Nhưng đặc biệt hơn cả là chuyện hậu trúng số, những cách tiêu tiền "trên trời rơi xuống". Kẻ đổi đời thật sự, người lại nghèo nhanh chóng.
"Kiếm Út Một hả, nó đi chở gas chưa về", bà Hứa Ngọc Dung (72 tuổi) nói khi thấy chúng tôi lấp ló trước cửa tiệm mình. Hơn hai tháng nay, nguyên cái chợ Giồng Trôm (thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) này biết Út Một - em gái bà - trúng 6 tờ độc đắc "ngon ơ cành bơ".
Trúng số, ngủ mở một mắt
Đâu chừng một tiếng sau, "người nổi tiếng nhất chợ Giồng Trôm" mới về tới. Dáng điệu đủng đỉnh, vóc người to cao, bà Út Một (56 tuổi, tên thật Hứa Ngọc Tuyết) ngồi phạnh xuống ghế. "Tui đi chở gas, lắp bình gas cho người ta ở xã Bình Thành cách đây mấy cây số. Tại tui đi chở kiểu... văn nghệ, vừa đi vừa chơi lòng vòng nên mới lâu", bà bắt đầu câu chuyện.
Chưa chồng con, Út Một chỉ có một đam mê... mua vé số. Đứng kế bên, bà Dung lườm em rồi nói nửa giỡn nửa thiệt: "Nói nào ngay, nhiêu nó xài hết nhiêu. Ngày nào nó cũng mua vé số, tui rầy hoài đừng mua nữa, chim ỉa miệng chai biết ngày nào trúng mà nó không nghe". Út Một nghe vậy thì cười hề hề, xòe cho chị mấy tờ vé số cầu hòa "cho bà nè".
Niềm đam mê vé số của Út Một cũng lạ. Suốt nhiều năm nay bà thường mua vé có đuôi "881" hoặc "81" vì thích, với lại đó là biển số chiếc xe Cub cũ của mình. Chiếc xe tàng quá rồi nhưng bà vẫn dựng trong nhà, cùng với một chiếc xe cổ lỗ sĩ khác do má hồi còn sống mua cho.
Chiều hôm đó là ngày lễ 20-10, Út Một phóng vèo đi chở gas. Ngang chợ, bà bán vé số mối quen kêu lại. Thấy có "số ruột" 881, bà mua 6 vé, chạy được một đoạn thì bà bán ới theo "thôi còn 6 vé lấy hết đi". Út Một kể: "Khi đó tui mua chịu vì phải để lại tiền lẻ để thối tiền gas cho người ta. Đâu biết trúng, người ta nài quá thì mình mua giùm thôi".
Mua xong, bà tiếp tục "sự nghiệp chở gas" cho khách. Trên đường về, bà ghé chỗ người bán vé số để trả 60.000 đồng. Rồi bà đáo qua mua 5kg gạo với hũ chao hết 100.000 đồng nhưng chỉ còn 90.000 đồng tiền lẻ. "Tui đưa cho bà bán gạo một tờ, kêu cầm đi nhưng bả nói chỉ lấy tiền, vé sắp xổ rồi đưa chi nữa. Tui cầm lại, nói giỡn là bà đừng có hối hận nghe", bà kể.
Út Một về nhà chị gái, mở điện thoại dò số, 6 vé trúng phóc "...881" đài Bình Thuận. "Thấy trúng tui nhói tim luôn", bà nhớ lại. Rồi bà đưa cho chị mình và nói "Năm ơi Năm (bà Dung), em trúng số rồi nè". Bà Dung cũng nghẹn tim, tròn mắt ngó, dò lại kỹ càng mới tin rằng em mình không nói dóc.
Người ta hay nói người trúng số ngủ có một con mắt, con mắt còn lại lo đủ thứ. "Chị em tui dặn nhau thôi nín thinh đi, đừng nói ai nghe, để từ từ tính. Nhưng bà bán vé số bả đi nói khắp chợ, la um sùm ai cũng biết", Út Một vui vẻ kể lại. Bữa đó, bà bán bánh bò trong chợ cũng trúng hai tờ giống số này.
Tính chằng chằng mà hiền lành
Sáng hôm sau, Út Một ngồi xe ra Bình Thuận lãnh giải. Xong xuôi, bà cúng dường cho ngôi chùa trong thị trấn, biếu bà vé số ít tiền. Rồi bà bắt xe lên TP.HCM làm lại "bộ nhai" vì răng hư sớm, ăn uống khó khăn.
Kể về đời mình, bà nói rằng ba mình hơn trăm tuổi mới mất. Má mất cách đây bảy năm, bà sống tại căn nhà thờ ba má cách nhà chị gái chừng trăm mét. Ban ngày, bà ở tiệm phụ giúp chị, chở gas khi có người điện. Tính bà xởi lởi, nhiệt tình nên người ta thương, hay cho thêm 10.000 đồng, 15.000 đồng...
Nhắc tới má, Út Một xúc động kể hồi còn sống, má thương mình dù hay "rầy chằng chằng" vì biết tính con lông bông. Bởi vậy, bà đã nguyện dư dả sẽ cất lại căn nhà. "Ai cũng nói nên cất nhà lại vì đó là nhà thờ cúng ông bà tổ tiên, phải xây cất đàng hoàng", bà tâm sự. Cách đây mấy năm, nhà kế bên bị cháy, nên nhà ba má bà cũng gần như tiêu tan hết rồi. Cùng với đó, bà cũng định sẽ hùn chút đỉnh tiền mua đất thổ mộ dòng họ mình.
Dù sẽ cất nhà mới, Út Một nói sẽ giữ lại cái cửa kéo màu xanh cũ kêu ken két, cùng với đồ đạc kỷ niệm trong nhà như cái gạc-măng-rê, tủ thờ... Nghĩ cũng ngộ, người ta hay muốn quên thời cơ hàn, còn bà dù bị thiên hạ liệt vào hàng "lãng lãng" nhưng lại thích ôm ấp những ngày tháng xưa cũ.
Giữ giùm tiền của em gái trong tài khoản, bà Dung nói: "Nó muốn xài gì thì kêu, tui xuất tiền ra mà xài". Còn Út Một thì kể: "Chị mình mà, có mất đi đâu mà sợ".
Người có nhiều "quái chiêu"
Nhắc tới Út Một, nhiều người nói vui là bà này có nhiều cái "quái chiêu". Nào là hay nổi quạu, có tài lẻ... Nhưng trong lúc nói chuyện, chúng tôi cảm thấy sâu thẳm trong bà là một người phóng khoáng, vô tư, đậm chất sông nước miền Tây.
Bà Dung cũng vậy. Ẩn sau những câu hờn mát, bà là người chị tảo tần, luôn lo lắng cho Út Một. Bà nói: "Tính nó lãng lãng, ham chơi nhưng lành lắm. Nhiều khi mình sợ trong lòng vì nó nóng tính, sợ ai nói gì đó làm nó tức nó nổi khùng thì sao". Thấy Út Một đi lâu là bà điện chừng chừng. "Bởi vậy nó ghét tui lắm, nói tui hổng có thương nó", bà kể. Nhưng người ngoài nhìn vô sẽ thấy, ngay cả cách gọi Út Một cũng hàm chứa sự thân thương, gắn bó.
Xởi lởi trời cho, so đo trời lấy. Có lẽ vì vậy nên cả nhà Út Một có cuộc sống ổn định, dù Út hay nói giỡn mình là "con ma nhà họ Hứa". Hai bàn tay bà luôn lấm lem với cái nghề chở gas, chùi bếp quanh năm suốt tháng.
Cách Út Một sống thật đơn giản! Bà kể: "Ngày nào đi chở gas tui cũng treo theo mấy bịch bánh lọt. Đi ngang nhà nào thấy mấy bà già đang ngồi, tui làm bộ rao "Mấy đời bánh đúc có xương...". Mấy bà nghe tưởng tui bán nên kêu lại, tui giỡn giỡn rồi thẩy cho một bịch ăn đỡ buồn". Hồi tối, chạy về qua con lộ thấy một ông cụ lang thang, bà hỏi thăm rồi vòng lên mua ổ bánh mì chạy xuống đưa "ăn cho đỡ đói". Bà hay âm thầm làm những việc như thế, gặp người "nói chuyện hạp" thì mới bộc bạch ba điều bảy chuyện.
Út Một tự nhận mình chậm chạp, học tới lớp 8 "không hiểu gì nữa" nên nghỉ. Bà viết cũng chậm, ăn cũng chậm hơn người khác. Nghỉ học, bà đi "mánh mung", cửa hàng người ta "bung" cái gì ra như vải vóc, hộp quẹt... thì mua sang tay liền. Rồi bà chuyển sang bán bột nêm, hột vịt... sau đó gắn với nghề chở gas.
Trời cũng thương khi cho Út Một dù lẻ bóng nhưng khỏe mạnh, ăn ngon ngủ tốt. Nói chuyện với bà người ta quên mất tuổi tác, còn được hưởng ké vẻ yêu đời quá xá trời đất.
Tài lẻ Út Một
Sống vô tư giữa cuộc đời, đôi khi Út Một cũng cô đơn. Hay bị chọc ghẹo vì vẻ ngoài, mấy lần bà nổi sùng nhưng rồi "kệ thiên hạ". Bù lại, bà có chút tài lẻ để giải sầu. Đang nói chuyện, bà mở cửa bên hông nhà, chỉ con rạch nhỏ và nói mình có khiếu câu cá. Khi cá "dính chưởng", bà giơ giò giật lên khỏi cần dùng tay, kiểu câu cá bằng chân thiệt ngộ.
Bà cũng có biệt tài giả tiếng chim kêu. Để chứng minh, bà rứt miếng ni lông, kéo ngang cho thẳng rồi ngậm môi thổi. "Tiếng này là chim chìa vôi đó, hay hông?", bà nheo mắt cười.
-------------
Kỳ tới: Người nghèo nhứt xóm trúng hai tờ độc đắc
"Hời ơi, tui mua số dữ lắm, mua cầu may vì mình khổ quá trời đất. Mà hồi sáng tui mua rồi, nên tui bấm bụng mua thêm hai tờ đuôi 24 và ba tờ đuôi 27 giúp nhỏ bán cũng nghèo, ai dè trúng ngay chóc hai số đuôi 224".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận