mỗi người chút đỉnh. Bà Bảy Tuyết trúng số ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) mua xe cho cả nhà đi làm.

Riêng vợ chồng chị Lan Anh đã dùng số tiền 300 triệu đồng của vị khách trúng độc đắc tặng để san sẻ cho bà con nghèo ở quê nhà (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) bằng những phần quà thiết thực sau đợt dịch năm rồi...

Truyền thông quốc tế từng đưa tin nhiều về bi kịch của người trúng số độc đắc từ tan cửa nát nhà, nghèo xơ xác trở lại, hay tự tử... Nhưng không phải ai trúng xổ số đều sẽ như vậy.

____________________________________________

Kỳ tới: Những người trúng độc đắc khôn ngoan

Hậu trúng số - những chuyện kỳ lạ khó tin có thật - Kỳ 6: "Trời cho cái này, lại lấy cái kia"Hậu trúng số - những chuyện kỳ lạ khó tin có thật - Kỳ 6: 'Trời cho cái này, lại lấy cái kia'

Kể chuyện trúng số, mà trúng cùng lúc tới chín tờ độc đắc, ông Hà Quang Long (53 tuổi, tên đã thay đổi) chùng giọng tâm sự nhiều người nói "trời cho cái này, lại lấy cái kia".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên