22/03/2020 10:32 GMT+7

Hậu ngày quốc tế hạnh phúc: Vẫn phải hi vọng

NGỌC LƯU
NGỌC LƯU

TTO - Ngày quốc tế hạnh phúc 20-3 đi qua khi cả thế giới đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Nhưng không bàn về hạnh phúc đang có, làm sao chúng ta có thể nuôi lớn những hi vọng, lạc quan để vượt qua mùa dịch này?

Hậu ngày quốc tế hạnh phúc: Vẫn phải hi vọng - Ảnh 1.

Trường Quân sự Quân khu 5 đóng tại phường Hòa Thọ Tây (Đà Nẵng) tổ chức đón hơn 100 công dân từ các nước trở về và đưa vào các phòng cách ly - Ảnh: T.B.D.

Hạnh phúc giản đơn là hài lòng, biết ơn những gì mình đang có. Dù rằng dịch cúm đang khiến nhịp sống toàn cầu chậm hơn, bị đảo lộn, cùng với đó là bao nỗi lo lắng về công ăn việc làm, kinh tế, sức khỏe, an ninh... Ngày hạnh phúc nhắc chúng ta cần nuôi dưỡng cảm xúc tích cực về điều mình đang có.

Khi mỗi người cần góp sức bằng việc ở yên một chỗ, hạn chế việc đi lại cũng là lúc quay lại với chính mình, dành thời gian bên người thân, dọn dẹp không gian sống, rèn luyện để nâng cao thể chất... 

Chúng ta vẫn có thể thong thả lựa chọn thực phẩm để mua. Mọi nguồn lây nhiễm đều được phát hiện sớm nhất. Và dù có chẳng may mắc bệnh đi chăng nữa, ta vẫn hạnh phúc vì biết rằng không ai bị bỏ lại phía sau, trên đất nước mình. Ấy là hạnh phúc.

Tôi cảm thấy hạnh phúc và muốn bày tỏ lòng biết ơn đến gia đình của những người đang lao mình giữa trận chiến khốc liệt. Nhiều y bác sĩ đang căng mình chống dịch, hàng trăm tình nguyện viên tham gia đón đồng bào từ những tuyến đầu về nơi cách ly ngả lưng trên tấm chiếu giữa khoảnh sân không mái che, trong khi chúng ta vẫn được chăn ấm nệm êm. 

Nhiều người đã thể hiện tình cảm bằng cách gửi tặng nhu yếu phẩm đến nơi đang cách ly, khẩu trang cho đồng bào khó khăn hay những thức uống bổ dưỡng để y bác sĩ tăng cường sức đề kháng... Những hành động này không chỉ khích lệ, động viên tinh thần của những người được nhận mà còn giúp nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho cả cộng đồng.

Nếu cứ nhìn vào mặt tối, điều tiêu cực trong cuộc sống mà lên án, phê phán thì chúng ta tự hại mình trước khi bị bệnh tật quật ngã. Xã hội cần những kết nối, quan tâm, chia sẻ và sự liên lạc cảm xúc với người khác. Hạnh phúc được chia sẻ là hạnh phúc bình phương. Khi ta chia sẻ niềm vui với những người mình yêu quý và với cộng đồng, tự mình cũng thấy vui hơn. 

Nỗi sợ cũng vậy, càng nhiều người thể hiện nó bằng nhiều hình thức khác nhau thì hạnh phúc sẽ không còn chỗ chen chân. Do vậy, hơn lúc nào hết, lan tỏa niềm hạnh phúc từ những điều bé nhỏ, sự quan tâm giản đơn để chúng ta, không chỉ mỗi người Việt, vượt qua thử thách mang tên đại dịch này.

Hạnh phúc đâu chỉ một ngày. Hạnh phúc cũng chẳng phải là chuyện cá nhân, của những ích kỷ, thu vén. Hạnh phúc phải là chuyện của một cộng đồng với sự quan tâm, sẻ chia, mỗi người vì mọi người và sẽ thấy mình hạnh phúc giữa một cộng đồng hạnh phúc.

Thương nhau hơn giữa mùa dịch

Khi tôi báo tin nơi bạn T. đang ở là chung cư Hòa Bình (Q.10, tp.hcm) đang được cách ly, cả nhóm bạn xôn xao, lo lắng. Chúng tôi hỏi T. có cần tiếp tế gì không, T. trả lời: "Các bạn khỏi lo, mọi người được Nhà nước lo cơm ngày ba bữa".

Chưa kịp báo tin cho các bạn đã thấy Tuổi Trẻ Online đưa thông tin hình ảnh "Cơm bưng nước rót trong khu cách ly chung cư Hòa Bình", tôi gửi bài cho các bạn đọc. Ai cũng an tâm, nhẹ nhõm.

Ngày nào chúng tôi cũng liên lạc với T. để hỏi thăm tin tức, mong T. vui, đỡ căng thẳng trong những ngày cách ly. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau để trao đổi về tin tức và cách phòng ngừa dịch bệnh.

Những người bạn có con đi học hay đi làm ở nước ngoài đều được mọi người thăm hỏi, động viên. Dịch bệnh đến, một sợi dây vô hình đã kéo chúng tôi lại gần bên nhau, thân tình hơn.

Bà con, bạn bè ở nơi xa cũng thế, giờ ngày nào cũng nhắn tin, gọi điện, email để nhắc nhở nhau phòng ngừa dịch bệnh. Tâm tình cùng nhau, lo lắng cho nhau.

Lại đọc trên Tuổi Trẻ câu chuyện về 280 bác sĩ, y tá về hưu ở Hà Nội mong được chống dịch, bao người tình nguyện "vào mặt trận chống dịch", cả cộng đồng chung tay chống Covid-19", tìm thấy ở đó sức mạnh tinh thần rất lớn đang truyền cho nhau.

LÊ PHƯƠNG TRÍ (TP.HCM)

'Con lên đường chống dịch, bố mẹ ở nhà yên tâm nhé'

TTO - Sinh viên y khoa, bác sĩ và y tá đã về hưu, thanh niên tình nguyện... sẵn sàng lên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh COVID-19.

NGỌC LƯU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên