Cho tới thời điểm này việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô theo nghị quyết 15 của Quốc hội đã gần tròn một năm. Thời gian một năm có lẽ không đủ để giải quyết hết tất cả mọi việc về thủ tục hành chính, con người… phát sinh thời “hậu mở rộng”, nhưng cũng đủ để có thể đánh giá phần nào công việc, kết quả TP đã làm.
Phóng to |
Nhiều nông dân lựa chọn gánh hàng rong làm phương tiện mưu sinh sau khi bị thu hồi đất (ảnh chụp cảnh người bán hàng rong nghỉ chân tại phố cổ) |
* Đã có những dự án đầu tư cấp điện mới cho những xã vùng sâu, những cơ chế miễn phí đăng ký kinh doanh cho những vùng mới được sáp nhập vào Hà Nội, nhưng trên thực tế những thay đổi như thế vẫn chưa nhiều, thưa ông?
- Tôi nghĩ đầu tư cho những công trình phục vụ dân sinh ở những nơi mới sáp nhập về Hà Nội là rất cần thiết. Nhưng để giải quyết những phát sinh của thời kỳ “hậu mở rộng” không phải chỉ là chuyện đầu tư dự án. Gần một năm qua TP đã cố gắng nhiều trong vấn đề giải quyết công việc tồn đọng, phát sinh sau khi Hà Nội rộng hơn, đông dân hơn. Trong đó có cả những nỗ lực giải quyết vấn đề dân sinh tại những vùng mới nhập về Hà Nội qua trận ngập lụt lịch sử đầu tháng 11-2008.
Phóng to |
Đại biểu Vũ Đức Tân (ảnh: Xuân Long) |
* Chỉ bằng dự án đầu tư mà trông đợi cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, phải chăng cũng giống như có “bệnh” nhưng dùng “thuốc” chưa đúng liều?
- Việc đầu tư dự án để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân mới chỉ là một phần. Chúng ta phải nhìn thẳng vào một thực tế: cuộc sống, mức sống giữa người dân tại khu vực Hà Nội (cũ) và người dân ở những khu vực mới sáp nhập có sự khác nhau. Qua tiếp xúc cử tri tôi thấy người dân thắc mắc những dự án đầu tư vào những vùng mới sáp nhập chưa nhiều.
Mặt khác, chúng ta cứ nói đầu tư dự án là một cách thực hiện công nghiệp hóa, nhưng những dự án đó có giải quyết được việc làm cho người dân địa phương không hay lại chỉ là nhằm giành đất đai xây dựng khu đô thị, khu vui chơi giải trí, sân golf… Thực chất ở đây là lấy đất của người nông dân để làm dự án phục vụ người ở nơi khác về vui chơi, giải trí.
* Ông có nghĩ những vấn đề như thu hẹp khoảng cách, nâng cao mức sống tại những vùng mới sáp nhập cần phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu và HĐND TP sẽ giám sát thực hiện những việc này?
- Tại thời điểm này tôi nghĩ chưa thể đặt mục tiêu cân bằng mức sống ở các vùng cũ - mới, nhưng ít nhất phải xác định được lộ trình thu hẹp khoảng cách này. Cái người dân những vùng mới sáp nhập muốn thấy là khi về với Hà Nội cuộc sống của họ thay đổi như thế nào, có bao nhiêu trường học, trạm y tế được xây mới, bao lâu nữa được dùng nước sạch…
Những cái đó TP phải có lộ trình và cần phải được thể hiện bằng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TP, của từng huyện. Thậm chí phải có cả tiêu chí về con người, phải đưa lãnh đạo sở, ngành về với huyện vì chỉ có lấy mục tiêu con người mới tháo gỡ được cái khó và nâng mức cuộc sống của những vùng này.
* Hà Nội đang phải giảm bớt lao động tự do ồ ạt về TP. Nhưng kết quả rà soát dự án tại những vùng mở rộng cho thấy không ít dự án liên quan đến thu hồi đất, và không có nghề nghiệp thì người dân sẽ lại đổ về mưu sinh ở thủ đô?
- Đó là thực tế đang diễn ra ở Hà Nội hiện nay. Khi cấm bán hàng rong tại các tuyến phố, TP đã tính đến việc đưa ra lộ trình để những người bán hàng rong chuyển đổi nghề. Nhưng việc quản lý hiện nay không thể bám sát được hiện tượng di dân từ các nơi khác về thủ đô, đặc biệt là những vùng bị thu hồi đất nhiều.
Trong mỗi dự án thu hồi đất người ta đều nói là đào tạo nghề cho người mất đất, nhưng việc chuyển đổi nghề chưa thật sự gắn bó với cuộc sống của người dân địa phương, bản thân họ cũng không thể sống được với những nghề đó.
Vấn đề ở đây là cách giải quyết chưa trọn vẹn, một người dân làm nông nghiệp từ bé, bây giờ được dạy nghề vài tháng, học xong không nơi nào nhận nên TP vừa mất tiền đào tạo, người dân vẫn không có việc làm. Và chắc chắn tới đây khi có thêm nhiều dự án thu hồi đất, nếu khâu giải quyết việc làm không được tiến hành rốt ráo, chắc chắn lượng người đổ về TP kiếm việc làm sẽ càng nhiều hơn.
* Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận