29/03/2014 10:35 GMT+7

Hậu phương của "Hắc đại sứ"

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Năm nay đã 80 tuổi, bà Phạm Thị Cúc vẫn nhớ như in cuộc nói chuyện kéo dài 15g đồng hồ, từ 14g chiều hôm trước đến tận 5g sáng hôm sau với ba má mình.

Ông bà bác sĩ Phạm Văn Điệp đặt cô con gái cưng trước hai lựa chọn: một là sang Pháp du học, hai là bỏ học lên chiến khu theo cách mạng.

Kỳ 1: Kỳ 2:

Mc47yz8Y.jpgPhóng to
Ông Vũ Hắc Bồng và bà Phạm Thị Cúc tại nhà riêng - Ảnh: T.TR.

Cô Cúc, 15 tuổi lúc ấy, đã khăng khăng giữ nguyên chiếc túi đựng mấy bộ đồ đen tự may và ý định của mình: lên chiến khu. Bà Cúc năm nay 80 tuổi, vợ của đại sứ Vũ Hắc Bồng, cười nói: “Nếu được chọn lại, tôi chọn... như cũ...”.

Giã biệt áo dài

Ba má, dẫu thương và lo cho con gái đứt ruột, cũng đã phải gật đầu bởi chính ông bà chứ không ai khác đã hun đúc lòng yêu nước và ý hướng trong cuộc lựa chọn sinh tử cho con gái mình.

Từ nhỏ, Cúc đã chứng kiến cảnh ba má lôi tất cả giường tủ bàn ghế trong nhà ra đường để làm chướng ngại vật ngăn quân Pháp, quen với việc ba khám bệnh cho các sĩ quan cộng hòa tầng dưới, má cơm cháo trị thương cho các cô chú, các dì ở tầng trên.

Chị em Cúc thường được ba nhờ cầm những toa thuốc đi mua gom ở từng tiệm thuốc tây, thỉnh thoảng lại được các dì cầm tay dẫn “về quê ăn giỗ” để rồi chia tay ở một xóm làng nào đó khi các dì đã về đến cứ.

Ra khỏi Sài Gòn, chứng kiến một cuộc sống khác hẳn của những người nông dân lam lũ, trong lòng Cúc đã nhen lên một ngọn lửa, cháy sáng một ước mơ.

Khi đậu thứ 12 trong kỳ thi đệ thất vào Trường nữ sinh Gia Long, đủ điểm có học bổng và được ở nội trú, Cúc lập tức gây dựng nên những phong trào yêu nước ngay trong nhóm bạn của mình, bắt đầu là những bài hát đã học được từ các cô, các dì trong chiến khu.

Các giai điệu của Bạch Đằng giang, Sông Gianh, Người xưa đâu tá, Lên đàng cứ vang lên trong những giờ giải lao từ giọng hát lảnh lót của Cúc.

Sau tiếng hát kích thích, hiệu triệu là những tờ truyền đơn tự in bằng mực tím, là những đợt bãi khóa, biểu tình... Cúc vẫn học giỏi, mà một trong những mục đích của việc học là đạt được điểm cao để giữ chỗ trong khu nội trú, dễ bề hoạt động.

Về nhà, Cúc vẫn chăm chỉ phụ má làm những mẻ bánh ngọt, học may học thêu cho đúng kiểu một cô tiểu thư con nhà. Sôi nổi xen lẫn với êm đềm như vậy cho đến ngày diễn ra sự kiện chấn động giới học sinh sinh viên Sài Gòn: đám tang trò Ơn.

“Sau cuộc biểu tình, diễu hành lôi cuốn hàng vạn học sinh và người dân ấy, các trường đều bãi khóa, cảnh sát lùng sục khắp nơi, bạn bè tôi bị bắt rất nhiều. Dù đã hết sức cẩn thận và có vỏ bọc tốt, tôi vẫn bị lộ mặt. Tôi và một chị bạn bàn nhau: chỉ còn cách vào cứ. Chị ấy lo việc liên lạc với các anh chị lãnh đạo phong trào sinh viên học sinh, tôi ở nhà, lén ba má ngồi may những bộ quần áo đen...”, bà Cúc cười thật tươi kể về những ngày thay đổi cuộc đời mình lúc ấy.

Đến ngày hẹn, Cúc xin phép má sang nhà bạn chơi rồi xách giỏ đi. Má thấy chiếc túi căng phồng, sinh nghi liền gọi lại bắt mở ra “khám”.

Thấy mấy bộ đồ đen, lập tức bà hiểu, lập tức nước mắt trào ra, lập tức bà ra cầu thang gọi chồng. Chưa tới 3g chiều nhưng bác sĩ Phạm Văn Điệp vội đóng cửa phòng khám, chạy lên để giữ chân con gái.

Cuộc nói chuyện “kỷ lục” ấy má khóc nhiều lắm. Bà nói cần Cúc ở nhà giúp má chăm em vì chị Hai đã đi Pháp học. Bà nói lỡ con gái chẳng may bị bắt, bị đánh chắc bà không sống nổi. Ba thì phân tích điều hơn lẽ thiệt: yêu nước có nhiều cách, còn nhỏ vào khu không làm được gì, chi bằng học tiếp rồi đi du học, sau này thành tài về giúp đất nước có lợi hơn.

Nhưng Cúc khăng khăng: “Bạn bè đứa thoát ly, đứa thì bị bắt, con không còn tâm trí nào mà học. Ba má đã dạy con yêu nước, xin hãy cho con hành động. Việc học sau này tiếp tục cũng không muộn...”.

Sáng hôm sau, không thấy Cúc tới, người bạn sang tận nơi tìm, ba má vẫn không cho, chị phải đi một mình. Nhưng rồi cuối cùng ba cũng phải đồng ý.

Ông cố bảo vệ con gái một lần nữa bằng cách tự mình liên lạc vào khu để gửi Cúc vào lực lượng quân báo quen thuộc của ông. Những chiếc áo dài tím đồng phục, áo dài màu dạo phố Cúc đã để lại Sài Gòn từ đó.

Học cùng các con

Cuộc sống mới trong chiến khu nhiều cực khổ, lắm rộn ràng. Từ một thiếu nữ, Cúc vụt lớn lên thành một chiến sĩ quân báo, một phụ nữ trưởng thành để làm vợ, làm mẹ.

“Cũng như mọi người thôi”, bà Cúc mỉm cười, không kể nhiều. Ông Vũ Hắc Bồng, chồng bà, cũng vậy. Hai người chỉ nhắc về những ngọt ngào: ngày họ gặp nhau lần đầu tiên trên đường hành quân dịch chuyển chiến khu hàng trăm cây số từ Khu 9 về Dương Minh Châu, ngày đám cưới được cấp cho 200 đồng, mua đường đen về làm kẹo mè, vào rẫy đào mì, mài bột làm bánh da lợn...

Cưới xong chưa đầy tháng, đôi vợ chồng trẻ đã chia tay để mỗi người lên một chuyến tàu tập kết với những nhiệm vụ khác nhau.

Từ ngày ấy, ông Vũ Hắc Bồng bước từ quân đội sang công tác ngoại giao, và cái tên ông ngày một sáng lên, không giống nước da đen và cái tên “Hắc” ông tự đặt. Từ Ban thi hành hiệp định đình chiến đến đại diện quân đội VN trong ban liên hợp tại khu phi quân sự, từ phó phòng chính trị đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve đến đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Guinea, Chile, Angola...

Đã có cả một cuốn sách viết về đời đại sứ của ông, nhưng rất ít trang, ít dòng nhắc đến gia đình. “Tôi luôn yên tâm. Công tác kéo dài, vợ chồng gặp nhau như “chuồn chuồn đạp nước”, đâu có lo được gì cho gia đình”, ông Bồng bảo thế.

Người vợ trẻ lúc ở nhà ăn trắng mặc trơn, chỉ biết xúng xính áo dài đi học, khi vào kháng chiến, làm vợ, làm mẹ lại đảm đang tháo vát không ngờ.

Những đứa con ra đời, bà xin chuyển ngành sang làm công nhân kỹ thuật, ngày ngày tất tả với công việc, con cái, tem phiếu, gạo muối củi dầu để chồng chuyên tâm với những chuyến công tác tính bằng đơn vị năm.

Con vừa đến tuổi tự biết lo cho bản thân thì lời hứa năm nào với cha mẹ trỗi dậy, bà tự ôn tập, thi vào ĐH Bách khoa. Một ngày dài học và làm của mấy mẹ con bắt đầu từ nửa đêm.

“Ba giờ sáng tôi đã trở dậy, học. Bốn giờ đánh thức con trai đầu chuẩn bị vào cấp III. Năm giờ đánh thức con gái mới bước vào cấp II. Sáu giờ gọi con trai út vừa bắt đầu lớp 1. Chiên cơm, nấu mì ăn, bỏ cặp lồng rồi cả mấy mẹ con đi học, đi làm đến chiều tối. Cứ thế. Khi tôi tốt nghiệp ĐH Bách khoa thì con trai lớn cũng tốt nghiệp cấp III, vào ĐH, con gái tốt nghiệp cấp II, con út vừa xong cấp I...”, những vất vả ngày ấy đã trôi qua để hôm nay bà nhắc lại với một giọng nhẹ tênh.

Mãi đến năm 1975, sau ngày thống nhất, được cử vào TP.HCM tiếp quản Đài truyền hình, bà mới được hôm sớm về thăm ba má sau hơn 20 năm bặt tin tức.

Đến năm 1979, bà mới lần đầu tiên sang Angola cùng chồng trong nhiệm kỳ đại sứ cuối cùng của ông. “Nhưng tôi không đi với chế độ phu nhân mà với tư cách tùy viên văn hóa, đi là để làm việc”, bà kể.

Lương cả hai vợ chồng cộng lại chưa đến 200 USD, chi phí hoạt động của sứ quán quá eo hẹp, vật giá đắt đỏ. Để giữ được sự lịch lãm trong quan hệ ngoại giao, bà Cúc phải giúp chồng những việc không ngờ.

Bà lập chuồng nuôi hai con heo để thịt mời khách ngày lễ Quốc khánh và tết cổ truyền. Bà ra biển tắm lúc nào cũng mang theo hai cái xô để nhặt sò huyết, ăn không hết lại dành làm mắm, chiết ra chai cho ông Bồng mang tặng các đại sứ Việt khác mỗi khi đi công tác.

Bà xới đất trồng hoa hồng, bón phân bằng xác sò để lấy hoa cắm, bó hoa tặng các bà phu nhân, tùy viên ngoại giao. Đi công tác, vali của bà chất đầy bánh phồng tôm, bánh tráng, mộc nhĩ, miến để làm món chả giò đặc sản VN đãi khách...

Đến hôm nay, nhắc những chuyện ấy, ông Bồng nhìn vợ, bật cười khoe: “Bao năm làm đại sứ, tôi chiên bánh phồng tôm và chả giò rất giỏi”.

Những tập album lưu niệm một đời ông cất giữ, hầu hết là những tấm ảnh chụp một Vũ Hắc Bồng đại sứ trong các dịp tiếp khách, trình quốc thư... Hỏi sao không có hình hai ông bà, cả hai cùng bật cười: “Ừ nhỉ, đúng là không có ảnh nào của hai chúng tôi”...

Năm nay ông bà sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thành hôn, và bây giờ thì họ đã luôn được ngồi bên nhau.

__________

Kỳ tới:Xếp lại lụa tơ, theo “đoàn văn hóa”

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên